'6 hơn' trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Bài 2: Trụ cột hợp tác quốc phòng, an ninh

Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề xuất với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc coi hợp tác quốc phòng, an ninh (QPAN) là một trong những trụ cột trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Câu đầu tiên về phương hướng hợp tác QPAN thực chất hơn đề cập trong Tuyên bố chung lần này đã khẳng định: Hợp tác QPAN là một trong những trụ cột của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Đây cũng là vấn đề được Đại tá, ThS Vũ Văn Khanh, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Quốc tế, Viện Chiến lược Quốc phòng, phân tích và làm rõ khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Phóng viên (PV): Hợp tác QPAN lần đầu tiên được xác định là một trong những trụ cột của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đóng góp thế nào vào việc củng cố tin cậy chiến lược giữa hai Đảng, hai nước, thưa đồng chí?

Đại tá, ThS Vũ Văn Khanh: Trước hết, cần khẳng định rằng, quan hệ Việt-Trung là mối quan hệ láng giềng đặc biệt. Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên của Việt Nam (tháng 6-2008) và trong số 18 đối tác chiến lược của Việt Nam hiện nay thì chưa có đối tác nào Việt Nam có nhiều cơ chế giao lưu, hợp tác sâu rộng như với Trung Quốc, cả về đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, trong đó, hợp tác QPAN được coi là một trụ cột quan trọng.

QPAN là những lĩnh vực nhạy cảm, thậm chí được coi là "thước đo" mức độ quan hệ giữa các nước trong quan hệ quốc tế và quan hệ Việt-Trung cũng không phải là ngoại lệ. Việc hợp tác QPAN được xác định là một trong những trụ cột của quan hệ hai nước trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc vừa qua cho thấy sự đánh giá cao của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước về vai trò của hợp tác QPAN trong củng cố sự tin cậy chiến lược giữa hai nước, góp phần củng cố quan hệ hợp tác, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước của hai nước. Đây cũng là thời điểm quan trọng để Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác QPAN lên tầm cao mới.

 Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Thiếu tướng Uất Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Trung Quốc rút kinh nghiệm chuyến tuần tra liên hợp trên vùng biển lân cận đường phân định Vịnh Bắc Bộ từ ngày 11 đến 13-4-2023. Ảnh: NGỌC HƯNG

Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Thiếu tướng Uất Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Trung Quốc rút kinh nghiệm chuyến tuần tra liên hợp trên vùng biển lân cận đường phân định Vịnh Bắc Bộ từ ngày 11 đến 13-4-2023. Ảnh: NGỌC HƯNG

PV: Tuyên bố chung nêu rõ, hai bên mong muốn thúc đẩy hợp tác thực chất hơn trong lĩnh vực QPAN. Đồng chí nhận định thế nào về điều này?

Đại tá, ThS Vũ Văn Khanh: Kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hợp tác QPAN giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng được đẩy mạnh, với nhiều hình thức hợp tác phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng, hợp tác QPAN chưa tương xứng với quan hệ chính trị và chưa ngang tầm với quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Một số lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển hợp tác; lòng tin chiến lược và vấn đề Biển Đông... là những "rào cản" trong tăng cường quan hệ giữa hai nước. Chỉ khi vượt qua được những định kiến và đạt được sự tin cậy chiến lược, hợp tác QPAN giữa hai nước mới có thể đạt được hiệu quả, thực chất hơn.

PV: Vậy để thúc đẩy hợp tác thực chất hơn trong lĩnh vực này cần những cơ chế và giải pháp nào, thưa đồng chí?

Đại tá, ThS Vũ Văn Khanh: Để thúc đẩy hợp tác QPAN thực chất hơn, cùng với việc duy trì, phát huy và làm sâu sắc thêm các hình thức đã có, hai nước cần tiếp tục nghiên cứu đưa ra các sáng kiến hoặc mở rộng các hình thức hợp tác mới.

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về tình đoàn kết hữu nghị Việt-Trung nhằm nâng cao nhận thức về tình đoàn kết hữu nghị cho mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ LLVT hai nước. Nội dung tuyên truyền cần góp phần làm cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Hai là, tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai nước. Vấn đề này đã được cụ thể hóa trong Tuyên bố chung khi hai bên quyết tâm tăng cường tin cậy chính trị hơn với các nội dung, hình thức cụ thể, từ cấp Trung ương đến địa phương (xem bài 1 của loạt bài này - PV)

Ba là, tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác các cấp trong quân đội, trên các kênh, các lĩnh vực như Tuyên bố chung đã nêu. Đồng thời, có thể xem xét hướng tới nâng cấp và thiết lập các cơ chế hợp tác QPAN mới như: Nâng cấp đối thoại chiến lược quốc phòng; thiết lập đường dây nóng ở cấp cao nhất giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hai nước; ký thỏa thuận về việc tuyệt đối không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuyệt đối không nổ súng trên Biển Đông; thiết lập đường dây nóng giữa các Tư lệnh Quân khu biên giới Việt Nam và Tư lệnh Chiến khu miền Nam, Trung Quốc...

Bốn là, tăng cường hợp tác nghiên cứu trao đổi học thuật giữa quân đội và công an hai nước. Cần tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, viện nghiên cứu của quân đội, công an hai nước tăng cường hợp tác trong nghiên cứu học thuật; chia sẻ quan điểm đánh giá về tình hình an ninh thế giới, khu vực, chính sách QPAN; trao đổi nghiên cứu về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Mao Trạch Đông về xây dựng quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc; trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học.

PV: Trong Tuyên bố chung, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong các vấn đề chống can thiệp, chống ly khai, phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu” của các thế lực thù địch, phản động. Thưa đồng chí, điều này có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Đại tá, ThS Vũ Văn Khanh: Đây là điều vô cùng cần thiết và quan trọng hiện nay. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa và là mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, trong đó mũi nhọn tập trung chống phá của chúng là lĩnh vực chính trị, tư tưởng, nhằm lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở hai nước, "phi chính trị hóa" LLVT, phá hoại mối quan hệ hữu nghị và hợp toàn diện giữa hai nước. Vì vậy, hai nước cần tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hợp tác chặt chẽ với nhau trong các vấn đề chống can thiệp, chống ly khai, phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Ngoài ra, hai nước cần nâng cao cảnh giác, tích cực phối hợp đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng vấn đề Biển Đông để xuyên tạc, chia rẽ quan hệ Việt-Trung.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(Còn nữa)

NGỌC HƯNG - VŨ HÙNG - VĂN DUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/6-hon-trong-thuc-day-quan-he-viet-nam-trung-quoc-bai-2-tru-cot-hop-tac-quoc-phong-an-ninh-755778