5 sai lầm trong điều trị viêm da cơ địa và cách khắc phục

Viêm da cơ địa là một bệnh ngoài da mạn tính, rất khó điều trị. Tuy nhiên, vẫn còn những sai lầm trong cách điều trị căn bệnh này…

Viêm da cơ địa là bệnh mạn tính tiến triển từng đợt, thường bắt đầu ở trẻ nhỏ với đặc điểm là ngứa và có tổn thương dạng chàm. Bệnh thường xuất hiện ở những người có tiền sử bản thân hay gia đình mắc các bệnh có yếu tố dị ứng như: Hen, viêm mũi xoang dị ứng, sẩn ngứa, dị ứng thuốc, mày đay...

Tại Việt Nam, viêm da cơ địa chiếm khoảng 5% dân số. Nam hay gặp hơn nữ.

Hiện tại, các nghiên cứu chưa tìm được chính xác nguyên nhân gây viêm da cơ địa. Một số nguyên nhân khiến viêm da cơ địa bùng phát:

Các chất gây kích ứng: Xà phòng, chất tẩy rửa, khói bụi, len…

Dị ứng thời tiết.
Dị ứng thực phẩm được coi là nguyên nhân chính gây ra bệnh chàm ở trẻ nhỏ.
Nhiễm trùng cấp tính gây suy giảm miễn dịch cũng làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh viêm da cơ địa.
Rối loạn nội tiết...

Viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính, rất dễ tái phát, gây ngứa ngáy, khó chịu cho người bệnh.

Triệu chứng điển hình của bệnh là khô da, ban đỏ, nổi mụn nước trên da, ngứa tạo thành vòng xoắn bệnh lý: ngứa-gãi-ban đỏ-ngứa…, làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn, virus. Viêm da cơ địa có thể gây biến chứng: Bội nhiễm da, dày da-lichen hóa, đỏ da toàn thân, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, chất lượng cuộc sống.

1. Các thuốc dùng trong điều trị viêm da cơ địa

Hiện tại chưa có phương pháp điều trị viêm da cơ địa đặc hiệu nào. Việc điều trị chủ yếu là giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa các đợt bùng phát.

Các thuốc dùng trong điều trị viêm da cơ địa bao gồm:

Thuốc kháng histamin: Giảm các triệu chứng ngứa.
Thuốc kháng sinh: Chống bội nhiễm tại các vết thương.
Thuốc corticoid: Giúp làm dịu nhanh chóng các triệu chứng bệnh.

Ngoài ra có thể dùng dung dịch sát khuẩn, kem làm ẩm da, thuốc bôi có chứa corticoid hoặc không corticoid…

Hiện tại chưa có phương pháp điều trị viêm da cơ địa đặc hiệu nào. Việc điều trị chủ yếu là giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa các đợt bùng phát.

2. Những sai lầm thường mắc phải khi điều trị viêm da cơ địa

2.1. Dùng corticoid kéo dài

Các thuốc corticoid được sử dụng hiệu quả và nhiều nhất trong điều trị viêm da cơ địa. Do đó nhiều người đã dùng thuốc này thường xuyên, kéo dài mỗi khi các triệu chứng bệnh bùng phát.

Tuy nhiên, các thuốc corticoid bôi tại chỗ chỉ nên bôi trong vòng 1 tuần và giảm liều một cách từ từ. Tuyệt đối không sử dụng thường xuyên và kéo dài vì có rất nhiều tác dụng phụ: Gây phù, tăng huyết áp, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, loãng xương, teo cơ...

Ngoài ra, nên sử dụng kèm theo thuốc dưỡng ẩm (trước hay sau bôi thuốc chứa corticoid đều được), nhiều lần trong ngày.

2.2. Đổi thuốc liên tục

Viêm da cơ địa là một bệnh dai dẳng, khó điều trị. Nhiều bệnh nhân sau khi dùng thuốc không thấy các triệu chứng bệnh thuyên giảm ngay, đã nôn nóng chuyển sang một loại thuốc khác. Điều này khiến cho bệnh không khỏi, kéo dài và làm tăng nguy cơ tương tác thuốc nguy hiểm.

Khắc phục: Người bệnh cần sự kiên trì dùng thuốc chỉ định của bác sĩ. Không tự ý đổi thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Dùng thuốc bôi trị viêm da cơ địa phải tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa.

2.3. Ngừng dùng thuốc khi triệu chứng giảm

Thói quen sai lầm này đã khiến cho viêm da cơ địa không được điều trị triệt để và là cơ hội để bệnh trở thành dạng mạn tính. Tỷ lệ bệnh tái phát thường xuyên và việc điều trị trở nên khó khăn, phức tạp hơn và làm gia tăng tình trạng kháng thuốc.

Có thể khắc phục bằng cách dùng thuốc đúng, đủ liều theo đơn bác sĩ đã kê. Tuyệt đối không ngừng dùng thuốc khi triệu chứng vừa thuyên giảm.

2.4. Gãi tại chỗ tổn thương

Viêm da cơ địa thường gây ngứa và khó chịu cho người bệnh. Điều này khiến người bệnh có thói quen gãi mỗi khi cảm thấy ngứa. Tuy nhiên thói quen này khiến cho da rất dễ bị tổn thương và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Cách khắc phục: Người bệnh nên hạn chế gãi. Có thể chườm ấm tại chỗ ngứa hoặc dùng thuốc kháng histamin giúp giảm ngứa khá hiệu quả.

2. 5. Không vệ sinh vùng da tổn thương

Việc không vệ sinh vùng da tổn thương trước khi bôi thuốc sẽ khiến cho vi khuẩn không được loại bỏ và có thể quay lại làm nghiêm trọng thêm vết thương.

Cách khắc phục: Trước khi bôi thuốc, cần vệ sinh vết thương bằng các dung dịch đã được bác sĩ chỉ định.

Ngủ trưa liệu có tốt cho sức khỏe như nhiều người nghĩ?

BS. Đặng Xuân Thắng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-sai-lam-trong-dieu-tri-viem-da-co-dia-va-cach-khac-phuc-169230327212657107.htm