45 năm hình thành và phát triển

Ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (KSND), đánh dấu sự ra đời của Viện KSND - một hệ thống cơ quan mới trong bộ máy Nhà nước ta. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức ở Trung ương và địa phương; sự ủng hộ của nhân dân, ngành KSND không ngừng phấn đấu, trưởng thành, đã vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Ngành KSND đã góp phần tích cực vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong những năm qua.

Để bảo vệ thành quả cách mạng, tiến hành công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, một hệ thống chính quyền cách mạng từ Trung ương đến địa phương được thành lập. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ban hành Nghị định 09 ngày 23-4-1976 thành lập 21 Viện KSND cấp tỉnh gồm: TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Minh Hải, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cửu Long, Tiền Giang, Long An, Sông Bé, Đồng Nai, Lâm Đồng, Thuận Hải, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Gia Lai - Kontum và Đắk Lắk. Khi mới thành lập, Viện KSND tỉnh Tiền Giang có 35 đồng chí (tỉnh 14, huyện 21).

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Tuy lực lượng còn non trẻ, phần lớn là những chiến sĩ mới rời quân ngũ, chuyển ngành sau chiến tranh, chưa được đào tạo, thiếu kinh nghiệm hoạt động tư pháp nhưng tận tâm với Đảng, tận hiếu với dân, giàu nhiệt huyết, công tâm và kỷ luật cao, vận dụng đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung hoạt động kiểm sát vào mục tiêu giữ vững trật tự trị an, củng cố chính quyền cách mạng, tích cực phục vụ phát triển kinh tế, xây dựng quan hệ sản xuất mới.

Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tiếp nhận trụ sở làm việc của Tòa sơ thẩm Định Tường đã bị xuống cấp, hư hỏng nhiều (là nơi đặt trụ sở Viện KSND tỉnh hiện nay). Đồng thời, do số lượng cán bộ, kiểm sát viên ít nên các hoạt động Đảng, đoàn thể phải ghép chung với các ngành khác: Tòa án, Thanh tra, Tư pháp.

Giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1986: Ngành Kiểm sát có bước phát triển mới cả về tổ chức và hoạt động. Hoạt động kiểm sát trong thời kỳ này chủ yếu là căn cứ vào các Sắc lệnh 02, 03 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, kết quả hoạt động đã góp phần tích cực vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm phản cách mạng, tư sản mại bản, đầu cơ tích trữ và phục vụ chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa. Phương thức hoạt động kiểm sát chủ yếu là tham gia vào các tổ, đoàn trong các đợt công tác phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Lúc này chưa phân biệt được rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng ngành.

Với những thành tích đạt được trong 45 năm xây dựng và phát triển, Viện KSND tỉnh Tiền Giang được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, 14 tập thể cấp phòng và Viện KSND cấp huyện được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 1 tập thể nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, 16 tập thể nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 4 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, 6 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 12 cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trong những năm đầu đổi mới (1986), công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội của Viện KSND đã góp một phần không nhỏ trong công tác phòng ngừa vi phạm, đấu tranh với các loại tội phạm. Bước sang thập niên 90, từ những thành quả đạt được trong quá trình đổi mới, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) tiếp tục vạch ra đường lối phù hợp cho cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đến Đại hội Đại biểu lần thứ VIII, thứ IX và thứ X của Đảng, chúng ta đã từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thời kỳ này có nhiều nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp, như Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức Viện KSND năm 1992, Hiến pháp năm 2002, Nghị quyết 08 ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới, Luật Tổ chức Viện KSND năm 2002 và nhất là Nghị quyết 49 ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Hiến pháp năm 1992 (bổ sung sửa đổi năm 2001) đã thể chế hóa mục tiêu Nghị quyết của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền, xác định đúng đắn vị trí, vai trò, hệ thống các cơ quan tư pháp trong bộ máy Nhà nước, định hướng xây dựng một nền tư pháp dân chủ, vững mạnh, phục vụ nhân dân.

