8 lý do khiến bạn thức dậy mệt mỏi vào buổi sáng và cách khắc phục

Dù đã ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm, bạn vẫn mệt mỏi sau khi thức dậy cả ngày hôm sau. Đã tuân theo quy tắc 'vàng' về giấc ngủ, tại sao bạn vẫn rơi vào tình trạng này?

Theo một nghiên cứu, tình trạng mệt mỏi xảy ra sau khi thức giấc là do trạng thái quán tính giấc ngủ kéo dài.

Quán tính giấc ngủ là một quá trình sinh lý điều chỉnh trí nhớ, tâm trạng, thời gian phản xạ và sự tỉnh táo khi thức dậy.

Nhiều người trong chúng ta thường uể oải khi chuông báo thức vừa reo vì vẫn chưa tỉnh giấc. Ảnh hưởng của quán tính giấc ngủ thường biến mất sau 15-60 phút nhưng có thể kéo dài tới vài giờ.

Quán tính giấc ngủ làm giảm các kỹ năng nhận thức như tư duy đánh giá, ra quyết định, sáng tạo. Tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn khi bạn bị thiếu ngủ.

Dù bạn ngủ đủ, nhưng chất lượng giấc ngủ kém có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi vào ngày hôm sau.

Dù bạn ngủ đủ, nhưng chất lượng giấc ngủ kém có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi vào ngày hôm sau.

Dù bạn không làm nghề cấp cứu hay lái xe xuyên đêm, thiếu ngủ và mệt mỏi triền miên làm ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn.

Theo TS. Raj Dasgupta (Trường Y khoa Keck, Đại học South California, Mỹ), chất lượng giấc ngủ ngoài thời gian ngủ đủ, tức là ngủ đủ giấc còn phải ngủ sâu giấc.

Rối loạn giấc ngủ tiềm ẩn hoặc nguyên phát có thể gây ra tình trạng mệt mỏi trong ngày. Sau đây là 8 lý do khiến bạn thức dậy mệt mỏi vào buổi sáng dù bạn nhận thấy mình đã ngủ đủ:

1. Một số bệnh lý nền

GS. Jennifer Martin (Trường Y khoa David Geffen, Đại học California, cựu Chủ tịch Viện Y học về giấc ngủ Mỹ) cho biết: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mệt mỏi, có thể bao gồm tình trạng đau mạn tính, các vấn đề liên quan tới trao đổi chất hoặc bệnh lý tuyến giáp, thiếu máu và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính."

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân, hãy đi khám sức khỏe định kỳ để tìm ra cách khắc phục.

Ngoài ra, Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ cho biết, người lớn khỏe mạnh cần ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm, vì vậy bạn cần ngủ nhiều hơn 8 tiếng một chút để cảm thấy mình tràn trề năng lượng.

Hãy thử ngủ sớm hơn so với thông thường 1 tiếng và dậy muộn hơn 1 tiếng, để xem bạn có cảm thấy sự khác biệt hay không, GS. Christopher Barnes - Đại học Washington khuyên.

2. Lối sống ít vận động

GS. Jennifer Martin cho biết, nếu ít vận động, cơ thể quen với tiêu hao năng lượng ở mức thấp, vì vậy bạn có thể cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường khi cố gắng thực hiện các hoạt động cơ bản hàng ngày.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên người trưởng thành nên tập thể dục ít nhất 150 phút (2 tiếng rưỡi) mỗi tuần, kể cả phụ nữ mang thai.

3. Lo lắng, trầm cảm

TS. Raj Dasgupta (Trường Y khoa Keck, Đại học Southern California) cho biết, lo lắng, trầm cảm có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi.

Trầm cảm cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thời gian bạn chìm vào giấc ngủ, khiến bạn dễ tỉnh giấc vào ban đêm.

Đôi khi, các loại thuốc dùng để điều trị trầm cảm có thể gây ra tác dụng phụ như mất ngủ hoặc khiến bạn ngủ chập chờn, không sâu giấc.

