90% người mắc nấm phổi chưa được phát hiện

Nấm phổi là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao lên tới 50-70% và được coi là sát thủ thầm lặng khi khó phát hiện, kể cả với nhân viên y tế. Đặc biệt nguy hiểm là có tới 90% người mắc nấm phổi chưa được phát hiện.

TS.BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trên thế giới, tử vong liên quan đến các bệnh về nấm khoảng 3,8 triệu người mỗi năm, cao hơn tử vong do lao (1,3 triệu ca), gấp 5 lần tử vong do sốt rét. Riêng tại Việt Nam, nấm Aspergillus xâm lấn là 23.470 ca, nấm Aspergillus mãn tính 115.000 ca.

Tỷ lệ tử vong do mắc nấm phổi xâm lấn rất cao, dao động 30-80%, đặc biệt nếu không được điều trị 100% bệnh nhân sẽ tử vong. Nấm phổi mạn tính do Aspergillus nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sau 5 năm, tỷ lệ tử vong xấp xỉ 50%.

Khoảng 50% người đã từng mắc bệnh lao đến khám lại tại các cơ sở chuyên khoa hô hấp đều mắc nấm phổi do Aspergillus. Đáng báo động hơn, 90% người nhiễm nấm phổi còn sót ngoài cộng đồng, nếu không được tầm soát và phát hiện sớm để điều trị kịp thời, nguy cơ bệnh nặng và tử vong rất cao.

Nấm phổi được coi là sát thủ thầm lặng, khó phát hiện và có tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.

Nấm phổi được coi là sát thủ thầm lặng, khó phát hiện và có tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, nấm mốc tồn tại phổ biến ở ngoài môi trường, nhưng thường gây bệnh ở người có hệ miễn dịch suy giảm, hoặc có bệnh lý nền là bệnh phổi.

Bệnh nấm phổi hay gặp nhất là do nấm Aspergillus. Đây là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi một loại nấm mốc rất phổ biến và có mặt ở trong nhà và ngoài môi trường.

Mặc dù mọi người thường hít phải loại nấm này từ không khí, nhưng loại nấm này chỉ ảnh hưởng đến những người người có hệ miễn dịch suy giảm nặng như bệnh nhân ung thư máu, ung thư các cơ quan khác, sau cấy ghép tạng hoặc điều trị các thuốc ức chế miễn dịch dài ngày.

Loại nấm này có thể gây bệnh ở những người đã/đang có bệnh tại phổi, chẳng hạn như những bệnh nhân đã từng mắc lao phổi, hen suyễn hay xơ nang phổi.

Theo TS.BS Đinh Văn Lượng, nấm phổi là căn bệnh khó phát hiện ngay cả với nhân viên y tế. Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc nấm Aspergillus mà nhân viên y tế có thể nghĩ tới là người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhập viện nhưng không đáp ứng với điều trị kháng sinh, bệnh nhân có chẩn đoán lao phổi có hang, hay đã điều trị nhiễm khuẩn phổi tái đi tái lại, hay người mắc hen….

Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, hiện chi phí điều trị một ca nấm phổi rất lớn, tới hàng trăm triệu đồng. Vì thế, bảo hiểm y tế đóng vai trò quan trọng để người bệnh nấm phổi được điều trị, tránh bỏ sót bệnh ngoài cộng đồng.

Bệnh viện Phổi Trung ương đã trình Bộ Y tế hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị nhiễm nấm Aspergillus mãn tính. Nếu được phê duyệt, sẽ giúp cho các bác sĩ trong lĩnh vực truyền nhiễm và bệnh hô hấp trong việc chẩn đoán và điều trị căn bệnh khó phát hiện này.

Để bảo vệ sức khỏe của những người có hệ miễn dịch suy giảm, người có nguy cơ cao nhiễm nấm Aspergillus, theo khuyến cáo của bác sĩ, người bệnh không nên đến những nơi tập trung đông người, nếu bắt buộc phải đi tới những địa điểm có nguy cơ với sức khỏe, người bệnh cần đeo khẩu trang để phòng nhiễm nấm Aspergillus.

Người dân cần thường xuyên rèn luyện thân thể, ăn nhiều hoa quả tươi, nâng cao sức đề kháng. Tránh để nấm mốc trong nhà, đồ đạc sắp xếp gọn gàng, đủ ánh nắng, thông gió tránh ẩm ướt. Khi vệ sinh nhà cửa cần mang khẩu trang để tránh hít phải bụi nấm.

Tr.Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/90-nguoi-mac-nam-phoi-chua-duoc-phat-hien-i722142/