Một trong những nội dung điều chỉnh này là Viện KSND không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội; nhấn mạnh việc tăng cường chức năng thực hành quyền công tố và ghi nhận chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp. Luật Tổ chức Viện KSND năm 2002 đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp, ghi nhận cụ thể, rõ ràng về vai trò của Viện KSND trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Năm 2002, Viện Kiểm sát không còn thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội. Năm 2005, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, chuyên sâu, không còn tham dự tất cả các phiên tòa như trước đó, nhằm tập trung thực hiện tốt hơn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, năm 2012, vị trí, vai trò của Viện Kiểm sát trong lĩnh vực dân sự lại được củng cố, với việc Viện Kiểm sát tham gia hầu hết các phiên tòa, phiên họp.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013, có những nội dung mới quan trọng về chế định Viện KSND; đồng thời, bổ sung, làm rõ hơn những nguyên tắc mới, tiến bộ của tố tụng tư pháp liên quan trực tiếp đến hoạt động của Viện KSND. Xuất phát từ cơ sở pháp lý đó, Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi) năm 2014 đã được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 24-11-2014, gồm 6 chương, 101 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2015.

Cùng với việc điều chỉnh chức năng cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Viện KSND tỉnh Tiền Giang đã không ngừng xây dựng, lớn mạnh trên tất cả các mặt. Đến nay, toàn ngành Kiểm sát Tiền Giang có 9 đơn vị cấp phòng, 11 đơn vị cấp huyện. Ban lãnh đạo Viện KSND tỉnh có Viện trưởng và 3 Phó Viện trưởng; 9/9 đơn vị cấp phòng có cấp Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương; 11/11 đơn vị cấp huyện có Viện trưởng và Phó Viện trưởng. Tổng biên chế hiện có là 220/225, trong đó có 1 kiểm sát viên cao cấp, 62/65 kiểm sát viên trung cấp, 96/102 kiểm sát viên sơ cấp, 33/35 người làm việc hợp đồng theo Nghị định 68/2000 của Chính phủ.

Trong đó, 39 đồng chí có trình độ thạc sĩ, chiếm tỷ lệ 17,3 % trong tổng số biên chế của đơn vị; đang học cao học luật 13 người (chủ yếu là đội ngũ cán bộ trẻ). Trong những năm qua, ngành Kiểm sát Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp.

Ở Viện KSND tỉnh Tiền Giang có Đảng ủy và Ban Cán sự Đảng. Các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Chi hội Luật gia, Hội Cựu chiến binh, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng không ngừng lớn mạnh. Kết quả hoạt động hằng năm của các tổ chức Đảng, đoàn thể Viện KSND hai cấp đều hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào thành tích chung của toàn ngành.

Về cơ sở vật chất, trong thời gian từ khi thành lập đến năm 1994, cả hai cấp kiểm sát đều tiếp quản trụ sở của chế độ cũ. Từ năm 1995 đến nay, được sự quan tâm của Viện KSND Tối cao, sự hỗ trợ của địa phương, trụ sở của Viện KSND hai cấp dần dần được sửa chữa và xây dựng mới.

Đến nay, khu nhà làm việc của Viện KSND tỉnh được xây mới rộng rãi, khang trang; nhiều đơn vị Viện KSND cấp huyện cũng đã được xây dựng trụ sở kiên cố. Trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác từng bước được trang bị, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tiền lương và các chế độ phụ cấp khác được nâng lên, đời sống của cán bộ, kiểm sát viên không ngừng cải thiện, tạo sự phấn khởi chung trong toàn ngành.

Cùng với việc thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, ngành đã chú trọng đổi mới tổ chức bộ máy và quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất đạo đức theo lời Bác dạy: “Mỗi cán bộ Kiểm sát phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đội ngũ cán bộ kiểm sát ngày càng được tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng.

DƯƠNG THANH QUANG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202104/vien-kiem-sat-nhan-dan-tinh-tien-giang-45-nam-hinh-thanh-va-phat-trien-924018/