4. Ngủ không theo giờ giấc

Khi bạn ngủ không tuân theo giờ giấc nào cả sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, giống như lệch múi giờ.

Ngoài những người phải làm việc ca đêm khiến giấc ngủ bị xáo trộn, một số người hay có thói quen thức khuya vào tối thứ 6 (do không phải đi làm vào thứ 7) rồi lại ngủ nướng cả tuần. Điều này không tốt bởi giấc ngủ của bạn bị xáo trộn, dễ dẫn đến mệt mỏi triền miên.

5. Mất nước

Theo Cleveland Clinic, hơn 50% cơ thể bạn là nước. Nước rất cần thiết cho mọi chức năng trong cơ thể trong đó bao gồm tiêu hóa thức ăn, tạo ra hormone và chất dẫn truyền thần kinh, đồng thời vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.

Khi cơ thể mất nước, bạn sẽ cảm thấy thiếu tỉnh táo, buồn ngủ và mệt mỏi.

Viện Y học Mỹ khuyến cáo, phụ nữ nên uống tổng lượng nước tương đương 2,7 lít nước và nam giới là 3,7 lít mỗi ngày (Ngoài nước lọc, còn tính cả nước trong sinh tố, trà, cà phê, canh, súp... thậm chí cả thực phẩm nhiều nước như trái cây và rau).

Tỷ lệ nước (chất lỏng nạp vào cơ thể) so với thức ăn là 80:20. Vì vậy, phụ nữ nên uống tương đương 9 cốc nước (có thể bao gồm cả nước trong sinh tố, đồ uống, canh...) mỗi ngày và nam giới 12 cốc rưỡi mỗi ngày.

6. Một số tác nhân gây ảnh hưởng tới giấc ngủ

Để có giấc ngủ chất lượng, phòng ngủ cần yên tĩnh và tắt đèn.

Bạn không nên uống cà phê hoặc đồ uống chứa caffein trong vòng 6 tiếng trước lúc đi ngủ. Nghĩa là nếu đi ngủ vào 10h đêm, bạn không nên uống cà phê sau 4h chiều.

Ngoài ra, hạn chế uống rượu, đồ ăn cay hoặc đồ ăn khó tiêu ít nhất 2 tiếng trước khi đi ngủ. Rượu làm gián đoạn giấc ngủ sâu còn đồ ăn cay hoặc khó tiêu cản trở tiêu hóa, khiến dạ dày bạn phải hoạt động nên ngủ không ngon giấc.

7. Người ngủ chung giường hoặc thú cưng có thể làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn

Người ngủ chung giường với bạn có thể làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn, GS.TS. Martin nói.

Có thể người nằm cùng giường bị rối loạn giấc ngủ hoặc ngủ ngáy, hay lịch sinh hoạt trái ngược với bạn. Điều này có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn, khiến bạn không thể ngủ sâu giấc, dẫn tới mệt mỏi vào sáng hôm sau.

Thú cưng như chó, mèo cũng có thể làm ảnh hưởng giấc ngủ của bạn vì chu kỳ ngủ của chúng khác với người.

Nếu người chung giường với bạn gặp tình trạng ngủ ngáy, nên đưa người đó đi khám bởi ngủ ngáy có thể là một triệu chứng của hội chứng ngưng thở khi ngủ.

8. Rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Một khi tỉnh giấc vào giữa đêm, bạn không thể ngủ sâu giấc được nữa.

GS. Christopher Barnes, Đại học Washington cho biết thêm, một người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể thức dậy đến 50 lần trong một đêm.

Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ, các dạng rối loạn giấc ngủ có thể dẫn đến chứng ngủ rũ và hội chứng chân không yên vào ban ngày. Nếu nhận thấy mình bị rối loạn giấc ngủ, hãy đi khám để được điều trị kịp thời.

Ngủ quá nhiều trong một ngày có phải là bệnh?

Nguyễn Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/8-ly-do-khien-ban-thuc-day-met-moi-vao-buoi-sang-va-cach-khac-phuc-169230619163153695.htm