5 năm liền âm nặng dòng tiền, Nam Mê Kông (VC3) duy trì nhờ huy động vốn và đi vay?

Nam Mê Kông (VC3) liên tục âm nặng dòng tiền trong 5 năm liền kể từ 2018 đến nay. Công ty này phải liên tục bổ sung nguồn vốn bằng cách phát hành cổ phiếu và đi vay.

Doanh thu tài chính sụt giảm, không còn lãi từ hoạt động thanh lý các khoản đầu tư

Trong Quý 2/2023, Nam Mê Kông (VC3) đạt doanh thu 120,9 tỷ đồng, tăng trưởng tương đối so với Quý 2/2022 cho thấy rằng hoạt động kinh doanh của công ty đã có sự hồi phục nhẹ. Lợi nhuận gộp đạt 36,8 tỷ đồng tương đương biên lợi nhuận gộp đạt 30,4%.

Nam Mê Kông (VC3) âm nặng dòng tiền suốt 5 năm liền từ 2018-2022 (Ảnh TL)

Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính của công ty sụt giảm mạnh từ 17,3 tỷ xuống chỉ còn 447,3 triệu đồng. Nguyên nhân lý giải là bởi công ty không còn ghi nhận lãi từ việc thanh lý các khoản đầu tư. Bên cạnh đó, lãi tiền gửi cũng giảm từ 4,4 tỷ xuống chri còn 447 triệu đồng khiến nguồn thu của công ty sụt giảm mạnh.

Hoạt động đầu tư vào công ty liên doanh liên kết cũng đang lỗ 34 triệu đồng. Chi phí bán hàng chỉ chiếm 180 triệu trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn đang chiếm tới 8,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế Quý 2 của VC3 đạt 15,8 tỷ đồng.

Tiền mặt sụt giảm 8,5 lần, 80% tồn kho đang nằm tại dự án Bảo Ninh 2

Tại thời điểm kết thúc Quý 2/2023, tổng tài sản của Nam Mê Kông đạt 3.621,9 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, lượng tiền mặt trong kỳ lại giảm 8,5 lần, từ 49,3 tỷ xuống chỉ còn 5,8 tỷ đồng.

Các khoản tương đương tiền ngược lại tăng từ 83 tỷ lên 321,9 tỷ đồng. Đây đều là khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng tại ngân hàng. Ngoài ra, tồn kho ghi nhận trong tổng tài sản của Nam Mê Kông đang chiếm tới 2.340 tỷ đồng, tương đương với 64,6% tổng tài sản.

Trong đó, lượng tồn kho tính riêng nằm tại Dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2 đang ghi nhận tới 1.847,7 tỷ đồng, tương đương với gần 80% tổng lượng tồn kho mà VC3 đang có. Nếu so với cơ cấu tài sản thì tồn kho của Dự án Bảo Ninh 2 đang chiếm tới 51% tài sản của Nam Mê Kông.

5 năm liền âm nặng dòng tiền, lượng tiền hoạt động từ nợ vay ngày càng gia tăng

Một điều đáng chú ý khác trong hoạt động của Nam Mê Kông đó là trong nhiều năm liền, đơn vị này đều ghi nhận âm nặng dòng tiền trên BCTC. Điều này đồng nghĩa với việc trong nhiều năm trở lại đây, tiền thu về của VC3 không đủ bù cho các hoạt động kinh doanh thường nhật.

Cụ thể thì từ năm 2018 đến hết năm 2020, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của VC3 liên tục âm từ vài chục cho tới cả trăm tỷ đồng. Đỉnh điểm là năm 2018 và năm 2022 với dòng tiền âm lần lượt là 181,6 tỷ và 214,3 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh âm liên tục 5 năm, tiền từ nợ vay của VC3 ngày càng tăng.

Cũng trong 5 năm này, để bù đắp cho dòng tiền bị thiếu hụt, VC3 đã liên tục phải tăng cường vay nợ với lượng ngày càng tăng, đi kèm với đó là những lần phát hành cổ phiếu để lấy tiền mặt đầu tư cho các dự án.

Nguồn tiền từ vay nợ của Nam Mê Kông liên tục tăng theo từng năm từ mức 178,7 tỷ đồng trong năm 2018 lên tới đỉnh 734,6 tỷ đồng trong năm 2022. Như đã nêu phía trên, hơn một nửa tài sản của Nam Mê Kông đang được ghi nhận dưới dạng tồn kho tại dự án Nam Bảo Ninh 2 cho thấy rằng đơn vị này đang phải huy động lượng lớn tiền cho dự án.

Để bù đắp nguồn tiền thiếu hụt trong 5 năm, ngoài việc tăng cường vay nợ, Nam Mê Kông còn thực hiện việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn thêm hàng trăm tỷ đồng. Trong năm 2020 và 2022, VC3 đã phát hành lần lượt 285,7 tỷ và 342,9 tỷ đồng cổ phiếu để lấy vốn đầu tư cho các dự án của mình.

Như vậy, có thể thấy rằng lợi nhuận của VC3 thu về trong suốt 5 năm vừa qua không đủ chi, dòng tiền âm liên tục 5 năm trời khiến đơn vị này phải tăng cường vay nợ và huy động vốn từ việc phát hành thêm cổ phiếu.

Du Uyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/5-nam-lien-am-nang-dong-tien-nam-me-kong-vc3-duy-tri-nho-huy-dong-von-va-di-vay-post264246.html