325 năm Biên Hòa - Đồng Nai: Câu hỏi khó Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Chánh mang theo

Giờ Tỵ ngày Thân năm Quý Mão (ngày 4-11 năm Quý Mão, nhằm ngày 16-12-2023), Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Chánh viên tịch, về với cõi 'vô tung bất diệt', trụ thế 98 năm, 60 hạ lạp; công đức và đạo nghiệp viên mãn; đồng đạo và phật tử tôn kính; hẳn là Hòa thượng mãn nguyện.

Tháp mộ của Thiền sư Nguyên Thiều ở chùa Quốc Ân Kim Cang (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) - một trong những ngôi chùa cổ đầu tiên ở Đồng Nai. Ảnh chụp năm 2016

Tháp mộ của Thiền sư Nguyên Thiều ở chùa Quốc Ân Kim Cang (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) - một trong những ngôi chùa cổ đầu tiên ở Đồng Nai. Ảnh chụp năm 2016

Từ năm 2004, sau nhiều công đức vớt phật sự ở Đồng Nai, Hòa thượng Thích Minh Chánh phát tâm trùng tu tổ đình Quốc Ân Kim Cang tại ấp Bình Lục, xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu. Ngôi chùa này đã có nhiều tài liệu nói đến nhưng chưa đủ rõ, còn nhiều khác biệt với lai lịch truyền khẩu trong dân gian. Câu hỏi đặt ra: Chùa khai sơn từ năm nào? Tháp mộ của Tổ sư Hoán Bích Nguyên Thiều có thực là di tích gốc còn đây?

Đúng là từ các tài liệu trong chính sử triều Nguyễn (Đại Nam liệt truyện tiền biên đời Gia Long, bộ Đại Nam nhất thống chí) đến nghiên cứu của học giả nước ngoài (Léopold Cadìere, 1914) cùng lịch sử Phật giáo cũng như các bài viết đăng in ở nhiều tài liệu; Thiền sư Nguyên Thiều được xác định là tổ sư truyền phái Lâm Tế - Phật giáo vào Đàng Trong với lai lịch và con đường hành đạo rõ ràng: Họ Tạ, pháp danh Nguyên Thiều, sinh ngày 8-7-1648, quê quán ở Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; xuất gia năm 1667, được ban pháp tự là Hoán Bích, pháp hiệu là Thọ Tông, thuộc phái Lâm Tế chính tông đời 33. Ông theo thuyền buôn sang Đại Việt từ năm 1677, đầu tiên trú ở Quy Nhơn, Bình Định, lập chùa Thập Tháp Di Đà, năm 1682 theo lời mời của Chúa Nguyễn Phúc Tần ra hành pháp tại Thuận Hóa, dựng chùa Quốc Ân và tháp Phổ Đồng; được Nguyễn Phúc Trăn cử về Trung Quốc thỉnh tặng sĩ, Phật tượng, pháp khí (1687-1690), được Phủ Chúa trọng dụng như là Quốc sư.

Từ năm 1692, loạn A Ban (Ngô Lãng) nổi dậy, có lẽ Chúa Nguyễn Phúc Chu hoài nghi Thiền sư Nguyên Thiều có liên can nên cử ngài làm trụ trì ngôi chùa nhỏ xa kinh thành (chùa Phổ Thành) ở Hà Trung (Thừa Thiên - Huế). Có nhiều cứ liệu chứng minh đến năm 1694, Thiền sư Nguyên Thiều còn ở chùa Hà Trung. Nhưng sau đó, Thiền sư Nguyên Thiều đi đâu, làm gì, viên tịch thế nào… các tài liệu không nói rõ, còn nhiều cách dẫn giải khác nhau.

Có hai giả thuyết đặt ra cần lời giải đáp khoa học lịch sử khiến Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Chính trăn trở, đi tìm lời giải đáp.

Thứ nhất, theo giả thuyết Thiền sư viên tịch tại Phú Xuân, tháp mộ được tạo dựng ở đó, dẫn giải từ các cứ liệu ở Huế. Tại Huế có 4 nơi khắc ghi công đức Thiền sư là: Bia lăng tháp và chùa Quốc Ân. Bia lăng gắn ở bình phong đề: 敕賜國恩堂上臨濟諱原韶壽宗諱行端老和尚之塔 “Sắc tứ Quốc Ân đường thượng Lâm Tế húy Nguyên Thiều Thọ Tôn thụy Hạnh Đoan Lão Hòa thượng chi tháp”. Long vị ở chùa Quốc Ân đề: 敕賜國恩堂上臨濟正宗三十三世諱原韶上壽下尊老和尚 “Sắc tứ Quốc Ân đường thượng Lâm Tế chánh tông tam thập tam thế húy Nguyên Thiều thượng Thọ hạ Tôn Lão Hòa thượng”. Tại chùa Viên Thông ở phía Tây Nam núi Ngự Bình còn có một bản khắc Chánh Pháp Nhãn Tạng của Ngài Chơn Kim Pháp Lâm thực hiện vào khoảng 1889, thuộc dòng kệ của ngài Minh Hải Pháp Bảo ở chùa Chúc Thánh Quảng Nam lại đề là: 第三十三世諱超白上煥下碧號壽尊和尚 “Đệ tam thập tam thế húy Siêu Bạch thượng Hoán hạ Bích hiệu Thọ Tôn Hòa thượng”. Chùa Hà Trung nơi gắn liền với công trạng của Thiền sư có linh vị và bảo tháp.

