3 sai lầm cần tránh khi thay đổi công việc

Thay đổi công việc nhìn chung là một quá trình tương đối tốn thời gian và phức tạp bởi bạn cần xem xét đến nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan, chẳng hạn như khả năng cá nhân, định hướng tương lai, môi trường làm việc mới,... Nếu không cân đo đong đếm một cách kỹ lưỡng, bạn sẽ rất dễ mắc sai lầm.

Không trang bị đầy đủ kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết

Thay đổi nghề nghiệp là quyết định lớn có thể ảnh hưởng đến cả sự nghiệp lẫn cuộc sống của bạn. Trong trường hợp bạn không có đủ kỹ năng, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cần thiết thì có thể mắc những sai lầm nghiêm trọng. Do vậy nếu muốn thành công, bạn phải tìm cách chuyển những hiểu biết bạn đã học được từ hiện tại thành kinh nghiệm nền cho nghề nghiệp mới.

Trước lúc rời bỏ công việc hiện tại và tìm việc mới trên các trang web tìm việc tốt nhất thì nên dành thời gian để nhận diện được mục tiêu, tìm hiểu những kỹ năng cần thiết để phát triển ở vị trí mới. Đồng thời, bạn cũng cần nghiên cứu thêm thông tin về các khóa đào tạo nhằm bổ sung cho mình các chứng chỉ liên quan giúp hồ sơ của bạn chất lượng hơn, đặc biệt khi chuyên môn hiện tại của bạn không dễ chuyển việc. Ngoài ra, bạn cũng nên cố gắng dành thời gian làm những công việc tạm thời, thực tập, tình nguyện trong lĩnh vực mới trước khi bạn bỏ hẳn việc hiện tại.

Không có định hướng rõ ràng về công việc mong muốn

Yếu tố quan trọng nhất có ảnh hưởng khi lựa chọn thay đổi công việc là bạn biết tự đánh giá về những điều bạn thích, không thích, giá trị và quan điểm cá nhân. Không nên lao ngay vào công việc mới khi chưa từng xem xét mọi khả năng có thể và bạn chưa có cái nhìn tổng quát về công việc mong muốn. Nếu bạn chỉ muốn thay đổi mà không tự đánh giá và suy nghĩ đầy đủ thì nó có thể khiến bạn chọn lấy một công việc không thể mang lại sự thỏa mãn hơn hiện tại. Và điều này sẽ làm bạn cảm thấy không thoải mái, mất định hướng trong cuộc sống, hiệu suất làm việc cũng không thể tối ưu.

Do vậy, trước khi quyết định thay đổi nghề nghiệp hãy xác định rõ bạn thực sự muốn gì. Tiếp theo, bạn hãy tự xác định bạn là ai, những thứ muốn gắn bó và thực sự thích làm gì để tìm ra được một định hướng nghề nghiệp phù hợp và đáng theo đuổi nhất.

Cách đơn giản nhất là tự đặt cho mình một số câu hỏi như: Bạn muốn phát triển kỹ năng hay năng khiếu gì? Bạn nghĩ mình phát huy tốt nhất khả năng trong môi trường ra sao, với những loại người nào? Những giá trị, phẩm chất nào cần thiết trong công việc đó? Bạn muốn đối đầu với thách thức loại nào? Mức lương, thưởng tối thiểu bạn sẵn sàng chấp nhận là bao nhiêu?...

Một khi đã xác định được thực chất những gì mình muốn bước kế tiếp là tìm loại hình công việc phù hợp với phong cách và nhu cầu bản thân. Ngay cả khi đã đến bước này, bạn cũng nên tìm hiểu rõ công việc đó sẽ khiến cuộc sống của bạn ra sao và đó có phải điều bạn muốn hay không.

Chưa chuẩn bị chu đáo mặt tài chính trước khi đổi việc

Tài chính là một trong những vấn đề mà bạn cần phải cân nhắc trước đi có ý định nghỉ việc và tìm một nơi công tác mới. Trên thực tế, không ít người đã nghĩ đến chuyện nghỉ việc nhưng lại không cân nhắc kỹ họ sẽ lấy nguồn chi từ đâu để trang trải các chi phí sinh hoạt cá nhân trong thời gian chuyển đổi từ việc cũ sang việc mới. Bởi vì không phải lúc nào việc chuyển đổi cũng nhanh chóng, suôn sẻ, đôi khi quá trình này sẽ kéo dài trong vòng 1-2 hoặc thậm chí 6 tháng nếu không thể ứng tuyển vào một vị trí phù hợp.

Trong trường hợp bạn không chuẩn bị khoản tiền dự phòng, bạn sẽ rơi vào tình trạng stress về tài chính, từ đó chỉ mong muốn tìm ngay một công việc có thể mang đến thu nhập dù có thể nó không thực sự là một cơ hội tốt. Vậy mục đích đổi việc cũng như các dự tính tương lai của bạn đều khó có thể thực hiện.

Do vậy, lời khuyên cho bạn rằng hãy dành thời gian để nghiên cứu một cách nghiêm túc về quá trình chuyển đổi, hay trao đổi với những người có kinh nghiệm trong ngành bạn đang muốn gia nhập. Điều này có thể giúp bạn hiểu rõ những yêu cầu cần thiết về mặt tài chính trong những tháng đầu nghỉ việc cũng như làm quen với công việc mới. Nếu bạn chưa có chút vốn liếng nào, tốt nhất hãy đợi đến khi có thể tích lũy hoặc vay mượn được từ gia đình, người thân để không phải “chật vật” trong khi chuyển việc. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ cảm thấy yên tâm và có thời gian thoải mái để cân nhắc những vị trí mới một cách thấu đáohơn.

Nếu bạn đã lên kế hoạch tốt, phòng tránh những sai lầm khi thay đổi công việc như trên theo như đã lưu ý thì cơ hội tiếp cận công việc mới chắc chắn sẽ dễ dàng hơn. Chúc bạn thành công!

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/3-sai-lam-can-tranh-khi-thay-doi-cong-viec-140276.html