63 hộ dân ảnh hưởng dự án cải tạo kênh Tham Lương tâm tư vì thuộc diện bồi thường...0 đồng

Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: TP không tiếc tiền bồi thường cho 63 hộ dân có đất bị sạt lở tại dự án này, nhưng phải nghiên cứu cách hỗ trợ bà con để đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Chiều 7/12, kỳ họp lần thứ 13, HĐND TP.HCM khóa X, tiếp tục phiên chất vấn. Trong hơn một giờ làm việc, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP, về các vấn đề kinh tế, xã hội, những băn khoăn của cử tri, người dân trên địa bàn.

Theo đại biểu Lê Thị Trúc Lâm, dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên của TP.HCM phải hoàn thành vào năm 2025 (khởi công hồi tháng 2). Tuy nhiên, công trình vẫn vướng mặt bằng do 63 hộ dân chưa di dời. Những hộ này có đất bị sạt lở (trước khi đo đếm), thuộc diện bồi thường là 0 đồng.

"Quyết định không được bồi thường khiến 63 hộ trên rất tâm tư. Vậy ở góc độ người đứng đầu, ông Phan Văn Mãi giải quyết vấn đề này thế nào?", đại biểu Lê Thị Trúc Lâm đặt câu hỏi.

Trả lời chất vấn này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là dự án rất lớn về mặt chỉnh trang đô thị của TP.

Như dự án vành đai 3, công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư đều được lãnh đạo thành phố, Thành ủy xác định quan tâm, tập trung tháo gỡ.

"Thật ra, TP.HCM không phải tiếc tiền không bồi thường hỗ trợ cho bà con nhưng phải làm sao đúng pháp lý, đúng quy định. Với pháp lý hiện tại, 63 hộ này không đủ điều kiện, nhưng TP đã yêu cầu các đơn vị, hội đồng bồi thường nghiên cứu, tận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho bà con ổn định sinh kế", ông Mãi nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Thành Nhân

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Thành Nhân

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) qua bảy quận huyện gồm: Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Chánh. Tổng chiều dài 32,7km, mức đầu tư 8.200 tỷ đồng

Công trình này triển khai bằng vốn ngân sách trung ương khoảng 4.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách thành phố.

Trước đây, từ năm 2002, giai đoạn 1 đã thực hiện các công tác như giải phóng mặt bằng, thi công nạo vét kênh thông tuyến dòng chảy, đắp bờ đất hai bên kênh, xây dựng các cửa xả thoát nước tại một số rạch nhánh.

Giai đoạn 1 đã hoàn thành nhưng vẫn còn có một số khúc mắc về vấn đề vốn nên giai đoạn 2 của dự án bị ngưng trệ nhiều năm nay.

Khi hoàn thành, dự án đảm bảo tiêu thoát nước cho hơn 14.900ha của khu vực xung quanh, chống ngập cho khu vực trung tâm và khu vực hướng tây bắc thành phố. Đồng thời, dự án cũng đảm bảo hệ thống thoát nước dọc theo hai bên kênh, đảm bảo chất lượng nước sau khi nạo vét, phục hồi.

Ngoài xử lý vấn đề nước thải, dự kiến giai đoạn 2, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cũng xây dựng bờ kè bê tông, đường giao thông hai bên bờ kênh dài 63,41km, rộng 7-12m... Tuyến đường hai bên kênh này được kỳ vọng sẽ giảm tải lượng phương tiện qua quốc lộ 1, đồng thời kết nối liên vùng (các tỉnh miền Tây kết nối với các tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh).

Thư Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/63-ho-dan-anh-huong-du-an-cai-tao-kenh-tham-luong-tam-tu-vi-thuoc-dien-boi-thuong0-dong-192231207165304129.htm