'6 hơn' trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Bài 4: Nền tảng xã hội vững chắc hơn - nguyện vọng của nhân dân hai nước

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam-Trung Quốc ngày 13-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: 'Những nguyện vọng thiết tha sâu xa từ bao đời nay của nhân dân hai nước về hữu nghị, hòa bình, hợp tác và phát triển chính là nguồn sức mạnh to lớn và cơ sở vững chắc cho niềm tin về tương lai tươi sáng của quan hệ giữa hai nước láng giềng anh em đang trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội'. Đại sứ Nguyễn Văn Thơ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Trung phân tích về phương hướng thúc đẩy nền tảng xã hội vững chắc hơn trong Tuyên bố chung khi trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân.

Phóng viên (PV): Tuyên bố chung nhấn mạnh hai bên sẽ thúc đẩy “nền tảng xã hội vững chắc hơn”. Ông đánh giá thế nào về vai trò và ý nghĩa của nội dung này đối với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc?

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ: Tại cuộc gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam-Trung Quốc vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn là một trong những phương hướng hợp tác cơ bản, quan trọng nhất trong quan hệ Việt-Trung. Điều này thể hiện mong muốn và xuất phát từ lợi ích của nhân dân hai nước. Nền tảng xã hội vững chắc suy cho cùng chính là lòng dân đồng thuận, như Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói: “Quan hệ giữa các quốc gia là ở sự thân tình của người dân”, “Mối tình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam có nền tảng nằm ở nhân dân”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: “Những nguyện vọng thiết tha sâu xa từ bao đời nay của nhân dân hai nước về hữu nghị, hòa bình, hợp tác và phát triển chính là nguồn sức mạnh to lớn và cơ sở vững chắc cho niềm tin về tương lai tươi sáng của quan hệ giữa hai nước láng giềng anh em đang trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Thực tế chứng minh, khi nhân dân hai nước đồng thuận, nền tảng xã hội, tin tưởng xã hội cao hơn sẽ là điều kiện thuận lợi để thực hiện các phương hướng, nội dung hợp tác khác thực chất, sâu sắc hơn. Và khi các lĩnh vực hợp tác được thực hiện hiệu quả, sẽ giúp củng cố hơn nữa niềm tin và đồng thuận xã hội. Đơn cử như các cuộc Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung với nòng cốt là Quân đội, nhưng còn có sự tham gia của các ban, bộ, ngành hữu quan, chính quyền, đoàn thể địa phương và đặc biệt là đông đảo quần chúng nhân dân hai bên biên giới. Thông qua giao lưu, hai bên hiểu nhau hơn, tin nhau hơn, thân nhau hơn cũng chính là nền tảng xã hội được củng cố vững chắc hơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước ở Hà Nội, ngày 13-12-2023. Ảnh: Tân Hoa xã

Hay như trong quản lý và giải quyết các khác biệt, bất đồng, nhất là vấn đề trên biển, cần có nhận thức xã hội sâu sắc ở cả hai bên, cùng nhau thực hiện tốt những nhận thức chung cấp cao, tôn trọng các lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện DOC, thúc đẩy COC phù hợp với UNCLOS 1982.

PV: Nhiều nội dung trong Tuyên bố chung đã được triển khai từ nhiều năm qua, lần này được nhấn mạnh cần thúc đẩy “hơn”, ông có thể phân tích thêm về điều này?

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ: Đây là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc là tài sản quý báu của nhân dân hai nước. Đặc biệt, từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vào năm 2008 đến nay, hợp tác trên các lĩnh vực đã đạt được nhiều tiến triển tích cực, toàn diện; nền tảng hữu nghị vững chắc cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định.

