5 ngôi chùa cổ không thể bỏ qua khi đến Thạch Thất - TP. Hà Nội

Song song với những hoạt động của vòng Chung kết Press Cup 2023 diễn ra tại Học viện Viettel - Thạch Thất, người làm báo có thể ghé thăm những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của địa phương này.

Ngồi lặng yên trên những hàng ghế đá trong khuôn viên chùa lắng nghe tiếng chuông chùa vang vọng, hay thành tâm thắp một nén nhang, đều có thể thấy tâm hồn trở nên nhẹ nhõm, an nhiên hơn. Ở huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội không chỉ có nhiều điểm du lịch mà còn rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng, quanh năm du khách đến đây nườm nượp để vãn cảnh và cầu bình an cho gia đình, cuộc sống thịnh vượng, may mắn.

5 ngồi chùa cổ dưới đây được cho là những điểm đến tâm linh không thể bỏ qua khi đến Thạch Thất.

Chùa Tây Phương - chùa cổ gần 4 thế kỷ: Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt ở Hà Nội

Nằm trên ngọn núi Tây Phương, thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, chùa Tây Phương (hay còn gọi là Sùng Phúc Tự) là ngôi chùa mang giá trị nghệ thuật điêu khắc độc đáo với nhiều pho tượng Phật có giá trị, và là minh chứng của một nền văn hóa lâu đời. Chùa được xây dựng khoảng thể kỷ 8 và là chùa cổ thứ hai sau chùa Dâu ở Bắc Ninh nước ta.

Từ chân núi để lên tới cổng chùa chính phải qua 239 bậc đá ong. Được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam, chùa gồm ba nếp nhà song: Chùa Hạ, chùa Trung, Chùa Thượng, tạo thành một quần thể uy nghi vững trãi. Mái chùa được lợp hai lớp ngói và trạm trổ tinh tế. Tường xây bằng gạch Bát Tràng nung đỏ để trần, kết hợp hài hòa với màu sắc của gỗ đá trong khuôn viên chùa.

Năm 2015, chùa Tây Phương được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 34 pho tượng được công nhận là bảo vật quốc gia.

Chùa Tây Phương có 16 bức tượng vị La Hán được đánh giá là tác phẩm đẹp và bậc nhất của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam. Năm 1940, nhà thơ nổi tiếng Huy Cận đã có dịp làm quen với nhóm tượng La Hán khi đi tìm hiểu di sản văn hóa dân tộc. Sau chuyến ấy đi nhà thơ cứ vấn vương, ám ảnh mãi, đến 20 năm sau (1960), Huy Cận trở lại thăm chùa và sáng tác bài thơ này.

“Các vị La Hán chùa Tây Phương!

Hôm nay xã hội đã lên đường

Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại

Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.

Cha ông yêu mến thời xưa cũ

Trần trụi đau thương bỗng hóa gần!

Những bước mất đi trong thớ gỗ

Về đây, tươi vạn dặm đường xuân”.

Chùa Chi Quan - ngôi chùa cổ linh thiêng

Chùa Chi Quan hay còn có cái tên khác là chùa Long Sơn tọa lạc tại thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất, Thành Phố Hà Nội. Không mang vẻ đẹp đồ sộ, với kiến trúc sặc sỡ, cầu kỳ như nhiều ngôi chùa khác, chùa Chi Quan khiêm tốn khoác lên mình sự đơn sơ, giản gị nhưng vẫn đầy linh thiêng, thanh tịnh.

Nhìn một cách tổng quan, có thể thấy rằng hầu hết công trình của ngôi chùa đều được xây từ gạch ngói rất đỗi thân thuộc chứ không phải bằng đá xanh hay gỗ quý. Bước chân xuống cổng chùa, điều khiến chúng ta ấn tượng chính là cổng rất cao, chừng hơn 5m được tu sửa nhìn xù xì giống như một bức tường thành kiên cố, mang kiến trúc thời phong kiến.

Tuy không phải là ngôi chùa quá nổi tiếng nhưng những vẻ đẹp thiêng liêng đặc trưng của các ngôi chùa xa xưa thì Chùa Chi Quan mang trọn. Do đó chùa không chỉ là nơi thờ tự mà còn là trái tim, tâm hồn của người dân nơi đây.

