4 loại mìn được sử dụng nhiều trên chiến trường Ukraine

Trong nhiều trường hợp, quân Ukraine phải bỏ lại xe tăng do phương Tây cung cấp sau khi bị mắc kẹt trong các cánh đồng mà quân Nga rải đầy mìn.

Theo trang Business Insider, Nga đã thiết lập những bãi mìn dày đặc để đối phó cuộc phản công của Ukraine.

Nga đã lập ra những bãi mìn trải dọc theo chiến tuyến kéo dài từ miền nam tới miền đông Ukraine. Một quan chức Ukraine cho hay ở một số nơi trên chiến tuyến, mật độ rải mìn lên tới 5 quả/m2.

Mặc dù mìn đã được sử dụng phổ biến trong các cuộc chiến ở thế kỷ 20 nhưng loại vũ khí này vẫn được sử dụng thường xuyên vì giá rẻ, dễ sản xuất lại có hiệu quả cao trong việc tấn công đối phương.

Mìn nổ mảnh

Mìn nổ mảnh là loại mìn phổ biến nhất, được thiết kế để gây thương tích nặng hoặc tử vong cho quân đối phương. Mìn nổ mảnh được chôn dưới mặt đất chỉ vài cm và thường được kích nổ bằng áp lực nặng 4,9 kg–16 kg, theo trang Howstuffworks.

Mìn PMN-4. Ảnh: ARMAMENT RESEARCH SERVICES

Mìn PMN-4. Ảnh: ARMAMENT RESEARCH SERVICES

Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho biết các nhân viên rà phá mìn đã tìm thấy và vô hiệu hóa mìn nổ PMN-2 và PMN-4 ở Ukraine. HRW mô tả PMN-2 là loại mìn có hình tròn, vỏ bằng nhựa, lưu ý thêm rằng Ukraine đã phá hủy kho dự trữ loại mìn này vào năm 2003.

Một loại mìn khác đã gây ra tranh cãi trong cuộc xung đột Nga-Ukraine là PFM-1, còn gọi là mìn bướm. Loại mìn này được rải với số lượng lớn trên khu vực rộng.

Thân nhựa cỡ nhỏ của PFM-1 chứa khoảng 37 gram chất nổ mạnh dạng lỏng. Mìn PFM-1 bị cấm theo Công ước Cấm mìn sát thương cá nhân (còn gọi là Công ước Ottawa) năm 1997.

Mìn nhảy

Loại mìn này được chôn tại các khu vực trống trải. Khi được kích hoạt chỉ bằng một lực đẩy nhỏ hoặc dây bẫy, quả mìn sẽ được phóng lên không trung ở độ cao gần 1m rồi phát nổ và gây ra thương tích khủng khiếp.

Mìn phân mảnh

Mìn phân mảnh có thể được thiết kế như mìn nhảy hoặc mìn nổ thông thường, Khi phát nổ, loại mìn này sẽ phát tán các mảnh kim loại sắc bay theo nhiều hướng khác nhau, có thể gây thương tích ở khoảng cách 200 m, theo Howstuffworks.

Từ trái qua: Mìn sát thương chống bộ binh OZM 3, OZM 4 và OZM 72. Ảnh: WIKIPEDIA

Từ trái qua: Mìn sát thương chống bộ binh OZM 3, OZM 4 và OZM 72. Ảnh: WIKIPEDIA

HRW cho biết họ phát hiện các quả mìn phân mảnh OZM-72 được sử dụng tại chiến trường Ukraine. Mìn OZM-72 cũng bị cấm theo Công ước Cấm mìn sát thương cá nhân.

Mìn chống tăng

Mìn chống tăng là loại vũ khí có sức công phá mạnh hơn nhiều so với mìn sát thương chống bộ binh. Loại mìn này được thiết kế để gây ra thiệt hại tối đa cho xe tăng bằng cách xuyên thủng lớp bảo vệ và lớp giáp của xe tăng.

Để kích nổ mìn chống tăng cần một áp lực lớn khoảng 158 kg - 338 kg, theo Howstuffworks. Có nhiều loại mìn chống tăng được sử dụng trên chiến trường Ukraine, bao gồm PTM-1 và TM-62M.

Mìn TM-62M. Ảnh: ANADOLU AGENCY/GETTY IMAGES

Mìn TM-62M. Ảnh: ANADOLU AGENCY/GETTY IMAGES

HRW cho biết PTM-1 có hình chữ nhật, thân bằng nhựa, được thả xuống từ máy bay trực thăng hoặc rải xuống từ hệ thống pháo phản lực bắn loạt. HRW còn nhấn mạnh cả Nga và Ukraine đều có nguồn cung cấp loại mìn này.

TM-62M có hình tròn dẹt cỡ lớn, vỏ kim loại, có thể được đặt bằng máy hoặc bằng tay. Cả Nga và Ukraine cũng có dự trữ loại mìn này.

Ukraine phải bỏ lại xe tăng trên chiến trường do bãi mìn dày đặc

Quân đội Nga đã xây dựng hệ thống các bãi mìn dày đặc trong cuộc xung đột, đặc biệt là để đối phó cuộc phản công của Ukraine. Nga đã đặt mìn xuống sâu dưới đất cũng như đặt nhiều quả mìn chồng lên nhau nhằm phá hủy thiết bị rà phá mìn.

Trong một số trường hợp, quân đội Ukraine đã phải bỏ lại xe tăng do phương Tây cung cấp trên chiến trường sau khi những cỗ xe tăng này bị mắc kẹt trong các cánh đồng rải đầy mìn. Điều này khiến xe tăng của Ukraine dễ bị pháo binh Nga nhắm mục tiêu và máy bay không người lái tấn công.

Trong bối cảnh các xe chiến đấu bọc thép như Bradley do Mỹ sản xuất bộc lộ hạn chế rõ ràng trước những bãi mìn do Nga thiết lập, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine – Tướng Valery Zaluzhny đã đề nghị phương Tây cung cấp cho Kiev những máy bay chiến đấu hiện đại như F-16 do Mỹ sản xuất để cải thiện năng lực tấn công.

“Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì chỉ với việc triển khai những chiếc xe tăng có vài lớp giáp bảo vệ vì bãi mìn quá rộng. Không sớm thì muộn xe tăng cũng phải dừng lại và bị tiêu diệt bằng hỏa lực tập trung” – ông Zaluzhny nói với báo The Washington Post.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/4-loai-min-duoc-su-dung-nhieu-tren-chien-truong-ukraine-post746909.html