50 năm 'Chiến thắng trở về' - Bài cuối: Ngày trở về

Từ tháng 10-1966 đến tháng 10-1972, tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc có 32 vụ tù binh vượt ngục với tổng số 204 người thoát về vùng giải phóng ở bắc đảo Phú Quốc. Họ tìm mọi cách trở về để tiếp tục sự nghiệp chiến đấu, chống đế quốc Mỹ và tay sai, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.

Bài 2: Đấu tranh trong lòng địch

TÌM MỌI CÁCH ĐỂ TRỞ VỀ

Ở Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc, địch bố trí phòng thủ, canh gác chặt chẽ, kiểm soát nghiêm ngặt và bọn quân cảnh tuần tra suốt đêm ngày, bên trong và bên ngoài mỗi khu giam, nền phòng giam được tráng xi măng để chống đào hầm.

Tuy nhiên, chúng không ngăn được tù binh vượt ngục. Đảng ủy các phân khu chủ động lãnh đạo tù binh tổ chức vượt ngục có kế hoạch, có phương án hợp đồng, có chỉ huy tác chiến nên nhìn chung các cuộc vượt ngục có sự lãnh đạo của Đảng đều vượt thoát trở về căn cứ an toàn.

Các cuộc vượt ngục diễn ra liên tục, bằng nhiều hình thức như vượt rào, đào hầm vượt trại, chui gầm xe chở nước, nằm trong thùng rác, đi làm bên ngoài đánh quân cảnh cướp súng...

Ông Nguyễn Văn Mỹ (tên thường gọi Ba Toản), ngụ phường Dương Đông (TP. Phú Quốc) kể lại đêm 22-6-1968 ông chỉ huy 5 người vượt rào Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc thoát ra ngoài.

“Tôi là sĩ quan đặc công nên có kinh nghiệm cắt rào, chui lọt ra cùng 5 đồng chí. Ra khỏi rào, nhóm 5 người khác tiếp tục đi ra thì bị bắt lại và bị đánh dã man, từ đó về sau tôi không thấy 5 người này...”, ông Toản kể.

Sau một tuần ngày nghỉ, đêm đi, nhóm của ông Toản về tới căn cứ của ta, ông và đồng đội ở lại chiến đấu tại đảo.

Mô hình mô phỏng cảnh vượt ngục của các cựu tù Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc.

Mô hình mô phỏng cảnh vượt ngục của các cựu tù Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc.

Các ông được tổ chức thành một phân đội đặc công đầu tiên ở đảo lấy phiên hiệu là phân đội 22. Do mới thành lập, vũ khí trang bị ít, trận đầu tiên đột nhập ấp chiến lược Cửa Cạn, đánh lính bảo an, thu được 1 khẩu trung liên và 2 cạc bin. Phân đội vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng, tăng gia sản xuất để cải thiện. Đời sống khó khăn, lương thực chính là khoai mì, có lúc trên 40 người một bữa ăn 6 lon gạo.

Với tinh thần tự lực, tự cường, các thành viên trong đội sản xuất, trồng lúa, trồng khoai mì, chăn nuôi heo, gà để tự lo cho mình và làm được kho dự trữ chuẩn bị cho anh em tù binh vượt ngục ra sử dụng. Mặc dù vậy, các tù binh vượt ngục do ông Toản chỉ huy tình nguyện ở lại Phú Quốc chiến đấu đến ngày giải phóng, lập nhiều chiến công...

Ông Phạm Văn Thanh - Trưởng Ban liên lạc tù chính trị - tù binh huyện Vĩnh Thuận kể, ông bị địch bắt năm 1968, bị giam tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc đến khi vượt ngục thành công ngày 19-9-1971. Ông được chi bộ phòng giam tổ chức vượt ngục cùng 15 tù binh.

