6 nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh gan nhiễm mỡ

Bệnh gan nhiễm mỡ có khả năng tự hồi phục nếu bạn có chế độ ăn uống khoa học, điều trị tốt các bệnh như tiểu đường, mỡ máu cao hay béo phì... nếu có.

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh phổ biến hiện nay. Ở người bình thường, lượng mỡ trong gan rất thấp, chỉ chiếm từ 2 - 4% trọng lượng của gan. Nhưng trong bệnh gan nhiễm mỡ, mỡ sẽ chiếm ít nhất từ 5-10% trọng lượng của gan. Chức năng gan sẽ bị ảnh hưởng nếu gan chứa quá nhiều mỡ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một điều may mắn là gan nhiễm mỡ thường không gây ra các tổn thương gan vĩnh viễn. Lá gan của chúng ta có khả năng tự hồi phục nếu bạn có chế độ ăn uống khoa học, điều trị tốt các bệnh như tiểu đường, mỡ máu cao hay béo phì... nếu có. Làm tốt được những điều trên, bạn hoàn toàn có thể đảo ngược quá trình gan nhiễm mỡ.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ?

Người béo phì

Theo báo cáo từ Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia – Trực thuộc Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ chỉ ra, có tới 30-90% người béo phì mắc gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, không chỉ ở người béo mà ngay cả khi cân nặng bình thường vẫn có nguy cơ nhiễm mỡ ở gan nếu vòng eo có quá nhiều mỡ thừa (vòng eo nam vượt 99-101 cm, nữ vượt 86-99cm).

Người suy dinh dưỡng

Ở những người suy dinh dưỡng, ăn uống không khoa học, cơ thể không tổng hợp được các chất thiết yếu để thanh lọc mỡ thừa, dẫn đến tích tụ mỡ trong gan. Những người suy dinh dưỡng, lượng đường trong máu giảm, không đủ để tạo ra năng lượng, cơ thể tự điều chỉnh tăng hấp thụ mỡ để phân giải năng lượng, các axit béo đi vào máu và lại vận chuyển đến gan, gây ra mỡ gan.

Người có gia đình có tiền sử mắc gan nhiễm mỡ

Người trong gia đình có tiền sử mắc gan nhiễm mỡ có nhiều khả năng mắc bệnh hơn so với người bình thường. Ngoài ra, tỉ lệ người Mỹ gốc Phi hoặc nam giới gốc Tây Ban Nha cũng làm tăng nguy cơ mắc.

Người lớn tuổi

Tuổi càng cao, chức năng gan suy giảm, giảm khả năng oxy hóa axit béo trong tế bào gan, từ đó không thanh thải được các phân tử mỡ trong gan. Ngoài ra, khi cơ thể lão hóa, các tế bào gan bị tổn thương không tự hồi phục bằng cách sản sinh tế bào mới suy giảm, dẫn đến sự hình thành của tổ chức xơ, dẫn đến xơ gan.

Người mắc các hội chứng chuyển hóa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Người mắc các hội chứng chuyển hóa như rối loạn lipid máu (mỡ máu cao), kháng insulin gây tiểu đường đều khiến lượng axit béo tự do tăng cao, gan không vận hóa hết và tích tụ tại gan.

Người tiêu thụ nhiều đồ béo

Việc sử dụng quá nhiều chất béo, đặc biệt chất béo bão hòa khiến các phân tử mỡ lắng đọng vào thành mạch, gan và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể.

Người bệnh gan nhiễm mỡ khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh gan nhiễm mỡ nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiều bệnh khác như bệnh tiểu đường, béo phì, mỡ máu cao, huyết áp cao và bệnh mạch vành...

Nếu kéo dài, bệnh gan nhiễm mỡ có thể gây ra những biến chứng của gan nhiễm mỡ như viêm gan sẽ dẫn đến các tế bào gan bị phá hủy, cuối cùng sẽ dẫn đến xơ gan và nặng hơn là nguy cơ phát triển ung thư gan.

Vì vậy, để phòng ngừa bệnh gan hay các bệnh mãn tính khác, việc khám sức khỏe định kỳ là giải pháp sàng lọc bệnh, quản lý, phòng ngừa bệnh quan trọng. Qua đó các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp đối với từng thể trạng bệnh nhân.

Hiện nay chưa có loại thuốc điều trị đặc hiệu nào để cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, việc thay đổi lối sống lành mạnh và khoa học hơn có thể giúp đảo ngược hầu hết các giai đoạn của bệnh gan nhiễm mỡ.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/6-nhom-nguoi-co-nguy-co-cao-mac-benh-gan-nhiem-mo-172240510214002535.htm