Chùa Cầu - xây dựng từ thế kỷ 16

Chùa Cầu có tên chữ “Kiều Sơn tự”, nằm trong hệ thống quần thể di tích gồm: Đền, đình, chùa, miếu của thôn Lại Thượng (xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất), có dòng Tích Giang thơ mộng, bốn mùa nước chảy hiền hòa uốn quanh. Chùa Cầu được xây dựng từ thế kỷ 16, vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc cũ.

Tương truyền, chùa Cầu tọa lạc ở xóm Đò xưa (xóm Ngọc ngày nay) là nơi Nhân dân và khách thập phương thường xuyên lui tới cửa thiền thanh tịnh để trao gửi tâm tư, nguyện vọng của mình. Vì “cầu được, ước thấy” nên dân gian quen gọi chùa Cầu.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, biến động xã hội, ngôi chùa xuống cấp nghiêm trọng. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo địa phương, sự ủng hộ của Nhân dân và bà con xóm Ngọc, các phật tử gần xa đã đem tâm công đức tu bổ, tôn tạo và mở rộng khuôn viên của chùa.

Chùa Bến Thôn

Ngôi chùa có tên chữ là Phúc Nghiêm tự, thuộc xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Chùa thờ Phật thuộc phái Tỳ ni đa lưu chi, một tôn phái Phật giáo Đại thừa. Chùa còn thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Sau khi ông mất, nhiều nơi ở đồng bằng Bắc Bộ đã tạc tượng thờ ông trong chùa.

Chùa Thôn Bến nằm cách đình về bên phải khoảng 50m gồm nhà tiền đường, ống muống (thiêu hương) và thượng điện nối liền nhau tạo thành kết cấu hình chữ Công.

Chùa Bảo Quang

Chùa Bảo Quang – tọa lạc ở giữa làng Yên Thôn xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Nằm ở hướng Nam, trên 1 khu đất rộng rãi thoáng đãng, Chùa là 1 nếp nhà song song nằm ngang, nối liền 2 nhà là nhà ống muống, thiêu hương, tạo cho chùa có hình chữ công. Hai nhà nằm ngang, các mái chảy xuống gặp nhau ở 4 góc tạo thành các đao cong lên mềm mại.

Chùa có kiến trúc đơn giản, bào trơn đóng bén, tường xây bằng đá ong loại nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Chùa làm rất thấp, tàu chùa chỉ cách hiên 1,6m (chùa làm thấp là 1 đặc trưng của những ngôi chùa cổ) nhưng nền chùa Bảo Quang lại được đắp lên rất cao, phải qua 7 bậc mới lên đến hè chùa.

Chùa Bảo Quang còn lưu giữ được 3 tấm bia đá cổ, dựng ở 2 bên sườn bái đường và quả chuông “Bảo Quang hồng chung” treo ở Tam Quan. Quả chuông có miệng rộng 52cm, thân chuông cao 70,5cm, có 4 múi.

Chùa Bảo Quang có 52 pho tượng phật, phần lớn bằng đất sét, luyện với trấu xay, phủ sơn. Các pho tượng được tạo tác theo phong cách tả thực khá đẹp và sinh động. Chùa có 4 pho tượng Kim cương ngồi, tứ Kim cương chứ không phải là bát bộ Kim Cương và ngồi chứ không phải là đứng, sát khí đằng đằng như thấy ở các chùa khác, trong đó lại có vị Kim cương ngồi gảy đàn. Chùa Bảo Quang là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở huyện Thạch Thất.

Với cảnh quan hữu tình, mảnh đất giàu giá trị văn hóa, lịch sử… Ban tổ chức Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn toàn quốc - Press Cup đã quyết định chọn Trung tâm thể thao Viettel (Học viện Viettel) tọa lạc tại xã Thạch Hòa- Thạch Thất- Hà Nội làm nơi tổ chức vòng chung kết của mùa giải 2023.

Vòng chung kết Press Cup 2023 diễn ra từ ngày 8 - 10/9 tại với sự tham dự của 12 đội bóng đến từ các cơ quan báo chí trên cả nước không chỉ là cơ hội cho những người làm báo giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết mà còn là dịp quan trọng để tham quan, du lịch, trải nghiệm những điểm di tích, du lịch phong phú tại huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội.

Đặc biệt, đến địa phương của Hà Nội thời gian đầu thu này việc được đến tham quan, trải nghiệm và cầu bình an tại những ngôi chùa cổ của Thạch Thất là điều thú vị và mang nhiều ý nghĩa tâm linh.

Minh Minh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/5-ngoi-chua-co-khong-the-bo-qua-khi-den-thach-that-tp-ha-noi-d193053.html