Ngoài ra, tại chùa Giác Lâm ở TP.HCM, một ngôi chùa cổ có từ năm 1744, thì long vị đề là: 敕賜國恩堂上臨濟正宗三十三世上煥下碧諱超白老祖和尚“Sắc tứ Quốc Ân đường thượng, Lâm Tế chánh tông tam thập tam thế, thượng Hoán hạ Bích húy Siêu Bạch Lão Tổ Hòa thượng”.

Tâm nguyện của Trưởng lão Hòa thượng vẫn còn vương vấn với câu hỏi khó, ngài đã mang theo.

Một danh nhân được khắc ghi công đức, thờ phụng ở nhiều nơi, ấy là chuyện bình thường. Các tài liệu đã nêu cũng không ghi rõ, sự việc viên tịch và tháp mộ của Thiền sư như thế nào. Đến năm 1729, chúa Nguyễn Phúc Chu cho khắc minh văn vào tháp ở Huế, vẫn gọi là “tháp vọng”.

Thứ hai, giả thuyết Thiền sư Nguyên Thiều khai sơn chùa Kim Cang Vĩnh Cửu, dinh Trấn Biên, viên tịch và xây bảo tháp ở đó. Giả thuyết này, dựa theo chuyện truyền khẩu dân gian ở địa phương và sách Lịch sử Phật giáo Đàng Trong tiếp nối sự việc tiếp theo từ cột mốc 1694-1695. Đến ở chùa Hà Trung được ít lâu, Thiền sư vào đất Đồng Nai ẩn tích và hoằng hóa cho những lưu dân người Việt và người Hoa đã đến làm ăn sinh sống ở nơi ấy. Sau đó, Thiền sư lập chùa Kim Cang ở ấp Bình Thảo, thuộc dinh Trấn Biên. Nhiều thế hệ học trò trưởng thành từ đây, nối đời Lâm Tế thứ 34 trở về sau.

Thiền sư Nguyên Thiều lâm bệnh, viên tịch tại chùa Kim Cang (Đồng Nai) ngày 19-10 năm Mậu Thân (tức 20-11- 1728), thọ 80 tuổi. Sau đó, đồ chúng lập tháp chứa di cốt của sư ở trong khuôn viên chùa. Trước khi mất, Thiền sư họp môn đồ, dặn dò mọi việc và truyền bài kệ Hán văn.

Phiên âm

Tịch tịch kính vô ảnh

Minh minh châu bất dung

Đường đường vật phi vật

Liêu liêu không vật không.

Dịch nghĩa

Lặng lẽ gương không chiếu bóng

Sáng trưng ngọc chẳng thu hình

Rõ ràng vật không phải vật

Mênh mông không chẳng là không.

(Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử luận)

Tháng Tư năm Kỷ Dậu (1729), chúa Nguyễn Phúc Chú ban thụy hiệu cho Thiền sư là Hạnh Đoan Thiền sư và làm bài minh cho khắc vào bia dựng tại "tháp vọng" ở Huế.

Theo Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, chùa Kim Cang tồn tại từ lúc khai sơn, đến năm 1946, bị chiến tranh thiêu hủy hoàn toàn, chỉ còn lại duy nhất long vị bằng đá. Mãi đến năm 1968, tín đồ Phật giáo và hương chức trong địa phương hợp sức tái lập chùa Kim Cang và miếu Thanh Long thành chùa Kim Long, cung thỉnh Thượng tọa Thích Minh Lượng ở Thủ Đức về trụ trì.

Hòa thượng Thích Minh Chánh

Hòa thượng Thích Minh Chánh

Thượng tọa Thích Minh Lượng căn cứ vào lịch sử hoằng hóa của Tổ sư Nguyên Thiều lặn lội phát hoang, đào xới, phát hiện bia ký ghi “chữ Quốc Ân Kim Cang đường thượng”, tiếp theo là di tích bảo tháp Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch và bảo tháp thứ hai có thể là của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri. Giải mã long vị bằng đá, được biết dòng chữ "Kim Cang đường thượng tam thập tứ thế húy Minh Vật Nhất Tri Hòa Thượng giác linh chi vị" đúng là học trò truyền nhân của Thiền sư Nguyên Thiều.

Thượng Tọa Thích Minh Lượng đã phát nguyện tôn tạo, duy trì di tích lịch sử vô giá, nhưng chỉ đủ sức trùng tu được một tháp của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch, còn tháp thứ hai chưa tiến hành được; phải đợi cơ quan khảo cổ tỉnh Đồng Nai khai quật, khảo sát hoặc hội thảo khoa học mới mong khẳng định giá trị chân thực. Sự đợi chờ này vô định, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Chánh day dứt, không kịp tìm được câu trả lời. Cho nên mang theo câu hỏi khó!

Huỳnh Văn Tới

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202312/325-nam-bien-hoa-dong-nai-cau-hoi-kho-truong-lao-hoa-thuong-thich-minh-chanh-mang-theo-ddc0029/