3 con khỉ đưa về Vườn quốc gia Phong Nha là loài nguy cấp

Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng mới tiếp nhận một cá thể khỉ mặt đỏ và 2 cá thể khỉ vàng. Đây là 2 loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Người dân ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình tự nguyên giao nộp một cá thể khỉ mặt đỏ và 2 cá thể khỉ vàng cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật (CHBT&PTSV) thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Cụ thể, bà Hồ Thị Hồng (ở thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hóa) phát hiện cá thể khỉ mặt đỏ trong lúc đi làm rẫy vào cuối năm 2023. Sau đó, bà mang nó về nhà nuôi, chăm sóc. Sau khi được Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa tuyên truyền vận động, bà đã tự nguyện giao nộp cá thể khỉ quý hiếm trên cho Trung tâm CHBT&PTSV thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cứu hộ, chăm sóc.

Trong khi đó, 2 cá thể khỉ vàng lần lượt được bà Trương Thị Hương Sơn (ở tiểu khu 3, thị trấn Đồng Lê) và bà Nguyễn Thị Mỹ Tre (ở thôn 4 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa) giao nộp sau khi được lực lượng kiểm lâm huyện này tuyên truyền, vận động.

Tại thời điểm Trung tâm CHBT&PTSV thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng tiếp nhận, cá thể khỉ mặt đỏ nặng 1 kg và 2 cá thể khỉ vàng lần lượt là 5 kg và 6 kg. Cả 3 cá thể khỉ này đều bị suy giảm sâu tập tính hoang dã.

Do vậy, sau khi tiếp nhận, Trung tâm sẽ nuôi dưỡng và huấn luyện 3 cá thể khỉ quý, hiếm trên để chúng phục hồi tập tính hoang dã trước khi thả về tự nhiên.

Khỉ mặt đỏ có tên khoa học là Macaca arctoides. Đây là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB, được quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ và nghiêm cấm các hành vi săn bắt, khai thác, vận chuyển và buôn bán trái phép.

Phân bố chủ yếu ở Nam Á và Đông Nam Á, khỉ mặt đỏ thường sống trong các khu rừng thấp, gió mùa, rừng khô và các khu rừng rậm trên núi cao tới 2.000m so với mực nước biển.

Tại Việt Nam, loài khỉ mặt đỏ phân bố khắp cả nước như: Lai Châu (huyện Tuần Giáo, Quỳ Nhai, Kim Sơn, Mường Tè, Sìn Hồ), Lào Cai (huyện Sa Pa), Sơn La (huyện Mộc Châu, Sông Mã), Hà Giang, Đắk Lắk (huyện Krông Nô, Đắk Mil, Ea Sup, Mdrak).

Đặc điểm nổi bật của khỉ mặt đỏ là mặt của nó phần lớn có màu đỏ. Bộ lông màu màu nâu sẫm nhưng đôi khi biến đổi từ đen sang đỏ. Lông trên đỉnh đầu thường tỏa ra các phía xung quanh còn lông ở hai bên má tỏa ra phía sau.

Khỉ vàng có tên khoa học là Macaca mulatta. Giống khỉ mặt đỏ, đây cũng là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB.

Tại Việt Nam, khỉ vàng được ghi nhận phân bố tại một số tỉnh thành ở Việt Nam bao gồm: Quảng Ngãi, Đà Nẵng...

Loài khỉ vàng thường sống theo đàn và mỗi đàn có từ 10 - 15 cá thể. Con đầu đàn là 1 cá thể đực. Chúng hoạt động ban ngày, phạm vi hoạt động cả dưới đất lẫn trên cây. Thức ăn của loài khỉ quý hiếm này gồm các loại quả, hạt, lá cây...

Mời độc giả xem video: Khỉ hoang thản nhiên cầm chai rượu uống cạn rồi cười khúc khích.

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/3-con-khi-dua-ve-vuon-quoc-gia-phong-nha-la-loai-nguy-cap-1967077.html