Ả Rập Xê-út và Iran: Đối thủ thành đối tác

Tháng 3 vừa qua, Ả Rập Xê-út và Iran tuyên bố đã đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian, chấm dứt tình trạng rạn nứt kéo dài 7 năm, Oilprice đưa ra bình luận chi tiết.

Thỏa thuận Ả Rập Xê-út - Iran là một trong những thỏa thuận mới nhất trong một loạt các sự kiện địa chính trị gần đây đang diễn ra ở Trung Đông - đã được ca ngợi rộng rãi. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói: "Ở mức độ mà một thỏa thuận có thể dẫn đến chấm dứt chiến tranh ở Yemen, ở mức độ nó có thể giúp ngăn Ả Rập Xê-út phải tự vệ trước các cuộc tấn công, ở mức độ có thể làm giảm căng thẳng. Tất cả những điều đó đều có mặt tốt".

Căng thẳng giữa Ả Rập Xê-út và Iran lên đến đỉnh điểm vào năm 2019 sau khi một cuộc tấn công của các chiến binh Yemen do Iran hậu thuẫn thực hiện nhằm vào cơ sở Abqaiq của Ả Rập Xê-út làm giảm một nửa công suất khai thác.

Năm ngoái, Riyadh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra của Iran, khiến Mỹ phản ứng nhanh chóng. Và giờ đây, có thông tin cho rằng hai quốc gia sẵn sàng đưa tình hữu nghị mới hình thành của họ lên một tầm cao mới.

Người đứng đầu Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC), Mohsen Khojastehmehr, đã nói với Thông tấn xã Tasnim rằng, công việc sơ bộ cho sự hợp tác song phương giữa hai nước trong ngành dầu mỏ đã bắt đầu. Cả hai sẽ tiến hành thăm dò các mỏ dầu khí mà họ cùng sở hữu nhưng đã bị bỏ quên trong nhiều năm do sự thù địch trước đó.

Iran và Ả Rập Xê-út có chung hơn 28 mỏ dầu khí chưa từng được khai thác do bất đồng về khối lượng khai thác và mức độ tiếp cận. Hai bên chia sẻ các mỏ khí đốt Farzad A và B và Arash, với mỏ Arash cũng mở rộng đến Kuwait. Mỏ Farzad chứa gần 23 nghìn tỷ feet khối trữ lượng khí đốt tự nhiên và khí ngưng tụ 5.000 thùng trên 1 tỷ feet khối, trong khi mỏ Arash chứa khoảng 20 nghìn tỷ feet khối trữ lượng khí, với tiềm năng khai thác 1 tỷ feet khối mỗi ngày.

Dầu Iran tràn ngập thị trường

Đây là một số diễn biến mới nhất cho thấy thị trường dầu mỏ sẽ phải đối phó với một lượng lớn dầu tiềm năng từ Iran.

Trên thực tế, dầu của Iran, một thành viên OPEC, tràn ngập thị trường toàn cầu, do nước này có thể xuất khẩu rất nhiều dầu bí mật bằng nhiều kỹ thuật che giấu khác nhau. Xuất khẩu dầu thô của Iran đã vượt 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 5, mức cao nhất kể từ năm 2018, mặc dù nước này vẫn đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tháng trước, Tehran cho biết họ đã tăng sản lượng dầu thô lên trên 3 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ năm 2018. Sản lượng hiện tại của Iran vẫn thấp hơn mức đỉnh năm 2018 là 3,7 triệu thùng/ngày.

Nhưng việc thúc đẩy sản lượng từ mức hiện tại lên các mức gần với tham vọng của Iran (cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh từng nói rằng ước mơ lớn nhất của ông là tăng sản lượng dầu của Iran lên 6 triệu thùng/ngày) có thể sẽ mất nhiều năm. Trong 4 thập kỷ qua, Tehran đã thất bại trong việc tái đầu tư đầy đủ thu nhập từ dầu mỏ vào năng lực khai thác hoặc đa dạng hóa nền kinh tế. Thực tế cho thấy, kể từ cuộc cách mạng năm 1979, Cộng hòa Hồi giáo chưa bao giờ có thể sản xuất hơn 4 triệu thùng/ngày vào bất kỳ thời điểm nào.

Vấn đề càng phức tạp hơn khi các nhà đầu tư nước ngoài hầu hết tránh xa nền kinh tế Iran trong 4 thập kỷ kể từ khi nước Cộng hòa Hồi giáo được thành lập. Một phần của vấn đề ở đây là mô hình kinh tế do nhà nước kiểm soát đã lãng phí hơn 50 tỷ USD mỗi năm cho các khoản trợ cấp dầu khí. Kết quả là người dân Iran được hưởng mức giá xăng và điện rẻ nhất so với bất kỳ nơi nào trên thế giới, nhưng phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và lạm phát cao do nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD đến từ dầu mỏ. Chính quyền của ông Raisi đã đề ra những cải cách lớn trong hệ thống trợ cấp của đất nước, nhưng thừa nhận rằng nạn tham nhũng hoành hành đã cản trở những nỗ lực của ông.

Sau đó, ngày càng có nhiều nghi ngờ rằng Iran và Mỹ thậm chí sẽ có thể đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới, với một báo cáo đáng báo động tuyên bố rằng Iran sắp thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Các báo cáo tình báo riêng biệt do Đức, Hà Lan và Thụy Điển công bố trong nửa đầu năm nay đã nói rằng Tehran đã "liên tục tìm cách có được công nghệ cho chương trình hạt nhân và thiết bị tên lửa đạn đạo bất hợp pháp của mình", bao gồm cả việc làm giàu uranium.

Cơ quan tình báo của Hà Lan đã xác định rằng Iran đang "triển khai các máy ly tâm làm giàu uranium ngày càng tinh vi hơn và mở rộng khả năng làm giàu của mình". Quan điểm đó được chứng thực bởi các cơ quan tình báo Thụy Điển.

Triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đã thay đổi đáng kể, từ gần như chắc chắn vào tháng 3/2022 xuống gần như bằng không vào cuối năm 2022. Ở thời điểm hiện tại, triển vọng đã tươi sáng trở lại.

Có báo cáo rằng chiến lược của chính quyền Biden đối với tham vọng hạt nhân của Iran đã chuyển từ phòng ngừa sang ngăn chặn, giúp con đường đạt được một thỏa thuận mới dễ dàng hơn 5 năm sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ JCPOA của thời Obama.

Heshmatollah Falahatpisheh, trước đây là người đứng đầu Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia tại Quốc hội Iran, đã tuyên bố rằng chính quyền Biden "sẽ nhắm mắt làm ngơ trước một số thỏa thuận năng lượng của Iran và cho phép giải phóng một số khoản tiền bị đóng băng của Iran. Đổi lại, Iran sẽ kiềm chế không mở rộng chương trình hạt nhân hơn mức hiện tại".

Lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, đã nói rằng một thỏa thuận với phương Tây có thể chấp nhận được miễn là nó không động chạm đến cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran. Điều này khiến người ta nghi ngờ liệu chính quyền Biden có sẵn sàng làm ngơ nếu Iran tiếp tục và tiến hành một vụ thử hạt nhân hay không.

Bình An

Oilprice

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/a-rap-xe-ut-va-iran-doi-thu-thanh-doi-tac-688688.html