30 dự án được đề xuất thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập

Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép 2 bộ và 12 tỉnh được tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập tại 30 dự án.

Bộ KH&ĐT đang dự thảo Nghị quyết Quốc hội về thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập. Trong đó, bộ này cho rằng việc thí điểm trên sẽ tạo điều kiện cho các dự án đáp ứng tiến độ.

Công tác mặt bằng là điểm nghẽn tại các dự án

Thời gian qua, công tác GPMB được xem là một trong số những "điểm nghẽn" đối với việc thực hiện các dự án đầu tư công. Hậu quả là ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án, từ đó giảm hiệu quả đầu tư và tăng chi phí xây dựng, lắp đặt, vận hành dự án.

Công tác GPMB kéo dài có thể làm thay đổi mức giá đất, đơn giá đền bù... Từ đó làm đội vốn dự án, phải điều chỉnh dự án, làm giảm hiệu quả nguồn vốn.

Thêm vào đó, dự án chậm bàn giao mặt bằng làm phát sinh các vướng mắc, rủi ro, tranh chấp pháp lý, có thể tác động đến tâm lý, đời sống người dân bị ảnh hưởng, gây ra khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến niềm tin xã hội và tính chấp hành, kỷ cương của pháp luật.

Từ thực tế trên, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT xây dựng nghị quyết Quốc hội để tách công tác GPMB nhằm đẩy nhanh công đoạn này.

Qua nghiên cứu, Bộ KH&ĐT nhận thấy việc tách công tác GPMB ra khỏi dự án đầu tư công không phải là nội dung mới, đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và thí điểm đối với một số dự án. Chẳng hạn dự án sân bay Long Thành, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 - TP.HCM.

Sân bay Long Thành được thí điểm tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập nhưng địa phương triển khai rất chậm. Ảnh: VŨ HỘI

Tuy nhiên, bộ đánh giá tình hình thực hiện công tác GPMB không đồng đều, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt. Điển hình dự án sân bay Long Thành tiến độ bàn giao mặt bằng về cơ bản không đáp ứng yêu cầu, Chính phủ đã phải nhiều lần báo cáo Quốc hội để kéo dài thời gian thực hiện. Trong khi đó, dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án Vành đai 3 -TP.HCM ... lại thực hiện tốt ở một số tỉnh.

Từ kết quả trên, Bộ KH&ĐT nhận thấy tính quyết định của công tác GPMB nằm ở việc tổ chức thực hiện. Đơn vị nào chuẩn bị các điều kiện cho việc GPMB được thực hiện kỹ càng, công tác đôn đốc, chỉ đạo đi kèm với phân cấp, phân quyền được thực hiện sát sao sẽ thực hiện tốt và ngược lại.

Dù vậy, Bộ KH&ĐT khẳng định việc tách công tác GPMB thành dự án độc lập vẫn có hiệu quả trong việc đẩy nhanh thu hồi đất, giảm bớt các tác động tiêu cực có thể xảy ra. Tuy nhiên, để hiệu quả việc tháo gỡ các vướng mắc này cần được thông qua các giải pháp mang tính căn cơ, cả về hoàn thiện quy định pháp luật liên quan và tổ chức triển khai trên thực tế thì quyết tâm của người đứng đầu và bộ máy thực hiện là rất quan trọng.

Cần mở rộng thí điểm

Từ thực tiễn đã triển khai, Bộ KH&ĐT nhận thấy cần mở rộng quy mô thí điểm để đánh giá một cách tổng thể. Theo đó, bộ đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương đề xuất các dự án để Chính phủ trình Quốc hội xin thí điểm.

Đến hết tháng 4, đơn vị nhận được đề xuất của 13 bộ, cơ quan trung ương và địa phương, với tổng cộng 44 dự án, trong đó có 9 dự án chưa có chủ trương đầu tư được phê duyệt.

Tổng mức đầu tư của các dự án trên 22.181 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước là hơn 21.876 tỉ đồng (vốn ngân sách Trung ương trên 3.524 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 18.064 tỉ đồng). Số vốn bố trí cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB của các dự án nêu trên là trên 9.582 tỉ đồng.

Căn cứ các tiêu chí lựa chọn là những dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ KH&ĐT nhận thấy các bộ, địa phương đều cam kết có kế hoạch triển khai cụ thể, chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư và dự án GPMB độc lập được tách riêng, bảo đảm nguồn vốn để thực hiện trong thời gian thí điểm.

Riêng Hải Phòng đề nghị cho phép không điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với bốn dự án nếu được cho phép tách công tác GPMB thành dự án độc lập. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT không tiếp thu nội dung này do kiến nghị của Hải Phòng là văn bản của UBND TP, chưa có ý kiến của HĐND TP là cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Căn cứ các nguyên tắc, tiêu chí trên, Bộ KHĐT đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm đối với 30 dự án. Trong đó, các dự án địa phương triển khai phần lớn là những dự án giao thông.

Theo một chuyên gia giao thông, việc tách công tác GPMB ra khỏi dự án đầu tư không thể giải quyết toàn bộ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư nếu không xử lý được các bất cập của chính công tác GPMB. Tuy nhiên, việc tách riêng công tác GPMB sẽ đạt được một số lợi ích trong thực tế đối với dự án đầu tư công.

“Chẳng hạn tạo điều kiện triển khai công tác GPMB ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án có phạm vi sử dụng đất rõ ràng, thực hiện đồng thời với các bước khác, đẩy nhanh thời gian hoàn thiện dự án, giảm chi phí GPMB và hạn chế việc phải điều chỉnh dự án…”- vị chuyên gia này cho hay.

Cùng một chủ trương nhưng kết quả lại khác nhau

Theo Bộ GTVT, thời gian qua Hà Nội và TP.HCM đã thực hiện thí điểm tách công tác GPMB thành dự án độc lập ở dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 - TP.HCM.

Kết quả tính đến hết năm 2023 cho thấy, các tỉnh thực hiện đường Vành đai - Vùng thủ đô Hà Nội đã tiến hành thu hồi được 1.322/1.395 ha (đạt 95%). Kết quả triển khai mặc dù chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ là hoàn thành thu hồi toàn bộ trước ngày 31-12-2023, tuy nhiên đây là kết quả khá tích cực.

Còn dự án Vành đai 3- TP.HCM đến hết năm 2023 đã thực hiện thu hồi khoảng 595/660 ha (đạt 90%). Nhìn chung, hai tỉnh TP.HCM, Long An triển khai công tác GPMB cơ bản đáp ứng yêu cầu thi công, tuy nhiên chưa đáp ứng yêu cầu bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 31-12-2023 của Chính phủ.

Còn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai chậm bàn giao mặt bằng cho dự án.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/30-du-an-duoc-de-xuat-thi-diem-tach-giai-phong-mat-bang-thanh-du-an-doc-lap-post788428.html