Có thể nêu một vài ví dụ. Hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động hữu nghị nhân dân quy mô lớn như 11 lần tổ chức Diễn đàn Nhân dân Việt-Trung, 3 cuộc Liên hoan Thanh niên Việt-Trung với quy mô hàng nghìn người, hàng chục cuộc Gặp gỡ hữu nghị thanh niên... Giao lưu ở các địa phương của hai nước cũng diễn ra sôi động. Cao Bằng có hai huyện biên giới ký kết ý định thư về kết nghĩa hữu nghị cấp huyện với phía Trung Quốc; cấp xã, cấp xóm biên giới ký 8 thỏa thuận hợp tác về giao lưu hữu nghị, giao lưu nhân dân; 12 cụm dân cư cấp xã, xóm biên giới thực hiện kết nghĩa với các cụm dân cư của Trung Quốc. Ngoài ra, các cuộc gặp gỡ thân mật, triển lãm, hội nghị, hội thảo cũng thường xuyên được tổ chức nhân các ngày lễ lớn của hai nước.

Thành quả đó cần không ngừng kế thừa và phát huy vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và Trung Quốc. Những năm qua, hai nước đã phối hợp làm rất tốt điều này. Tuy nhiên, trước những biến đổi nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, cũng cần thấy rằng chúng ta đã làm nhưng chưa đủ, cần làm hơn nữa cho tương xứng với bề dày truyền thống và tầm nhìn quan hệ giữa hai nước.

PV: Với ý nghĩa đó, hai bên cần làm gì để thúc đẩy nền tảng xã hội vững chắc hơn như trong Tuyên bố chung đã nêu?

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ: Phương hướng, nội dung, hình thức đã được Tuyên bố chung đề cập cụ thể. Một đặc điểm nổi bật, lợi thế của quan hệ Việt-Trung, là luôn tuân theo đường lối của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước. Tuyên bố chung đã được thông qua ở cấp cao nhất, như một chương trình hành động về quan hệ hai nước. Vì vậy, củng cố nền tảng xã hội phải được thống nhất từ nhận thức đến hành động, phối hợp thực hiện hiệu quả từ cả hai phía, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, địa phương hai nước. Mỗi cơ quan, tổ chức, địa phương hữu quan cần xác định rõ trách nhiệm, có kế hoạch hành động, phương án triển khai chi tiết, cụ thể, sát tình hình.

Công tác tuyên truyền, giáo dục có ý nghĩa vô cùng quan trọng để củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn. Phải làm sao để người dân, nhất là thế hệ trẻ, hiểu sâu sắc về ý nghĩa và lợi ích của quan hệ hợp tác Việt-Trung đối với hai nước cũng như hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Khi nhân dân hai nước hưởng ứng và thực hiện, điều đó sẽ đi sâu vào “gốc rễ” của nền tảng xã hội. Trong quan hệ Việt-Trung vẫn còn những vấn đề phải bàn thảo, thậm chí tranh luận, nhưng công tác thông tin, tuyên truyền phải đúng định hướng, đúng chỉ đạo, xuất phát từ lợi ích của nhân dân và hướng đến phục vụ cho củng cố và tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Ngoài ra, cần xây dựng lòng tin, thúc đẩy nền tảng xã hội bằng hiệu quả thiết thực của các chương trình, dự án trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, du lịch, giáo dục, thể thao, y tế... Khi triển khai các công trình mang tính biểu tượng, các dự án kinh tế, xã hội, xử lý các vấn đề tồn tại... cần làm theo đúng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước. Các cơ chế giao lưu, gặp gỡ cần có những cách làm sáng tạo, thiết thực hơn, phong phú hơn cả về nội dung và hình thức, với phương châm lấy người dân hai nước là trung tâm. Có thể nghiên cứu mở rộng, nâng cấp các cơ chế giao lưu hiện có cho tương xứng với tầm mức của quan hệ hai nước.

PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

(còn nữa)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/6-hon-trong-thuc-day-quan-he-viet-nam-trung-quoc-bai-4-nen-tang-xa-hoi-vung-chac-hon-nguyen-vong-cua-nhan-dan-hai-nuoc-756040