'3 bám, 4 cùng' giữ bình yên nơi biên cương

Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả phương châm '3 bám, 4 cùng' với đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực biên giới của các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, cho nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ ổn định. Từ đó, giúp đồng bào thay đổi nhận thức, xóa bỏ dần hủ tục, chung tay xây dựng cuộc sống bình yên, vươn lên phát triển kinh tế-xã hội.

Gia đình anh A Hai (thôn Măng Tách, xã Đắk Long) có tiền xây nhà mới nhờ phát triển kinh tế sau khi được bộ đội biên phòng hướng dẫn sản xuất.

Gia đình anh A Hai (thôn Măng Tách, xã Đắk Long) có tiền xây nhà mới nhờ phát triển kinh tế sau khi được bộ đội biên phòng hướng dẫn sản xuất.

Tỉnh Kon Tum có đường biên giới quốc gia dài hơn 292km, tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia. Khu vực biên giới của tỉnh gồm 13 xã thuộc bốn huyện: Đắk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai, là nơi sinh sống của 24 dân tộc anh em. Trên địa bàn tỉnh hiện có năm tôn giáo với hơn 11 nghìn tín đồ. Trước năm 1999, hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể thôn, xã biên giới chưa đi vào nền nếp, tỷ lệ hộ đói, nghèo cao, khoảng 30% số dân mù chữ, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu...

Xuất phát từ thực tế trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum bám sát vào Nghị quyết số 24-NQ/ĐU, ngày 20/12/1998 của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng, Đề án số 99 ngày 20/11/1998 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương triển khai đội ngũ cán bộ bộ đội biên phòng tăng cường giúp các xã biên giới trong tỉnh. Theo đó, từ nhiệm kỳ 2000-2005, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã bố trí cán bộ tăng cường đến tất cả các xã biên giới và đều giữ các chức vụ chủ chốt của xã, được chính quyền và đồng bào sở tại tín nhiệm cao. Đến nay, nhiệm kỳ 2020-2025, có 13 đồng chí bộ đội biên phòng tăng cường cho 13 xã biên giới, trong đó có ba đồng chí giữ chức phó bí thư đảng ủy xã.

Cán bộ, chiến sĩ bộ đội Đồn Biên phòng Sa Loong cùng anh A Đam,Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Giang Lố 2 đi kiểm tra đời sống sạch-đẹp nơi dân cư.

Cán bộ, chiến sĩ bộ đội Đồn Biên phòng Sa Loong cùng anh A Đam,Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Giang Lố 2 đi kiểm tra đời sống sạch-đẹp nơi dân cư.

Sa Loong là một xã biên giới nghèo, đặc biệt khó khăn của huyện Ngọc Hồi. Toàn xã có sáu thôn, trong đó hai thôn Giang Lố 1 và Giang Lố 2 nhân dân theo Công giáo; thôn Bun Ngai có một số người theo đạo Tin lành. Ở thôn Giang Lố 2, vào năm 2003 xuất hiện tà đạo Hà Mòn và đã có 53 hộ với 200 khẩu theo tà đạo này khiến cuộc sống bị đảo lộn, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Thiếu tá Phạm Huy Thắng, cán bộ tăng cường xã Sa Loong của Đồn Biên phòng Sa Loong, nhớ lại: Để xóa bỏ tà đạo Hà Mòn, giúp người dân tin tường vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chúng tôi hằng ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương, với đồng bào dân tộc thiểu số để vận động. Đến năm 2017, nhờ công tác tuyên truyền, vận động của các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn, đặc biệt là lực lượng biên phòng, tà đạo Hà Mòn đã hoàn toàn bị xóa bỏ.

Cán bộ, chiến sĩ bộ đội Đồn Biên phòng Sa Loong hướng dẫn bà con kiểm tra lúa mới.

Cán bộ, chiến sĩ bộ đội Đồn Biên phòng Sa Loong hướng dẫn bà con kiểm tra lúa mới.

Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Giang Lố 2, A Đam nói: Nhờ cán bộ, chiến sĩ biên phòng xuống tuyên truyền, vận động, bà con đã quay lại đạo chính thống để sinh hoạt. Các chiến sĩ biên phòng còn chỉ cho bà con cách trồng cà-phê, cao-su, đời sống ngày càng khá giả nên bà con rất tin, quý bộ đội biên phòng.

Còn tại xã Đắk Long, huyện Đắk Glei, những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan là rào cản phát triển kinh tế-xã hội. Đồn Biên phòng Đắk Long đã phối hợp cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn để tuyên truyền đến người dân, xóa bỏ hoàn toàn các hủ tục. Thượng tá Nguyễn Văn Ngự, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đắk Long cho biết: Chúng tôi kiên trì thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng” để hiểu phong tục, tập quán, từ đó phân tích cho bà con thấy những hủ tục ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất. Phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản kiên trì tuyên truyền để bà con nghe, hiểu và làm theo.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Long hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cà-phê cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Đăk Long.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Long hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cà-phê cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Đăk Long.

Nhờ những chủ trương đúng đắn và việc gần dân, hiểu dân của bộ đội biên phòng cho nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới tỉnh Kon Tum hiện nay cơ bản ổn định, người dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chính quyền các địa phương cũng quan tâm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú cho đồng bào, qua đó góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn.

Bài và ảnh: Phúc Thắng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/3-bam-4-cung-giu-binh-yen-noi-bien-cuong-post729548.html