4 điều cần biết trước khi tiêm trộn hai loại vaccine Covid-19

Theo Ủy ban châu Âu, tiêm trộn các loại vaccine không phải hiện tượng xa lạ, thậm chí được sử dụng nhiều để chống lại các dịch bệnh nguy hiểm, phức tạp.

Theo Ủy ban châu Âu, tiêm trộn vaccine Covid-19 không phải hiện tượng xa lạ, đã được ứng dụng nhiều trong nghiên cứu vaccine HIV, Ebola...
Tiêm hai loại vaccine Covid-19 khác nhau sẽ tạo kháng thể mạnh mẽ và lâu dài hơn
Chưa thể chắc chắn kết hợp vaccine Covid-19 giúp chống lại các biến chủng tốt hơn
Tiêm trộn vaccine Covid-19 vẫn có rất ít nghiên cứu về tính an toàn, hiệu quả, do đó cần đặc biệt chú ý tới các tác dụng phụ có thể gặp.

Trong bối cảnh các nguồn vaccine Covid-19 phân bổ không đều, nhiều quốc gia đã cho phép tiêm kết hợp (tiêm trộn) nhiều loại khác nhau trên cùng một người. Tuy nhiên, điều này vẫn vấp phải nhiều quan điểm trái chiều từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lẫn giới chuyên gia.

Bên ủng hộ cho rằng hiệu quả của vaccine tăng lên đáng kể nhờ tiêm trộn hai loại khác nhau. Nhóm còn lại lo ngại nghiên cứu ít ỏi về hiện tượng này là “vùng tối” tiềm ẩn nguy hiểm tới sức khỏe của con người.

Ủy ban châu Âu (EC - European Commission) đưa ra 4 thông tin người dân cần biết trước khi quyết định tiêm trộn vaccine Covid-19.

Kết hợp các loại vaccine không phải hiện tượng mới

Việc trộn lẫn các loại vaccine khác nhau được gọi là tăng cường nguyên tố dị hợp. Theo Tiến sĩ Pierre Meulien, CEO Sáng kiến Thuốc đổi mới (Innovative Medicines Initiative - IMI), hiện tượng này bắt đầu từ những năm 1990, do các nhà nghiên cứu vaccine HIV khởi xướng. “Về mặt khoa học, đây không phải điều gì mới, thậm chí rất đáng kỳ vọng”, ông Meulien nói.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy vaccine cổ điển không tạo ra cơ chế miễn dịch đủ để đối phó với virus phức tạp như HIV. Họ cố gắng trộn các loại để kích thích miễn dịch của cả tế bào T và B.

Ý tưởng đằng sau việc trộn hai loại vaccine với nhau là đưa kháng nguyên cho hệ miễn dịch theo nhiều cách. Từ đó, miễn dịch sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về kháng nguyên và điều chỉnh cho phù hợp. Giới nghiên cứu cho rằng càng dạy hệ miễn dịch nhiều loại kháng nguyên, nó sẽ càng hoàn thiện.

Tiêm trộn các loại vaccine đã xuất hiện từ những năm 1990. Ảnh: AFP.

Năm 2012, tiêm trộn vaccine đã cho thấy hiệu quả giảm 30% sự lây lan HIV trong thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 3. Đây cũng là cơ sở khiến nhiều người đặt kỳ vọng vào phương pháp tiêm trộn cho những chủng virus nguy hiểm, phức tạp.

HIV cũng là động lực thúc đẩy giới khoa học phát triển các nển tảng vaccine mới như DNA, mRNA, vector virus (adenovirus). Tiến sĩ Frédéric Martinon, Viện Y tế và Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Pháp (INSERM), cho hay trong 30 năm qua, hàng loạt nền tảng phát triển vaccine đã được tạo ra. Nhờ vậy, việc sản xuất vaccine Covid-19 rút ngắn rất nhiều thời gian so với những loại thông thường.

Tại Mỹ, người lớn và trẻ em cũng thường tiêm các phiên bản khác nhau vaccine cúm mùa qua từng năm.

Do đó, giới chuyên gia của Ủy ban châu Âu cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng điều này với vaccine Covid-19 để mang lại hiệu quả khác biệt, đột phá hơn.

Tiêm trộn có thể tạo phản ứng mạnh hơn, lâu dài hơn

Các chuyên gia của EC cho rằng việc kết hợp hai loại vaccine Covid-19 khác nhau mang lại hai lợi ích. Thứ nhất, nó ngăn hệ miễn dịch ức chế vaccine. Thứ hai, công thức tiêm trộn vaccine giúp bảo vệ mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn.

Theo GS Pia Dosenovic, Học viện Karolinska, Thụy Điển, nếu chúng ta tiêm mũi 1 là vaccine dùng công thức vector virus, mũi 2 là vaccine mRNA, cơ thể sẽ được dạy hai cơ chế chống virus, giúp tạo phản ứng mạnh hơn. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng chúng ta phải thực hiện nhiều thí nghiệm hơn để khẳng định chắc chắn và xem hiệu quả mang lại cao hơn bao nhiêu.

Tiêm trộn vaccine AstraZeneca và Pfizer được nhiều quốc gia áp dụng. Ảnh: Reuters.

