7 tác dụng phụ tại miệng do thuốc

Một số loại thuốc được kê đơn và không kê đơn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên có thể khắc phục được những tác dụng phụ này bằng nhiều cách.

1. Tác dụng phụ gây khô miệng

Tác dụng phụ gây khô miệng do thuốc là hậu quả phổ biến nhất của việc dùng thuốc đối với sức khỏe răng miệng. Nguyên nhân là do có rất nhiều loại thuốc, kể cả thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn cũng làm giảm lượng nước bọt. Người bệnh thường có cảm giác nóng rát hoặc đau nhức trong miệng, môi khô, hơi thở hôi…

Một số thuốc phổ biến gây khô miệng: Thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin, aspirin, thuốc hen suyễn, thuốc huyết áp, thuốc hóa trị,…

Xử trí:

- Uống nhiều nước.

- Súc miệng sau khi uống thuốc.

- Tránh uống rượu.

- Nhai kẹo cao su không đường (để kích thích tiết nước bọt).

Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ tại miệng.

2. Nhiễm nấm miệng

Tác dụng phụ qua đường uống của thuốc đôi khi có thể liên quan đến sự mất cân bằng số lượng vi khuẩn tốt và xấu. Thuốc kháng sinh là một ví dụ điển hình. Việc dùng thuốc kháng sinh thời gian dài, liều lượng cao, sẽ tiêu diệt tất cả các loại vi khuẩn, kể cả những loại vi khuẩn có lợi. Điều này lại là cơ hội cho bệnh nấm miệng xuất hiện. Ngoài ra, một số loại thuốc hít có chứa corticoid dùng cho bệnh hen suyễn có thể dẫn đến nhiễm nấm ở miệng.

Khi nhiễm nấm miệng, người bệnh sẽ bị đau rát, khó chịu, việc ăn uống trở nên khó khăn.

Xử trí: Súc miệng bằng nước sau khi sử dụng ống hít có thể giúp ngăn ngừa tác dụng phụ này. Nên ăn thêm sữa chua hoặc uống men vi sinh trong quá trình uống kháng sinh dài ngày để bổ sung lợi khuẩn cho khoang miệng và đường ruột.

3. Sưng nướu

Một số loại thuốc có thể gây tích tụ mô nướu, tình trạng này gọi là nướu phát triển quá mức, lan ra và mở rộng. Nướu có xu hướng trông phồng lên và vón cục dọc theo đường viền nướu. Tình trạng này gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sức khỏe vì thức ăn và mảng bám có thể mắc kẹt xung quanh chân răng.

Mô nướu sưng khiến việc làm sạch miệng khó khăn hơn. Ngoài ra, mô nướu sưng tấy tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, có thể làm tổn thương các cấu trúc răng xung quanh.

Một số loại thuốc phổ biến nhất gây sưng nướu là thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc kiểm soát cơn động kinh. Đặc biệt, thuốc chẹn kênh canxi được biết đến nhiều nhất là nguyên nhân khiến nướu phát triển quá mức.

Xử trí: Vệ sinh răng miệng tốt và khám răng thường xuyên (3 tháng một lần) có thể giúp giảm nguy cơ phát triển tình trạng này.

4. Viêm niêm mạc bên trong miệng

Viêm niêm mạc miệng là tình trạng viêm mô ẩm lót trong miệng, là tác dụng phụ thường gặp của điều trị hóa trị. Một số loại thuốc hóa trị, bao gồm methotrexate và 5-fluorouracil, gây ra một loạt các thay đổi sinh học phức tạp làm tổn thương các tế bào tạo nên màng nhầy. Viêm niêm mạc gây sưng miệng và lưỡi, dẫn đến chảy máu, đau và loét miệng. Tình trạng này có thể gây khó khăn cho việc ăn uống.

Xử trí: Người bệnh nên:

- Đánh răng bằng bàn chải đánh răng mềm ít nhất hai lần một ngày, nhẹ nhàng làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần.

- Súc miệng bằng nước ấm, nước muối hoặc nước súc miệng nhẹ không chứa cồn nhiều lần trong ngày.

- Nhai kẹo cao su không đường hoặc ngậm đá viên, đá xay hoặc kẹo đá nếu miệng khô.

- Ăn thức ăn mềm như súp, thạch hoặc trái cây mềm.

Nên giữ vệ sinh răng miệng để tránh viêm niêm mạc miệng.

5. Thay đổi vị giác

Một số loại thuốc có thể làm cho thức ăn có vị khác hoặc có thể gây ra vị kim loại, mặn hoặc đắng trong miệng. Thay đổi vị giác đặc biệt phổ biến ở những bệnh nhân cao tuổi dùng nhiều loại thuốc. Các thuốc thường khiến người bệnh thay đổi vị giác là thuốc kháng sinh, thuốc huyết áp, thuốc điều trị tuyến giáp, điều trị về thần kinh, hướng tâm thần,… Tuy nhiên, những thay đổi về mùi vị chỉ là tạm thời và sẽ biến mất khi ngừng dùng thuốc.

Xử trí: Nên ăn những thực phẩm chỉ chứa một vài thành phần, tránh xa những thực phẩm cay, chứa nhiều chất bảo quản và cực kỳ ngọt. Đồng thời hỏi ý kiến bác sĩ các loại thuốc đang dùng về việc gây thay đổi vị giác để kịp thời thay đổi hoặc dừng thuốc.

6. Sâu răng

Tình trạng khô miệng do dùng thuốc có thể dẫn đến sâu răng. Nước bọt giúp bảo vệ răng, ngăn ngừa nguy cơ sâu răng, ngăn chặn vi khuẩn phát triển trong miệng và hỗ trợ quá trình sửa chữa tự nhiên của men răng. Nếu không có đủ nước bọt, các mô trong miệng có thể bị kích ứng và viêm, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, bệnh nướu răng.

Ngoài ra, sử dụng thuốc có đường trong thời gian dài có thể dẫn đến sâu răng. Đường là một thành phần bổ sung trong nhiều loại sản phẩm thuốc, từ vitamin và thuốc giảm ho đến thuốc kháng axit và thuốc dạng xi-rô.

Xử trí: Có thể hạn chế bằng cách súc miệng sau khi sử dụng các thuốc có vị ngọt hoặc hỏi bác sĩ, dược sĩ xem có thể thay thế bằng loại thuốc không đường không.

7. Đổi màu răng

Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng đổi màu răng, đặc biệt là kháng sinh tetracycline. Răng của những người uống loại kháng sinh này khi mọc sẽ có màu vàng nhạt và sau khi tiếp xúc với ánh nắng sẽ chuyển dần sang màu nâu.

Tuy nhiên, tetracycline không gây đổi màu răng nếu dùng thuốc sau khi các răng đã hình thành. Thuốc chỉ gây ra sự thay đổi màu răng nếu dùng thuốc trước khi mọc răng sữa hoặc phụ nữ đang mang thai sử dụng.

Vì vậy, tetracycline và các loại kháng sinh liên quan không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai hoặc ở trẻ nhỏ (dưới 8 tuổi) khi răng vẫn đang hình thành. Ngoài ra, các thuốc kháng histamin, nước súc miệng theo toa (có chứa chlohexidin) cũng là nguyên nhân gây đổi màu răng.

Xử trí: Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng hoặc trao đổi kỹ với bác sĩ về các tác dụng phụ của thuốc.

Viên uống trắng da, chống nắng có hại gan thận?

DS. Hoàng Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/7-tac-dung-phu-tai-mieng-do-thuoc-169240126095906651.htm