4 tiếng 'cân não' cứu sống bệnh nhân bị mảnh cưa cắt vào cổ

Bệnh nhân bị mảnh cưa bằng đá mài sắc nhọn văng trúng cổ, cắt đứt khí quản, máu tràn vào đường thở gây tắc nghẽn đường thở, nguy cơ tử vong trong vòng 30 phút. Trường hợp của bệnh nhân được ví như 'chết đuối trên cạn'.

Chiều 10/8, TS.BS CKII Nguyễn Duy Tân, Khoa Ngoại lồng ngực - Tim mạch, BV Thống Nhất cho biết, các bác sĩ tại bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho một trường hợp bị tai nạn lao động nghiêm trọng.

Bệnh nhân Nguyễn Hữu Vân ( 34 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) được người thân đưa đến BV Thống nhất ngày 20/7 trong tình trạng có một vết thương nghiêm trọng ở vùng cổ, suy hô hấp nặng, khạc ra máu, máu ngập đường thở.

Trước đó khoảng 30 phút, anh Vân đang dùng máy cưa để cưa tôn, lưỡi cưa bằng đá mài sắc nhọn thì không may lưỡi cưa bị văng ra, một mảnh lưỡi cưa trúng vào vùng cổ khiến anh Vân ngất lịm, được người nhà nhanh chóng đưa vào bệnh viện.

TS.BS CKII Nguyễn Duy Tân cho biết, ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã nhanh chóng nhận biết nguy cơ tắc nghẽn đường thở trên bệnh nhân nên ngay lập tức đặt nội khí quản, chụp chiếu hình ảnh sau đó gấp rút chuyển bệnh nhân lên phòng mổ.

Khi bệnh nhân được đưa đến phòng mổ, máu đã tràn vào đường thở, các bác sĩ phải nhanh chóng hút máu, đồng thời hội chẩn các liên chuyên khoa gồm: Khoa Ngoại lồng ngực - Tim mạch, Tai mũi họng, Nội soi để xử trí cho bệnh nhân. Sau khi hút máu làm sạch đường thở, các bác sĩ đã quyết định khâu tạo hình khí quản.

Ê kip gồm 10 bác sĩ của các chuyên khoa đã “cân não” suốt 4 giờ đồng hồ để thận trọng khâu cho bệnh nhân, quá trình khâu phải thận trọng, tỉ mỉ để hạn chế đến tối đa nguy cơ hẹp đường thở cho bệnh nhân về sau.

TS.BS CKII Nguyễn Duy Tân đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: T.Thương

Sau phẫu thuật vài ngày, bệnh nhân dần hồi phục.

Sau 20 ngày phẫu thuật, bệnh nhân được nội soi lại lần 2 để đánh giá tình trạng, bệnh nhân hồi phục tốt, không bị hẹp đường thở, bệnh nhân ăn uống tốt.

Hiện nay bệnh nhân đang được hỗ trợ tập vật lý trị liệu đường thở và đường nuốt.

BS Tân cho hay: “Khó khăn của ca phẫu thuật là khi bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ, máu đã tràn vào đường thở gây tắc nghẽn đường thở, nếu không được hút máu làm sạch thông đường thở nhanh chóng thì bệnh nhân sẽ bị tử vong”.

BS Tân khuyến cáo thêm: “Đối với những trường hợp tai nạn lao động tương tự, việc sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng. Bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa vào cấp cứu tại bệnh viện gần nhất, nếu chậm trễ máu sẽ chảy vào đường thở gây tắc nghẽn, tím tái, ngưng thở ngưng tim được ví như “chết đuối trên cạn”.

Thu Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/4-tieng-can-nao-cuu-song-benh-nhan-bi-manh-cua-cat-vao-co-n178552.html