Vaccine Ebola do Johnson & Johnson phát triển cũng là ví dụ điển hình về việc trộn các loại khác nhau. Mũi tiêm đầu là liều sử dụng vector adenovirus tương tự của vaccine Covid-19 AstraZeneca. Mũi thứ 2 sử dụng phiên bản sửa đổi của loại virus poxvirus có tên Ankara (MVA).

Giáo sư Thíebaut là điều phối viên của chương trình đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vaccine nói trên. Ông khẳng định tình nguyện viên có phản ứng rất tốt. Hai liều vaccine kết hợp giúp tạo kháng thể có tác dụng ít nhất 5 năm.

Trong khi đó, đầu tháng 8, Viện Huyết thanh Quốc gia Đan Mạch công bố nghiên cứu cho thấy việc tiêm trộn liều một vaccine AstraZeneca với liều hai vaccine Pfizer hoặc Moderna đem lại “hiệu quả cao". Dữ liệu thu thập trong 5 tháng (tháng 2-6/2021), cùng thời điểm biến chủng Alpha bùng phát mạnh mẽ ở nước này.

Nghiên cứu thực hiện trên 144.000 người, chủ yếu là nhân viên y tế tuyến đầu, người cao tuổi. Hai tuần sau tiêm, nguy cơ lây nhiễm nCoV của họ giảm 88% so với những người không được tiêm vaccine. Con số này được đánh giá không thấp hơn đáng kể so với hai mũi Pfizer.

Một nghiên cứu khác từ Anh công bố vào tháng 6 phát hiện tiêm trộn vaccine AstraZeneca và các loại có công nghệ sử dụng adenovirus (virus bất hoạt) như Johnson & Johnson hoặc vaccine mRNA (Pfizer, Moderna) đều tạo ra phản ứng chống lại nCoV mạnh hơn khi tiêm hai liều AstraZeneca.

Kết hợp vaccine có thể chống lại các biến chủng không?

Theo tiến sĩ Meulien, mục đích chính để giới nghiên cứu ủng hộ việc tiêm trộn vaccine Covid-19 là giúp tạo miễn dịch tốt hơn, từ đó chống lại biến chủng nCoV mới, ngăn chúng tiếp tục đột biến.

Ở góc độ sức khỏe cộng đồng, GS Thíebaut cho hay việc kết hợp các loại vaccine giúp chúng ta vượt qua đại dịch nhờ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Bởi cách duy nhất để nCoV không có cơ hội sản sinh ra các đột biến, cuộc sống sớm trở lại bình thường là tiêm chủng vaccine. Nếu tiếp tục trì hoãn cùng loại vaccine, họ có thể bỏ lỡ cơ hội tạo tấm khiên bảo vệ khỏi virus.

Song, Giáo sư Dale Godfrey, Viện Doherty, Australia, chúng ta vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn tiêm trộn giúp ngăn chặn biến chủng. "Thông thường lượng kháng thể và tế bào T càng cao, phản ứng miễn dịch càng mạnh, tiêu diệt biến chủng tốt hơn. Cũng có khả năng tiêm hai loại vaccine trên cùng một người giúp chống lại biến chủng. Nhưng tôi cho rằng điều này phải được kiểm tra cẩn thận", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Giới chuyên gia ủng hộ việc tiêm trộn nhưng cũng cho rằng không thể khẳng định điều này là an toàn 100%. Ảnh: BBVA.

Vẫn phải đánh giá tính an toàn và hiệu quả

Một vấn đề đáng quan tâm khi tiêm trộn đó là phản ứng phụ có thể gặp phải. Hiện nay, một số nghiên cứu cung cấp thông tin này, song cũng rất ít ỏi.

Ngày 30/7, Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) cho biết thử nghiệm tiêm trộn liều đầu tiên Sputnik V, liều thứ 2 là AstraZeneca không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Ngoài ra, không tình nguyện viên nào mắc Covid-19.

Trong khi đó, nghiên cứu Com-COV từ Đại học Oxford, Anh, cho thấy tỷ lệ gặp tác dụng phụ nhẹ đến trung bình gia tăng ở hơn 800 người tiêm mũi 1 AstraZeneca, mũi 2 Pfizer. Khoảng 30-40% người được tiêm trộn báo cáo về tình trạng bị sốt sau tiêm mũi thứ 2. Con số này cao gấp 2 lần nhóm tiêm 2 mũi cùng loại. Tuy nhiên, các tác dụng phụ không nghiêm trọng, thường hết sau vài ngày.

Các chuyên gia châu Âu không coi việc tiêm trộn vaccine Covid-19 là nguy hiểm. Song, họ cũng đưa ra lời khuyến cáo chúng ta cần cẩn trọng. Bởi hiện nay có rất ít dữ liệu về việc kết hợp hai loại vaccine Covid-19 khác nhau. Tính an toàn của các công thức kết hợp cần được đánh giá như thử nghiệm lâm sàng khắt khe.

Tiến sĩ Meulien cho hay việc trộn vaccine mRNA với vaccine adenovirus hoặc ngược lại chưa từng có tiền lệ. Vaccine mRNA Covid-19 cũng lần đầu tiên được phê duyệt sử dụng trên người. Bởi vậy, theo ông thử nghiệm đo lường hiệu quả và tính an toàn của các vaccine trộn cũng cần thực hiện từng bước chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo khoa học.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/4-dieu-can-biet-truoc-khi-tiem-tron-hai-loai-vaccine-covid-19-post1261595.html