7 động vật ngoại lai hoành hành ở Australia

Xứ sở chuột túi phải đối mặt với không ít sinh vật ngoại lai hay loài xâm chiếm. Từ thỏ, mèo đến lợn rừng, chúng sinh sôi nảy nở do không có thiên địch.

Thỏ châu Âu: Nhìn chúng có vẻ đáng yêu, nhưng từ khi được đem đến đây vào năm 1857 để làm mồi săn và thực phẩm, loài vật này đã phá hủy đất đai của Australia với tốc độ sinh sản nhanh. Do không thể kiểm soát chúng, một hàng rào chống thỏ đã được xây dựng ở vùng phía tây. Chúng phá hại mùa màng, cây non trong vườn ăn trái và rừng, gây xói mòn đất... và trở thành một trong những nhân tố chính khiến các loài cây bản địa biến mất. Ảnh: Phys.

Mèo hoang: Người châu Âu đưa mèo đến Australia làm thú cưng từ năm 1849. Có nguồn gốc tương tự mèo nhà nhưng mèo hoang - những con trốn thoát - đã học cách sống và sinh sản trong tự nhiên, sinh tồn bằng kỹ năng săn mồi điêu luyện. Theo ước tính, mèo hoang là thủ phạm gây ra sự tuyệt chủng của 20 loài vật bản địa Australia. Chúng cũng là mối đe dọa với các loài quý hiếm như chuột đất, bandicoot, numbat, chuột cống túi. Ảnh: Smithsonian.

Dê hoang: Dê hoang đến Australia từ năm 1788 như gia súc, sau đó trốn thoát, bị bỏ rơi hoặc thả ra. Dần dần, diện tích sinh sống của chúng chiếm 28% diện tích quốc gia. Chúng cạnh tranh với động vật bản địa, làm đất cằn cỗi, gặm trụi cây cỏ, và còn phát tán cỏ dại qua hạt trong phân. Ảnh: Agriculture Victoria.

Lợn hoang: Bắt đầu từ 49 con lợn được chuyển đến Sydney vào 1788, đến những năm 1880, số lượng loài này đã tăng lên chóng mặt ở phía bắc và đông Australia. Chúng ăn tạp, đào rễ cây, gây ảnh hưởng đến nguồn nước. Lợn hoang thường nhỏ và chắc hơn lợn nuôi ngày nay. Ảnh: Agriculture and Food.

Cáo đỏ: Được đưa đến Australia vào năm 1855 để làm thú săn, loài săn mồi này hoạt động về đêm, nhắm đến động vật bản địa và gia súc. Chúng sinh sôi trong hoang dã từ những năm 1870, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nông dân, cũng như gây suy giảm về số lượng ở các loài chim làm tổ dưới đất, thú nhỏ và bò sát. Ảnh: Whitehorse.

Cóc mía: Được đưa đến Australia từ Nam Phi qua đường Hawaii vào năm 1935, cóc mía ban đầu được sử dụng cho nỗ lực kiểm soát loại bọ mía bản địa làm hại mía. Chúng trở thành mối đe dọa do không có thiên địch hay ký sinh trùng, nhanh chóng sinh sôi và chứa chất độc bufotoxin giết chết các động vật của Australia. Ảnh: The Conversation.

Trâu nước: Gây thiệt hại lớn cho môi trường Australia, hai loại trâu nước được đưa đến đây từ Indonesia dưới dạng gia súc vào năm 1829. Chúng ăn rất nhiều cây cỏ, chiếm dụng các suối nước ngọt và đất ngập nước vùng phía bắc. Trâu nước gây xói mòn đất, khiến nước mặn xâm nhập vào môi trường nước ngọt, phá hoại thực vật đất ngập nước, gây suy giảm về số lượng ở các loài như cá sấu, rùa nước ngọt, chim chóc... Ảnh: Safari Club.

An Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/7-dong-vat-ngoai-lai-hoanh-hanh-o-australia-post1349301.html