“Nhóm chúng tôi bằng mọi cách đăng ký đổ phân, nước tiểu của tù binh trại giam đúng 1 tháng, tạo lòng tin với quân cảnh. Ngày 19-9-1971, trong lúc đi đổ phân, nhóm 16 người cùng phát tín hiệu cướp súng, đánh quân cảnh vượt ngục. Địch phát hiện, bắn đạn vào chúng tôi như mưa, 4 đồng chí chết tại chỗ, 1 đồng chí bị bắt”, ông Thanh kể.

Địch bao vây những người còn lại trong nhóm ông Thanh nhiều ngày liền trên đồi, trong rừng và trong suốt đường tháo chạy về vùng giải phóng.

“3 ngày sau, một đồng chí bị thương phải nằm lại vĩnh viễn trên đảo Phú Quốc. Chúng tôi ngày nghỉ, đêm đi, bắn trả địch quyết liệt. 7 ngày, 8 đêm, chúng tôi về căn cứ cách mạng. Đói lả người, ai cũng bị thương”, ông Thanh ứa nước mắt thuật chuyện.

Ông Thanh sau đó tình nguyện ở lại Phú Quốc chiến đấu, sau này được điều động đi nhiều nơi trước khi giữ chức Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Thuận và nghỉ hưu đến nay.

NGÀY TRAO TRẢ

Ông Mai Văn Bé - Trưởng Ban liên lạc tù chính trị - tù binh tỉnh Kiên Giang nhớ như in ngày mình được địch trao trả năm 1973 cũng là lúc gia đình làm đám giỗ lần thứ 5 cho ông.

“Năm 1968, tôi bị thương trong đợt tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, đơn vị báo tin với gia đình là tôi mất tích, gia đình lập bàn thờ và làm đến lễ giỗ lần thứ 5 thì hay tin tôi còn sống, ai cũng mừng rơi nước mắt”, ông Mai Văn Bé kể.

Không riêng gì ông Mai Văn Bé, thực hiện Hiệp định Paris, địch phải trao trả tù binh, trong đó có tù binh Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc.

Theo Ban Liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày, đến ngày 24-3-1973, số tù binh bị giam giữ trên đảo khoảng 200 người. Suốt cả tháng trước đó, tiếng máy bay C130 không lúc nào ngớt trên bầu trời Phú Quốc. Sáng 24-3-1973, bọn giám thị vẫn phát thực phẩm và nước sinh hoạt trong ngày cho tù binh. Đến trưa, trại giam lệnh gọi số tù binh khu C8 ra sân tập hợp. Trại C8 còn khoảng 100 tù binh, địch đưa tất cả lên xe ra sân bay.

Quãng đường từ trại giam ra sân bay khoảng 7km. Dọc hai bên đường là những dãy trại giam dày đặc dây thép gai và những mái nhà tole trắng lóa dưới ánh mặt trời, không một bóng người dân, chỉ thấy đám lính quân cảnh và bọn trật tự viên đứng tụ tập nhìn theo xe chở tù binh.

Máy bay bay hơn 2,5 tiếng tới sân bay Phú Bài. Khi máy bay hạ cánh, các tù binh nhìn thấy quân cảnh với những chiếc xe GMC chờ sẵn, họ mới thực sự tin là địch đưa đi trao trả.

Các tù binh cuối cùng bị địch đưa lên xe, có quân cảnh kèm theo ra tỉnh Quảng Trị. Đến thành cổ Quảng Trị, các tù binh dừng lại. Khoảng 17 giờ 30 phút, địch đưa các tù binh tới bờ nam sông Thạch Hãn.

Từ xa, các tù binh thấy những lá cờ giải phóng bay phấp phới bên bờ bắc, nhiều người ứa nước mắt. Ở tất cả các địa điểm trao trả, các tù binh được đón tiếp thân tình, chu đáo và đều có khẩu hiệu “Hoan hô những người chiến thắng trở về”.

Đoàn tù binh ở trại C8 được trả chiều 24-3-1973, họ là những tù binh cuối cùng của Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc trở về với đồng đội, nhân dân.

Bài và ảnh: TÂY HỒ

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//thoi-su/50-nam-chien-thang-tro-ve-bai-cuoi-ngay-tro-ve-13148.html