6 tháng đầu năm 2023: Kinh tế của tỉnh Long An tăng trưởng tích cực English Edition

Kinh tế tỉnh năm 2023 đã đi được một nửa chặng đường với những diễn biến khó đoán định.

Kết quả tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023

Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quí I đạt 3,84%, quí II đạt 2,97%, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,43% (6 tháng đầu năm 2022 tăng 5,47%). Mặc dù tốc độ tăng trưởng 6 tháng năm 2023 có xu hướng chậm lại và tăng thấp hơn mức tăng cùng kỳ nhưng đây là mức tăng trưởng tích cực trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức. So sánh với tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước thì Long An đứng thứ 49; đứng thứ 9 trong 13 tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 6 trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nếu so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2022 thì nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,71% là khu vực duy nhất có mức tăng cao hơn mức tăng cùng kỳ (cùng kỳ là 1,04%).

Hoạt động sản xuất công nghiệp và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh có bước phát triển nhưng có xu hướng chậm lại, ước tính tăng 3,40% (cùng kỳ tăng 7,15%). Nguyên nhân chính là do tổng cầu giảm làm cho doanh nghiệp (DN) thiếu đơn hàng dẫn đến sản lượng sản xuất giảm.

Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm cho thấy đà phát triển khá tích cực. Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa của Chính phủ và các địa phương tạo tốc độ tăng trưởng của cả khu vực III đạt 4,06% (cùng kỳ tăng 5,34%).

6 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển nhưng có xu hướng chậm lại (Trong ảnh: Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại Sáng Việt, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức). Ảnh: Mai Hương

6 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển nhưng có xu hướng chậm lại (Trong ảnh: Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại Sáng Việt, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức). Ảnh: Mai Hương

Dự báo tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm và cả năm 2023

Tiến độ gieo trồng vụ lúa Hè Thu 2023 gặp nhiều thuận lợi, năng suất ước đến thời điểm cuối tháng 6 tăng 14,9%. Đa số các loại cây, con đều có xu hướng phục hồi, phát triển so cùng kỳ.

Quốc hội đã phê duyệt miễn, giảm một số loại thuế nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Công tác điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt là giải pháp đúng và kịp thời. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực.

Một số DN mới đang đầu tư xây dựng hoặc bước đầu đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy tăng trưởng. CPI (chỉ số giá tiêu dùng) có xu hướng giảm qua từng tháng từ đầu năm đến nay. Chỉ số lạm phát trong phạm vi kiểm soát (6 tháng đầu năm là 4,74%).

Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn nhiều khó khăn: Giá thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp tăng cao, dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trong thời gian tới; chưa có những DN, dự án quy mô lớn đi vào hoạt động nên khó có khả năng bứt phá về tăng trưởng; một số DN công nghiệp có quy mô lớn đã tổ chức bố trí chi nhánh ở các tỉnh trong nước làm giảm quy mô đáng kể trong nội tỉnh.

Mặt khác, chi phí nguyên, vật liệu đầu vào ngày càng tăng gây nhiều khó khăn cho DN công nghiệp; lãi suất ngân hàng vẫn còn khá cao, DN khó tiếp cận vốn; kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của tỉnh; thiếu nguồn lao động có tay nghề cao;...

Với mức tăng trưởng GRDP quí I tăng 3,84%, quí II tăng 2,97%, tạo tăng trưởng 6 tháng đầu năm 3,43%, ngành Thống kê đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng cụ thể như sau:

Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm 5,01%, trong đó, tăng trưởng quí III cần đạt 5,77%, quí IV đạt 7,38% và 6 tháng cuối năm đạt 6,56%.

Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm 6,23%, trong đó, tăng trưởng quí III cần đạt 7,93%, quí IV đạt 10,07% và 6 tháng cuối năm đạt 8,98%.

Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm 8,03%, trong đó, tăng trưởng quí III cần đạt 11,06%, quí IV đạt 14,13% và 6 tháng cuối năm đạt 12,56%.

Về giải pháp, ngành Thống kê đề xuất: Ngành Nông nghiệp cần quan tâm sát sao tình hình sản xuất vụ lúa Hè Thu và Thu Đông 2023 nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết, dịch bệnh. Tạo điều kiện thuận lợi để DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn; đồng thời, có nhiều gói lãi suất ưu đãi DN trong giai đoạn khó khăn này. Có những chính sách hỗ trợ người lao động như tiền trọ, tiền điện, tiền nước,... đặc biệt là những lao động ngoài tỉnh để họ yên tâm làm việc. Trong dài hạn, tỉnh cần thu hút thêm những DN quy mô lớn sớm đi vào sản xuất như Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II để tạo tăng trưởng bứt phá. Đào tạo lao động có tay nghề theo nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao năng suất lao động./.

Nguyễn Văn Chuẩn (Cục Thống kê tỉnh)

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/6-thang-dau-nam-2023-kinh-te-cua-tinh-long-an-tang-truong-tich-cuc-a158809.html