Ả rập Saudi gia nhập BRICS sẽ tạo ra thay đổi lớn?

Khi Ả Rập Saudi chuẩn bị cho khả năng gia nhập BRICS, có nhiều điều cần xem xét về tác động đối với nền kinh tế của nước này.

Mặc dù một số người có thể coi đây là một động thái địa chính trị đơn giản, nhưng nó có thể có những tác động kinh tế quan trọng đối với khu vực và toàn thế giới.

Trước hết, cần hiểu sức mạnh kinh tế của các quốc gia BRICS. Cùng với nhau, Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi chiếm 40% dân số thế giới và 25% GDP toàn cầu. Nếu Ả rập Saudi gia nhập nhóm này, điều đó không chỉ làm tăng đáng kể quy mô và ảnh hưởng của khối, mà còn giúp nước này tiếp cận với một mạng lưới các đối tác kinh tế hùng mạnh.

Một lợi ích tiềm năng của việc Ả rập Saudi gia nhập BRICS là tăng cơ hội thương mại. Với nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tự nhiên dồi dào, Ả Rập Saudi có thể trở thành nhân tố chính trong thương mại năng lượng trong khối. Nước này vốn đã thống trị mức tiêu thụ dầu và khí đốt toàn cầu với tỷ lệ lần lượt là 30% và 22% thị phần thế giới.

Ngoài ra, với tư cách là thành viên của BRICS, Ả Rập Saudi sẽ có cơ hội đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại của mình ngoài các đối tác truyền thống ở phương Tây. Điều này có khả năng dẫn đến các thị trường mới và tăng cường ổn định kinh tế.

Là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, sự liên kết của Ảrập Saudi với các quốc gia BRICS sẽ định hình lại địa chính trị năng lượng và có khả năng thách thức sự thống trị của các thị trường dầu mỏ phương Tây.

Với việc các quốc gia BRICS cùng đại diện cho một phần đáng kể lượng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu, việc bổ sung Ả Rập Saudi sẽ củng cố vị thế của khối với tư cách là một bên tham gia chính trong thị trường năng lượng. Mối quan hệ đối tác chiến lược này có thể dẫn đến tăng cường hợp tác năng lượng, liên doanh trong khai thác và sản xuất dầu, thiết lập các cơ chế thương mại năng lượng thay thế, cuối cùng thúc đẩy an ninh năng lượng và khả năng phục hồi cao hơn cho tất cả các quốc gia thành viên.

Một lợi ích kinh tế khác của việc gia nhập BRICS là tăng cơ hội đầu tư. Khối đã thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (DNB) với số vốn 100 tỷ USD để cạnh tranh với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và sự tham gia của Ả Rập Saudi sẽ bổ sung các nguồn lực đáng kể cho nỗ lực này.

Lợi suất trái phiếu gần đây của NDB là 5,1%, cao hơn so với lợi suất của Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra, vị trí chiến lược và tốc độ tăng trưởng công nghiệp của quốc gia này có thể khiến họ trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài trong khối.

Việc Ả rập Saudi tiếp cận Trung Quốc và Ấn Độ, 2 trong số những thị trường lớn nhất thế giới, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu và quan hệ đối tác kinh tế. Việc tận dụng đổi mới công nghệ và khả năng sản xuất của các thành viên BRICS, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Ả Rập Saudi trong các lĩnh vực này.

Ngành du lịch, được thúc đẩy bởi di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên phong phú của Ả Rập Saudi, cũng sẽ được hưởng lợi từ tư cách thành viên BRICS, thu hút nhiều du khách hơn và tạo cơ hội việc làm.

Về khả năng tương thích văn hóa, Ả Rập Saudi rất phù hợp với các quốc gia BRICS, chia sẻ các giá trị xã hội, văn hóa và tôn giáo. Điều này tạo nền tảng cho các mối quan hệ và hợp tác mạnh mẽ hơn trong khối. Ngoài ra, các kết nối thương mại lịch sử của nước này với Trung Quốc và Ấn Độ củng cố hơn nữa mối quan hệ của nó với BRICS, thúc đẩy sự tương tác giữa người với người và trao đổi văn hóa.

Tuy nhiên, việc Ả rập Saudi gia nhập BRICS cũng tiềm ẩn những rủi ro và thách thức. Một thách thức như vậy là khả năng gia tăng cạnh tranh địa chính trị giữa phương Tây và khối quyền lực phương Đông do BRICS dẫn đầu. Khi nền kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên chia rẽ, Ả Rập Saudi có thể đóng vai trò then chốt để giảm bớt những rạn nứt giữa các khối với tư cách là một người bạn chung.

Nhìn chung, khả năng gia nhập BRICS của Ả rập Saudi mang đến cơ hội đôi bên cùng có lợi vì nước này sẽ đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa và phát triển kinh tế của quốc gia, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các khối phương Tây.

Gần đây Ả rập Saudi tăng cường mối quan hệ với Iran và Trung Quốc đóng vai trò làm trung gian. Đây là dấu hiệu của những thay đổi mang tính kiến tạo ở Trung Đông, với hy vọng tiếp theo là việc gia nhập BRICS sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và hơn thế nữa.

Theo Modern Diplomacy

Hải Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/a-rap-saudi-gia-nhap-brics-se-tao-ra-thay-doi-lon-post639895.html