3 trường tốp đầu: Mở ngành mới, tăng chỉ tiêu, thay đổi phân nhóm tuyển sinh

Các trường đại học tốp đầu gồm ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ có nhiều thay đổi trong phương án tuyển sinh năm 2024. Đây là những điểm thí sinh cần đặc biệt lưu ý để lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp.

Nhiều trường đại học tốp đầu có thay đổi trong phương án tuyển sinh 2024 (Ảnh: HUST)

ĐH Bách khoa Hà Nội: Tăng chỉ tiêu

Theo thông tin mới công bố của ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay, trường dự kiến tuyển sinh hơn 9.200 chỉ tiêu với 64 chương trình đào tạo; trong đó 36 chương trình đại trà; 23 chương trình chất lượng cao; 2 chương trình PFIEV; 3 chương trình liên kết đào tạo quốc tế (thêm 1 ngành mới là Quản lý giáo dục).

ĐH Bách khoa Hà Nội sử dụng các phương thức tuyển sinh: Xét tuyển tài năng (XTTN) khoảng 20%; xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy (ĐGTD) khoảng 30%; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 (THPT) khoảng 50%. Tỷ lệ dành cho xét tuyển bằng điểm thi đánh giá tư duy (ĐGTD) tăng; thêm 1 chương trình mới là quản lý Giáo dục.

Trường cũng tăng số đợt thi ĐGTD lên 6 đợt tại 20 điểm thi trên 10 tỉnh/thành phố cả nước.

Các khối ngành có thể sử dụng kết quả kỳ thi ĐGTD của ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển đại học năm 2024: Các khối ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ; các khối ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng; khối ngành y, dược.

Với phương thức xét tuyển tài năng, Bách khoa Hà Nội tiếp tục xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level, AP và IP, đồng thời xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.

Các thí sinh sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển cần có điểm trung bình học tập từng năm lớp 10, 11 và 12 từ 8 trở lên.

Với cách xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn, thí sinh cần có điểm trung bình học tập các môn văn hóa (trừ môn thể dục và giáo dục quốc phòng an ninh) từng năm lớp 10, 11, 12 từ 8 trở lên và đáp ứng ít nhất một trong các điều kiện: được chọn thi học sinh giỏi quốc gia; có giải thưởng cấp tỉnh môn toán, lý, hóa, sinh, tin, ngoại ngữ; được chọn thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, Đường lên đỉnh Olympia vòng thi tháng trở lên; là học sinh hệ chuyên.

Thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.0 trở lên hoặc tương đương được đăng ký xét tuyển vào các ngành ngôn ngữ Anh, kinh tế - quản lý, công nghệ giáo dục, quản lý giáo dục.

Với phương thức xét theo điểm thi ĐGTD và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần đạt ngưỡng điểm sàn do trường quy định.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: Thay đổi phân nhóm thí sinh

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vừa thông tin về những thay đổi trong phương thức xét tuyển kết hợp theo hướng chia làm 3 nhóm đối tượng.

Nhóm 1 là thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT hoặc ACT. Điều kiện về điểm tối thiểu với hai chứng chỉ này giữ nguyên: SAT từ 1200 điểm, ACT từ 26 điểm và còn thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2024.

Nhóm 2 là thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (HSA), điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (APT), điểm thi ĐGTD của ĐH Bách khoa Hà Nội (TSA), chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với một trong các điểm thi HSA/APT/TSA.

Điều kiện nhận hồ sơ cũng không thay đổi: HSA từ 85 điểm, APT từ 700 điểm, TSA từ 60 điểm, IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160 &W 150) trở lên kết hợp với điểm HSA/APT/TSA.

Chỉ tiêu cho nhóm đối tượng này là 45% theo mã tuyển sinh và theo tổng chỉ tiêu.

Nhóm 3 là thí sinh sử dụng kết hợp điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Điều kiện nhận hồ sơ là IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160, W 150) trở lên và có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của môn Toán và 1 môn khác môn tiếng Anh thuộc các tổ hợp xét tuyển của trường. Chỉ tiêu cho nhóm này là 30% theo mã tuyển sinh và theo tổng chỉ tiêu.

Như vậy, so với cách phân nhóm trước đây, hiện nhóm 1 đã được tách thành hai nhóm: nhóm dùng chứng chỉ chuẩn hóa quốc tế SAT/ACT và nhóm dùng chứng chỉ Việt Nam HSA/APT/TSA.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Mở 2 ngành đào tạo mới

Theo Quyết định mới ban hành của Bộ GD&ĐT, năm 2024, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được Bộ cho phép đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên trình độ đại học.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ thực hiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, cấp bằng theo các quy định hiện hành; đánh giá chất lượng và kiểm định chương trình đào tạo theo quy định tại Khoản 5 Điều 33 Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung).

Hiện, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được phép đào tạo 29 ngành sư phạm (bao gồm cả ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý; Khoa học tự nhiên) và 16 ngành ngoài sư phạm.

Năm nay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sử dụng 5 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Xét tuyển thẳng; Xét học bạ THPT; Thi tuyển (thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực); Kết hợp thi tuyển và xét tuyển.

Trường xét tuyển thẳng các thí sinh thuộc đối tượng xét tuyển thẳng được quy định tại khoản 1, 2, điều 8 của Quy chế tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non của Bộ GD&ĐT (gọi tắt là diện XTT1). Thí sinh phải nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi chuyển phát nhanh về Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Ưu tiên cộng điểm hoặc phỏng vấn xét tuyển thẳng nếu thí sinh có viết bài luận đạt kết quả tốt. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ tổ chức thi các môn năng khiếu đối với thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục Mầm non và Giáo dục Mầm non – Sư phạm Tiếng Anh.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/3-truong-top-dau-mo-nganh-moi-tang-chi-tieu-thay-doi-phan-nhom-tuyen-sinh.html