6 dự án điện cao thế đều vướng mặt bằng

Nhiều khu vực trên địa bàn Đồng Nai đã và đang có nguy cơ thiếu điện vì dự án điện cao thế chậm tiến độ. Cần sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án theo quy hoạch, đồng thời tính toán đầu tư phát triển nguồn và lưới điện đáp ứng nhu cầu năng lượng của tỉnh.

Ban Quản lý dự án điện miền Nam kiểm tra công trình trạm biến áp 110kV Giang Điền và đường dây đấu nối. Ảnh: H.Lộc

Đây là yêu cầu của Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức tại buổi làm việc về vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án điện cao thế ngày 11-8.

* Quá thời hạn đóng điện nhiều năm

Chia sẻ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh ngày 11-8 vừa qua, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam Đoàn Đức Hưng cho biết, đơn vị đang triển khai 6 dự án điện cao thế trên địa bàn tỉnh và tất cả đều bị chậm tiến độ vì vướng mặt bằng. Điều này ảnh hưởng đến nguồn cung ứng điện cho tỉnh và hiệu quả đầu tư của dự án.

Điển hình là công trình trạm biến áp 110kV Giang Điền và đường dây đấu nối (H.Trảng Bom) khởi công năm 2016, dự kiến hoàn thành đóng điện sau 1 năm nhưng đến nay còn nhiều vị trí móng trụ bị “nghẽn”, chưa thể thi công. Dự án Trạm biến áp 110kV khu đô thị Long Hưng và đường dây đấu nối (TP.Biên Hòa) triển khai từ 6 năm trước nhưng hiện vẫn chưa xác định được tọa độ vị trí, cao độ thiết kế từng vị trí móng trụ của tuyến đường dây do phân khu C3 của thành phố chưa được duyệt quy hoạch. Tương tự, dự án 110kV Xuân Đông và đường dây đấu nối (H.Cẩm Mỹ) 6 năm nhưng chưa hoàn thành để cấp điện cho khu vực Cẩm Mỹ, Long Khánh, Xuân Lộc.

Theo Ban Quản lý dự án điện miền Nam, có 6 công trình điện cao thế đang triển khai bị vướng mặt bằng gồm: trạm biến áp 110kV Giang Điền và đường dây đấu nối; đường dây 110kV Định Quán 2 - Vĩnh An; trạm biến áp 110kV Xuân Đông và đường dây đấu nối; trạm biến áp 110kV khu đô thị Long Hưng và đường dây đấu nối; cải tạo đường dây 110kV Trạm biếp áp 220kV Trị An - Kiệm Tân và dự án Cải tạo, nâng cấp lưới điện trung hạ thế khu vực trung tâm thị xã, thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai (hạ ngầm lưới điện). Tổng mức đầu tư 6 công trình là 822 tỷ đồng.

“Các công trình trên đã quá thời hạn đóng điện. Có 5/6 dự án vay vốn ODA của chính phủ Pháp, Đức cũng sắp hết thời hạn nhưng chưa thể triển khai vì vướng mặt bằng” - ông Đoàn Đức Hưng thông tin.

Phó giám đốc Công ty TNHH Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) Hồ Minh Quang cho rằng, không chỉ các dự án điện cao thế mà nhiều dự án của PC Đồng Nai cũng bị chậm tiến độ vì mặt bằng. “Dự án điện thường có đường dây qua nhiều địa bàn, vị trí buộc phải có thời gian khảo sát, thẩm định giá đất. Bên cạnh đó, do đặc thù dự án điện chỉ bồi thường cho cá nhân, tổ chức có đất thu hồi để xây dựng móng trụ và trạm, phần hành lang dưới đường dây điện chỉ bồi thường hỗ trợ công năng nên nhiều hộ dân không đồng ý, khiếu kiện. Đây là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ các dự án” - ông Hồ Minh Quang nói.

Cũng theo lãnh đạo PC Đồng Nai, hiện nay phần lớn đường dây và trạm biến áp 220kV đang vận hành đều đầy và quá tải, ngành điện phải nhận nguồn 110kV hỗ trợ từ các tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu để đảm bảo nguồn cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các dự án càng chậm thì nguy cơ thiếu điện càng tăng.

* Phát triển thêm nguồn và lưới điện

Đại diện Ban Quản lý dự án điện miền Nam cho rằng, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có nhiều khu vực đang có nhu cầu bức thiết, căng thẳng về nguồn điện. Đó là các khu vực có dự án nhưng chưa thể hoàn thành, đóng điện như: Long Hưng, Giang Điền.

“Chúng tôi luôn sẵn sàng nhân lực, vật tư để thi công và hoàn thành dự án Trạm biến áp 110kV Giang Điền khi được bàn giao mặt bằng, bảo vệ thi công. Việc chậm bàn giao mặt bằng khiến chi phí đầu tư tăng, gia tăng quá tải cho các trạm lân cận và không đảm bảo nguồn điện cho công ty hạ tầng, doanh nghiệp tại khu công nghiệp này” - đại diện Ban Quản lý dự án điện miền Nam cho hay.

Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam chia sẻ, trên địa bàn huyện có 3 dự án điện bị vướng mặt bằng. Cụ thể, dự án Trạm biến áp 110kV Giang Điền còn 2 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động; trường hợp chủ đất cố tình không chấp hành huyện sẽ có giải pháp hỗ trợ bảo vệ thi công trong tháng 9 tới. 2 dự án còn lại là đường dây 110kV Định Quán 2 - Vĩnh An và cải tạo đường dây 110kV trạm biến áp 220kV Trị An - Kiệm Tân qua rà soát chưa có trong kế hoạch thu hồi đất năm 2022, vì vậy huyện sẽ phối hợp với chủ đầu tư bổ sung vào kế hoạch thu hồi đất.

Ông Trần Minh Đạt, Trưởng phòng Kỹ thuật và quản lý năng lượng (Sở Công thương) cho rằng, mặc dù lãnh đạo tỉnh đã họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhiều lần nhưng đến nay ở từng công trình vẫn còn nhiều vấn đề. Chủ đầu tư dự án cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc thống nhất vị trí, hướng tuyến, bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm hoàn thành công trình đang triển khai.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Đồng Nai đang và sắp triển khai nhiều dự án hạ tầng như: sân bay, cảng biển, đường cao tốc, khu công nghiệp… nên nhu cầu sử dụng điện rất lớn. Hạ tầng điện phải đi trước một bước để phục vụ cho các hạ tầng khác. Do đó, UBND các huyện có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư trong việc giải quyết vướng mắc phát sinh liên quan mặt bằng.

Đối với ngành điện, trong năm 2022 và các năm tiếp theo bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, ngành điện cần chủ động đề xuất thêm dự án phát triển nguồn và lưới điện theo quy hoạch phát triển hạ tầng của tỉnh.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202208/6-du-an-dien-cao-the-deu-vuong-mat-bang-3129903/