4 thử thách chính của nền kinh tế Pháp trong năm 2024

Thiếu nguồn lao động, sự trỗi dậy của cánh cực hữu, sụt giảm sản xuất, thắt chặt ngân sách là bốn thử thách lớn mà nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu phải đối mặt trước khi đạt được trạng thái ổn định.

Câu chuyện “Thiếu hụt nguồn lao động và Dự luật nhập cư”

Nguồn nhân lực lao động đang thiếu hụt là một trong những thử thách chung của các thành phần nền kinh tế Pháp. Theo một báo cáo của Ủy ban châu Âu vào tháng 7/2023, tình hình này dự kiến tiếp diễn ở cả những ngành đòi hỏi tay nghề cao và thấp. Điều này xảy ra do sự xuất hiện của các ngành nghề mới và nhu cầu thay thế lao động nghỉ hưu.

Nền kinh tế Pháp có khả năng sẽ phải trải qua nhiều thử thách lớn trong năm 2024 – Nguồn: EuroNews

Để giải quyết vấn đề này, cần phải phụ thuộc vào lực lượng lao động nhập cư, những người có thể mang lại những lợi ích kinh tế và bình ổn nền tài chính.

Tuy nhiên, mới đây, các chính trị gia của Nghị viện Pháp đã thông qua các quy định ủng hộ việc kiểm soát nghiêm ngặt tình trạng nhập cư. Dự luật này đã dành được sự ủng hộ từ Đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) và đã được Hạ viện thông qua. Điều này, vô hình chung, trở thành rào cản khó khăn đối với việc tuyển dụng lao động nhập cư để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng như hiện nay.

Sự trỗi dậy của cánh cực hữu

Trong khi sự ủng hộ cánh cực hữu đang lan rộng trên khắp châu Âu thì quy mô của vấn đề này ở Pháp cũng diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Vụ chàng trai Pháp 17 tuổi gốc Algeria bị cảnh sát bắn chết vào tháng 6 năm trước tại ngoại ô Nanterre đã gây ra nhiều cuộc biểu tình và bạo động liên quan đến các thành viên cánh hữu. Có một làn sóng mạnh mẽ trong cộng đồng ủng hộ các ý tưởng cực đoan được khởi xướng bởi các nhóm thuộc cánh hữu, gây nên mối đe dọa lớn cho nước Pháp.

Sự không hài lòng đối với chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron đang lan rộng khiến phe cực hữu giành được sức mạnh ngày càng lớn. Đảng của bà Marine Le Pen dường như đã sẵn sàng để giành được ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 6 tới do lạm phát tăng cao và khủng hoảng chi phí sinh hoạt vẫn đang tiếp diễn.

Sản xuất sụt giảm

Ngành sản xuất của Pháp duy trì ở mức thấp suốt cả năm và đến cuối năm 2023 tình hình suy thoái diễn ra ngày càng trầm trọng hơn. Nếu sản lượng vẫn duy trì ở mức tương tự thì ngành này có nguy cơ phải chịu tình cảnh “Thụt lùi kỹ thuật”.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Ngân hàng Thương mại Hamburg (HCOB) Pháp do S&P tổng hợp đạt 45,7 điểm vào tháng 12, cao hơn mức dự đoán là 44, 3 điểm. Mặc dù đã có chút cải thiện, tăng 0,3 điểm so với tháng trước, song chỉ số này cho thấy, ngành sản xuất của Pháp vẫn chưa hết khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng sụt giảm, hoạt động mua sắm giảm, áp lực năng suất khiến ngành sản xuất Pháp có thể đối mặt với tình trạng thất nghiệp và nguy cơ tụt dốc.

Chính sách “thắt lưng buộc bụng”

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã thông báo rằng Pháp sẽ đối mặt với một cơ chế “siết chặt ngân sách” vào năm 2024. Chia sẻ với truyền thông, ông cho biết rằng, sau khi loại trừ khả năng năng tăng thuế hộ gia đình, ngân sách còn 16 tỷ euro dự trữ để giảm thâm hụt sản lượng kinh tế xuống còn 4,4% trong năm nay. Ngoài ra, khoản ngân sách bao gồm 7 tỷ euro sẽ phục vụ cho việc chuyển đổi xanh và mục tiêu phát thải ròng về 0.

Những hậu quả tiêu cực của biện pháp siết chặt ngân sách dường như đã bị bỏ qua, thay vào đó, ông cho rằng bước đi này là một nỗ lực lớn mà chính quyền đã thực hiện để đạt được một “kế hoạch đầy tham vọng”, đó là phục hồi nền tài chính công.

Nếu nền kinh tế Pháp duy trì việc tăng chi phí đi vay và giảm mức độ tăng trưởng, có khả năng lớn nước này sẽ đối mặt với sự thiếu hụt ngân sách lớn nhất trong các nước ở châu Âu vào năm nay.

Khu vực đồng sử dụng đồng tiền chung euro nhìn chung có khả năng tiếp tục cảm nhận được ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này có thể thấy qua chỉ số PMI toàn cầu do S&P Global công bố. Con số này tiếp tục giảm trong tháng 12, kéo dài chu kỳ suy thoái lên đến 22 tháng.

S&P Global cũng đưa ra đánh giá về chỉ số PMI số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong tháng 12 giảm 0,2 điểm so với tháng trước với mức 48,3 điểm.

Như vậy, năm 2024 sẽ là một năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế các nước châu Âu, trong đó có Pháp. Pháp sẽ phải luôn đặt mình trong tình trạng cảnh giác trong suốt cả năm 2024 để từng bước ổn định lại nền kinh tế.

Thu Thảo (Theo Euronews)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/quoc-te/4-thu-thach-chinh-cua-nen-kinh-te-phap-trong-nam-2024/183359.htm