5K gây phiền hà trong trường học ở TP.HCM

Hiện nay, nhiều trường tại TP.HCM đã thay đổi thông điệp 5K thành 2K trong công tác phòng, chống dịch. 3K không còn phù hợp là khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế.

"Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có xu hướng giảm mạnh, người mắc biến thể Omicron chỉ có những triệu chứng như bệnh cảm cúm, cấp độ tiêm phòng vaccine đã bao phủ toàn dân, vì vậy, theo tôi chúng ta phải thay đổi thông điệp 5K. Giữ nguyên 5K ở trường học sẽ ràng buộc và gây phiền hà cho giáo viên, phụ huynh và học sinh", ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du (quận 10) chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), cho rằng thông điệp 5K khó đạt được hiệu quả 100% trong bối cảnh hiện nay. Trước kiến nghị cho F1 đi học, đi làm, thông điệp 5K cần thu hẹp lại thành 2K hoặc 3K để phù hợp với bối cảnh mới.

 Nhiều trường học cho rằng việc đeo khẩu trang và khử khuẩn là đã có thể đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Ảnh: Phương Lâm.

Nhiều trường học cho rằng việc đeo khẩu trang và khử khuẩn là đã có thể đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Ảnh: Phương Lâm.

K - khai báo y tế là không cần thiết

Chia sẻ với Zing, bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), cho biết khai báo y tế là không cần thiết, không biết ai là người quản lý và đọc những tờ khai y tế của người dân. Khi thực hiện khai báo y tế, mỗi người đều được điền sẵn đáp án "không" cho các câu hỏi về tình hình sức khỏe. Vì vậy, đôi khi để tránh tốn thời gian, một số người đã điền "đại", tờ khai y tế cũng khó đảm bảo tính chính xác.

Trước đó, bà Trâm từng làm một mã QR riêng để giáo viên, nhân viên và những người đến trường thực hiện khai báo y tế. Tuy nhiên, nữ hiệu trưởng nhận định việc làm này chỉ để quản lý, không thể xác định được người khai báo có đang mắc Covid-19 không, vì có những người dương tính với nCoV nhưng không có triệu chứng.

"Từ trước đến giờ, tôi thấy việc khai báo y tế không hỗ trợ nhiều cho công tác phòng, chống dịch của trường học. Nó chỉ phù hợp ở sân bay hoặc các dịch vụ vận tải. Đối với việc di chuyển nội địa trong thành phố, tôi nghĩ, chúng ta không cần thiết phải thực hiện khai báo, đặc biệt là ở trường học. Bỏ K - khai báo y tế, trường học vẫn có thể đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19", bà Trâm nói.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo nhận định khai báo y tế để truy vết chỉ có hiệu quả khi tình hình dịch bệnh tăng cao và căng thẳng. Hiện tại, số ca F0, F1 ở trường học tăng nhưng học sinh và giáo viên đều đã tiêm vaccine nên mức độ dịch đã bớt "khốc liệt" hơn trước, việc khai báo y tế cũng không còn nhiều ý nghĩa.

Ông Huỳnh Thanh Phú cho rằng công tác thực hiện khai báo y tế ở trường học hiện nay đang gây ra nhiều phiền hà cho cả phụ huynh và học sinh.

"Ai là người xác định F0? Theo tôi, chỉ có bản thân người mắc Covid-19 mới xác định được. Hiện nay, F0, F1 là 'vô thưởng, vô phạt', nên khai báo y tế chỉ khiến công tác phòng, chống dịch trở nên rắc rối thôi", ông Phú nói.

 Khó đảm bảo khoảng cách giữa các học sinh trong lớp vì áp lực sĩ số. Ảnh: Phương Lâm.

Khó đảm bảo khoảng cách giữa các học sinh trong lớp vì áp lực sĩ số. Ảnh: Phương Lâm.

Trường học không thể đảm bảo khoảng cách và hạn chế tụ tập

Ghi nhận khoảng 20% học sinh mắc Covid-19 và một lớp học chuyển sang hình thức trực tuyến do phụ huynh lo lắng về tình hình dịch bệnh, trường THCS Hà Huy Tập khẳng định có thể đảm bảo công tác phòng, chống dịch với thông điệp 2K là khẩu trang và khử khuẩn.

Theo bà Trâm, trường học gặp nhiều khó khăn khi thực hiện K - khoảng cách và K - không tụ tập. Cụ thể, trong điều kiện cơ sở vật chất có giới hạn, trường khó đảm bảo khoảng cách 1 m giữa các học sinh trong phòng học. Nếu chia đôi lớp thì sẽ không đủ phòng và nhân lực, giáo viên cũng khó đảm bảo được hiệu quả giảng dạy. Hiệu trưởng THCS Hà Huy Tập chỉ có thể khuyến khích học sinh giữ khoảng cách trong giờ ăn trưa và ra chơi.

"Ở trường học thì không thể hạn chế việc tụ tập của học sinh. Với sân chơi nhỏ, nhà trường vẫn đang áp dụng giờ ra chơi xen kẽ giữa các khối để giãn khoảng cách và hạn chế tập trung đông", bà Trâm nói.

Ông Phú cho rằng trong tình hình mới, ngành du lịch đang được thúc đẩy phát triển, trường học có thể tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho học sinh, khi đó không thể giữ khoảng cách 1 m giữa các em.

"Chúng ta không có quy định cụ thể rằng tập trung bao nhiêu người mới được tính là tập trung đông. Trong một lớp học có từ 20 đến 40 em, như vậy có được tính là tập trung đông người không? Không tụ tập ở trường học là không thể", cô Huyền Thảo nói.

Đối với K - khoảng cách, cô Thảo cho rằng ở mỗi lớp có thể giãn học sinh "một chút" nhưng khó đảm bảo khoảng cách 1 m do áp lực sĩ số và diện tích phòng học. Nếu chia lớp làm hai thì khó cho cả giáo viên và trường học. Số lớp tăng lên, phòng học không đủ, giáo viên phải tăng cường quản lý, vì vậy chi phí của trường cũng tăng trong khi ngân sách thì giới hạn.

"Năm nay, trường không thu học phí và thu nhập giáo viên cũng giảm, tài chính các trường cũng giảm nên việc chia lớp để đảm bảo khoảng cách là rất khó. Học sinh học ở mô hình chia đôi lớp sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý khi giáo viên giảng dạy, nên theo tôi K này không còn phù hợp. Đảm bảo thực hiện 2K là khẩu trang và khử khuẩn là tốt nhất rồi", cô Thảo nói.

Chia sẻ với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết trong công tác đảm bảo an toàn, phòng, chống Covid-19 ở trường học, khẩu trang, khử khuẩn, là các K phải được thực hiện.

Ông Dũng nhấn mạnh, trẻ từ 2 tuổi trở lên chắc chắn phải đeo khẩu trang khi trở lại trường, trẻ cũng không cần đeo tấm chắn giọt bắn. Đồng thời các trường phải khử khuẩn bàn ghế, các bề mặt, vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên.

Đối với K - khoảng cách, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng nếu việc giãn cách trong trường không khả thi, học sinh nên giữ khoảng cách tối đa. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng nhận định tụ tập là tự phát, ở trường, học sinh học tập trung, do đó, K - không tụ tập là không cần thiết.

Nguyễn Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/5k-gay-phien-ha-trong-truong-hoc-o-tphcm-post1304230.html