60.000 ý nghĩ chạy qua đầu con người mỗi ngày

Khi hòa làm một với sự tự tin vốn có trong tiềm thức của mình, chúng ta cho phép mình trở thành thứ mà người khác gọi là 'một kiểu người nào đó'.

Mỗi người chúng ta có khoảng 60.000 ý nghĩ liên tiếp chạy qua trong đầu mỗi ngày, mà ý nghĩ thực sự thúc đẩy hành vi của chúng ta hoặc khiến chúng ta có những cảm xúc tiêu cực, là những suy nghĩ mà chúng ta đã vô thức xác minh nhiều lần và tin tưởng một cách chắc chắn. Bởi vì vốn dĩ ý nghĩ không có sức mạnh ăn mòn đối với chúng ta, trừ khi chúng ta bị ám ảnh bởi chúng.

Khi hòa làm một với sự tự tin vốn có trong tiềm thức của mình, chúng ta cho phép mình trở thành thứ mà người khác gọi là “một kiểu người nào đó”. Tuy nhiên, điều khiến chúng ta đau khổ không phải là một ý nghĩ nào đó, mà là việc ý nghĩ đó đã trở thành một phần của chính chúng ta, khó có thể tách rời, khiến chúng ta chìm sâu trong đau khổ, không thể thoát ra được.

Khi chúng ta hiểu rằng thế giới của chúng ta là do chính chúng ta “tạo ra”, tất cả đều từ “ta” mà đến, chính là ta đang nuôi dưỡng một thái độ có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình, để thay thế cho tư duy đổ lỗi, rằng khi gặp phải bất kỳ tình huống xấu nào cũng đều có người khác chịu trách nhiệm cho “ta”.

Bằng cách này, chất lượng cuộc sống của chúng ta sẽ dần được nâng cao, chúng ta sẽ tự mình gánh chịu mọi hạnh phúc và khổ đau thay vì đùn đẩy nó cho người khác, chúng ta sẽ trở thành người làm chủ cuộc sống của chính mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Andrea Piacquadio/Pexels.

Việc nuôi dưỡng tư duy như vậy cần có một quá trình, bởi vì suốt chặng đường trải nghiệm đã qua, theo thời gian, những nhận thức sai lầm của chúng ta liên tục được củng cố, và kết quả là chúng ta liên tục gánh chịu những hậu quả tiêu cực từ việc này.

Khi tần số này tăng lên, niềm tin sẽ bén rễ trong tâm trí, và tiêu diệt chúng ta. Những niềm tin hạn chế cản trở những suy nghĩ và ý tưởng về hạnh phúc/thành công của chúng ta, hạn chế việc hiện thực hóa tiềm năng của chúng ta.

Để tìm ra những niềm tin hạn chế này nhằm cải thiện chúng, trước tiên chúng ta phải học cách tìm kiếm manh mối từ C (kết quả của cảm xúc tiêu cực và rối loạn hành vi) được đề cập trong bài viết, một khi chúng ta bắt đầu đọc được cảm xúc của mình và học cách giao tiếp với đứa trẻ bên trong bằng cách chia sẻ trong phần đầu tiên, tức là ta đã bắt đầu trau dồi nhận thức của mình, ta sẽ khám phá ra những sự kiện gây nên cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống. Sau khi học cách tổng hợp, tóm tắt, não sẽ tự động phân loại chúng và tìm ra nguyên nhân tương ứng.

Những cảm xúc tiêu cực giống ngọn hải đăng soi sáng, nương theo cảm xúc của bản thân, chúng ta có thể thấy rõ những niềm tin hạn chế của mình, và những suy nghĩ này chính là đối tượng bạn cần thay đổi. Chắc hẳn bạn đã từng trải qua những trải nghiệm thế này.

Khi tâm trạng không tốt, sẽ cảm thấy con tim nơi lồng ngực tức nghẹn không thở nổi, lúc này chắc chắn trong bạn sẽ dấy lên một số suy nghĩ tiêu cực, và chính những suy nghĩ khiến bạn cảm thấy tồi tệ này sẽ là đối tượng của sự thay đổi. Sự thay đổi chính là chuyển từ việc sống với những niềm tin hạn chế trong quá khứ sang nhìn thấy những khả năng vô hạn của tương lai đồng thời thay đổi cảm xúc của bạn.

Như Adler đã nói, điều thực sự ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của chúng ta không phải là “sự thật”, mà là cách chúng ta giải thích sự thật. Trải nghiệm cuộc sống chỉ là vấn đề tư tưởng của chính ta mà thôi.

Ngược lại, nếu chúng ta trốn tránh, che giấu hoặc không thể nhận thức được cảm xúc một cách cẩn thận, chúng ta có thể rơi vào vòng xoáy oán giận những người và những việc gây ra cảm xúc tiêu cực. Chỉ khi tìm ra nguồn gốc để tự chữa lành, chúng ta mới có thể làm dịu đi những cảm xúc và cảm giác tiêu cực đó, và cuối cùng đừng phạm phải những sai lầm tương tự nữa. Hãy tin rằng, những cảm xúc được ghi dấu trong ký ức này thực sự là món quà quý giá nhất của cuộc đời, bởi chúng giúp ta hiểu được sự thật cuộc sống.

Vì vậy, chắc chắn điều chúng ta cần chuyển hóa chính là những tư tưởng sai lầm đã bám sâu vào tư tưởng chúng ta. Tăng cường nhận thức, lắng nghe trái tim mình, trả lời trung thực bốn câu hỏi thay đổi suy nghĩ được liệt kê trong bài viết “Thay đổi suy nghĩ” và thực hành thay đổi suy nghĩ của bạn thông qua lịch theo dõi cảm xúc.

Bài tập thực hành

Chúng tôi đã tạo ra một công cụ để quản lý cảm xúc và tiềm thức một cách hiệu quả - Lịch theo dõi cảm xúc.

Trong nhật ký chữa bệnh, vẽ một bảng gồm 11 hàng và 32 cột như một “lịch theo dõi cảm xúc”, bạn cũng có thể điền trực tiếp vào các biểu mẫu trong cuốn sách này. Hãy viết ra những cảm xúc tiêu cực, bao gồm lo lắng, căng thẳng, tức giận, thất vọng, buồn bã, đau khổ, cáu kỉnh, ghen tuông, sợ hãi, v.v... vào cột đầu tiên của mẫu bảng hoặc theo thứ tự cảm xúc tiêu cực mà bạn thường có.

Ở hàng đầu tiên của bảng, đánh dấu các ngày từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng của tháng, sau đó ghi lại tất cả các điểm số đánh giá mức độ tiêu cực trong cảm xúc đó của bạn (theo thang điểm từ 1 đến 10 điểm) mỗi ngày trong phần còn lại của mẫu bảng. Đồng thời hãy ghi lại những suy nghĩ tiêu cực đã gây ra cảm xúc tiêu cực này trong nhật ký chữa lành.

Sau đó, hãy tìm kiểu nhận thức lệch lạc mà suy nghĩ tiêu cực này thuộc về, và ghi lại nó. Cuối cùng, hãy cố gắng vận dụng những suy nghĩ tích cực, thay đổi quan điểm và suy nghĩ để giải thích sự việc đã gây ra những cảm xúc tiêu cực. Vào cuối ngày, hãy để ý xem những cảm xúc tiêu cực của bạn có biến chuyển gì không.

Bài tập này cần được thực hiện ít nhất một tháng.

Ceci Từ Vũ/Nanubooks & NXB Phụ Nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/60000-y-nghi-chay-qua-dau-con-nguoi-moi-ngay-post1470617.html