6 điều cần làm để trẻ không tổn thương tinh thần khi bố mẹ ly hôn

Việc bố mẹ ly hôn có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm thần trẻ. Nhưng thông qua một số phương pháp, người lớn sẽ giúp con vượt qua chuyện này.

Trẻ thường không tổn thương vì ly hôn mà vì hành vi của cha mẹ trong quá trình đó. Ảnh: Shutterstock.

Các chuyên gia trên SheKnows thừa nhận ly hôn có thể gây tổn thương cho cả những người mạnh mẽ nhất. Người lớn có thể chuẩn bị nhiều thứ với những lý do họ cần ly hôn, luật sư, giấy tờ, kiện tụng.

Trong khi đó, những đứa trẻ khó tránh khỏi cảm giác hoang mang, bối rối khi người lớn liên tục cãi vã, mâu thuẫn. Vì thế, câu hỏi đặt ra là liệu có cách nào để ly hôn không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của trẻ, giúp con chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình mới.

Hành vi của cha mẹ khi ly hôn mới ảnh hưởng đến trẻ

Thực tế, nhiều người vẫn nghĩ ly hôn chắc chắn khiến con trẻ tổn thương về tâm lý. Không ít người nói "Tôi là con của một gia đình ly hôn” như một cách để truyền tải thông điệp “Tôi đã sống sót sau biến cố cha mẹ ly hôn”. Nhưng mọi chuyện không nhất định phải như vậy. Và ly hôn không nhất thiết là bản án dành cho con bạn.

Thực tế, bản thân chuyện ly hôn không ảnh hưởng đến con cái. Chính người lớn, cách hành xử trong quá trình đó mới làm hại đến trẻ. Nói cách khác, ly hôn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần trẻ thông qua hành vi của cha mẹ.

Trẻ em có thể trải qua những cảm xúc mạnh như buồn bã, sợ hãi, lo lắng, trầm cảm. Những thay đổi, sự gián đoạn đột ngột xảy ra khi ly hôn, chẳng hạn chuyển đến nhà mới, chuyển trường hoặc phải thích nghi với thói quen mới, có thể làm trẻ thấy bất ổn, thiếu chắc chắn, đồng thời khiến trẻ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc và tìm cảm giác an toàn.

Đối với một số trẻ, việc không biết cách xác định, kiểm soát căng thẳng, tức giận hoặc thất vọng cũng có thể dẫn đến hành động bột phát, gia tăng thách thức và các vấn đề trong việc điều chỉnh cảm xúc. Trẻ căng thẳng ở nhà dẫn đến gặp khó khăn ở trường khi không thể tập trung học hành.

Nhưng điều tồi tệ nhất đối với sức khỏe tinh thần của trẻ là cảm giác xấu hổ và tội lỗi. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu cảm thấy tội lỗi, tự đổ lỗi bản thân rằng đã khiến cha mẹ chia tay, về lâu dài, sẽ khiến trẻ tổn thương lòng tự trọng, thiếu cảm giác an toàn, khó tin tưởng người khác sau này.

Những cảm xúc này có thể định hình cách trẻ nhìn nhận bạn đời tương lai, ảnh hưởng đến khả năng tin tưởng, hình thành sự gắn bó, duy trì các mối quan hệ lành mạnh. Chứng kiến sự chia ly hỗn loạn hoặc thiếu tôn trọng giữa cha mẹ có thể làm thay đổi hiểu biết của trẻ về tình yêu, sự gắn kết và việc giao tiếp.

Vì thế, cha mẹ cần quan tâm hơn đến việc bảo vệ con trong cuộc ly hôn. Trẻ vốn kiên cường và có thể phát triển tốt nếu được hỗ trợ phù hợp.

Việc cha mẹ trò chuyện, chia sẻ với con có thể hạn chế tác động xấu từ quá trình ly hôn đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Ảnh: Shutterstock.

Sáu việc cần làm

Dưới đây là một số cách mà cha mẹ có thể sử dụng để giúp giảm thiểu tác động lâu dài của việc ly hôn đối với sức khỏe tâm thần ở trẻ.

Trò chuyện thật nhiều

Trẻ em có thể lo lắng mình làm tổn thương cảm xúc của cha mẹ nếu chúng thể hiện bản thân nghĩ gì. Do đó, người lớn nên duy trì việc giao tiếp cởi mở và tạo không gian an toàn cho trẻ mà không phán xét.

Cha mẹ cần lắng nghe con một cách đồng cảm. Việc người lớn xem xét cảm thụ của con có thể giúp trẻ cảm thấy được trấn an và trao quyền.

Nhờ thêm sự hỗ trợ

Cha mẹ không cần phải làm chuyện này một mình. Khi mọi cảm xúc trở nên quá mãnh liệt, liệu pháp gia đình có thể giúp ích cho cả người lớn lẫn trẻ em.

Vì vậy, cha mẹ có thể cân nhắc mời nhà trị liệu có trình độ chuyên môn hỗ trợ mình và con về mặt cảm xúc. Trị liệu có thể cung cấp không gian trung lập để xử lý cảm xúc, đưa ra phương pháp xử lý phù hợp.

Giảm bớt sự ràng buộc

Ngay cả những đứa trẻ đã chứng kiến hành vi tồi tệ nhất của cha mẹ vẫn có thể mong người lớn tiếp tục sống bên nhau hạnh phúc. Trong quá trình cha mẹ ly hôn, trẻ có thể phải trải qua xung đột về lòng trung thành, chịu áp lực khi mắc kẹt giữa những bất đồng của người lớn. Việc này khiến nội tâm con hỗn loạn.

Thiết lập ranh giới

Ngay cả khi trải qua cuộc đổ vỡ thu hút sự chú ý của dư luận, những người nổi tiếng như Reese Witherspoon và Shakira vẫn mong con mình có không gian, thời gian tách biệt ánh mắt công chúng để học cách thích nghi với thay đổi.

Vì thế, cha mẹ cần nói để người xung quanh hiểu vấn đề và có cách giao tiếp phù hợp khi đề cập đến chuyện ly hôn trước mặt những đứa trẻ.

Hạn chế thay đổi và xung đột

Đây là lúc cần giữ mọi thứ nhất quán nhất có thể. Điều quan trọng là cung cấp môi trường ổn định, hỗ trợ để hạn chế tác động xấu từ hành vi của cha mẹ trong vụ ly hôn đến con cái.

Người lớn nên hạn chế thay đổi, cãi vã, thiết lập thói quen chung để con cảm thấy ổn định, an toàn trong quãng thời gian có nhiều biến động.

Bản thân cha mẹ tự điều tiết cảm xúc

Nếu cha mẹ ổn, con cái sẽ ổn. Cha mẹ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng các mối quan hệ lành mạnh, thúc đẩy giao tiếp cởi mở để giúp con xây dựng kỹ năng giao tiếp tích cực.

Không quá trình ly hôn, hậu ly hôn nào dễ dàng. Nó có thể khiến người trong cuộc đau đớn. Dù vậy, người lớn vẫn cần quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của con.

Ly hôn cũng có thể là cơ hội để thúc đẩy khả năng phục hồi, tính sáng tạo ở những đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ đều khác nhau và có thể phản ứng với việc ly hôn theo cách riêng của chúng. Với sự kiên nhẫn, tình yêu thương, sự quan tâm và hỗ trợ, chúng ta có thể tạo môi trường để con tiếp tục phát triển bất chấp những thách thức mà trẻ phải đối mặt.

Nguyên Lê

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/6-dieu-can-lam-de-tre-khong-ton-thuong-tinh-than-khi-bo-me-ly-hon-post1443411.html