3,66% cơ quan báo chí chuyển đổi số xuất sắc

Báo Người Lao Động nằm trong top 10 cơ quan báo chí được đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số 'xuất sắc'

Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) ngày 21-12 đã công bố kết quả khảo sát, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số (CĐS) báo chí toàn quốc năm 2023.

Nhận thức về CĐS báo chí còn thấp

Theo kết quả công bố, tốp 10 cơ quan báo chí có mức độ trưởng thành CĐS ở mức xuất sắc gồm: Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Vnexpress, Báo Lao Động, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Điện tử Vietnamplus, Báo VietNamNet, Báo Điện tử VTC News, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và Báo Người Lao Động.

Trong tốp 5 cơ quan dẫn đầu khối địa phương về mức độ trưởng thành CĐS báo chí, Báo Người Lao Động xếp thứ nhất, đạt mức xuất sắc. Theo sau là 4 cơ quan đạt mức tốt, gồm: Báo Nghệ An, Báo Khánh Hòa, Báo Hà Nội Mới và Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Bộ Chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành CĐS báo chí được Cục Báo chí công bố hồi tháng 6-2023, gồm 5 trụ cột, 42 tiêu chí, tổng điểm đánh giá tối đa là 100. Bộ Chỉ số giúp các cơ quan xác định mình đang ở giai đoạn nào trong tiến trình CĐS, từ đó có lộ trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp nhằm đổi mới, thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Sau thời gian triển khai thu phí bạn đọc qua chuyên mục Dành cho bạn đọc VIP, Báo Người Lao Động đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo độc giả. Trong ảnh: Bạn đọc VIP nhận giải thưởng từ chương trình “Cảm ơn bạn đọc”. Ảnh: TẤN THẠNH

Năm 2023 có 339 cơ quan hoàn thành đạt yêu cầu và được cấp tài khoản chính thức để thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành CĐS báo chí. Trong đó, 273 cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình triển khai đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành CĐS.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, thông tin kết quả xếp hạng mức độ trưởng thành CĐS báo chí năm 2023 cho thấy chỉ có 3,66% đơn vị đạt mức xuất sắc; 8,06% đạt mức tốt; 13,19% đạt mức khá; 12,09% đạt mức trung bình nhưng có tới 63% đạt mức yếu. "Nhận thức về tầm quan trọng của CĐS của lãnh đạo không ít cơ quan báo chí còn ở mức thấp. Mức độ quan tâm của chủ quản đối với việc đầu tư cho CĐS báo chí cũng ở mức thấp khi chỉ có 25,27% cơ quan được chủ quản bố trí nguồn kinh phí CĐS" - ông Lưu Đình Phúc cho hay.

Kiến nghị hỗ trợ báo chí chuyển đổi số

Cục Báo chí đặt mục tiêu giảm tỉ lệ CĐS báo chí ở mức yếu, trung bình từ 75% xuống 60% vào năm 2024 và còn 40% vào năm 2025. Đồng thời, nâng tỉ lệ đạt mức khá, tốt từ 22% lên 35% vào năm 2024 và tăng tiếp lên 50% vào 2025. Riêng mức xuất sắc, phấn đấu tăng tỉ lệ từ 3,66% lên lần lượt 5% và 10% vào năm 2024 và 2025.

Cục Báo chí đề xuất tổ chức sơ kết 1 năm triển khai Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, kiến nghị Chính phủ quan tâm, có cơ chế, chính sách thúc đẩy CĐS báo chí, nhất là quan tâm đầu tư cho các cơ quan báo chí chủ lực. Đồng thời, thực hiện xã hội hóa hoạt động hỗ trợ CĐS báo chí trên cơ sở kêu gọi tài trợ cho các hoạt động tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm và ký kết thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn báo chí, công ty công nghệ, truyền thông nước ngoài.

Theo ông Lưu Đình Phúc, với vai trò phản biện, báo chí cần phản ánh "đúng" và "trúng" nhưng phải lan tỏa sâu rộng. Để làm được điều đó, CĐS là yêu cầu tất yếu, là con đường nhanh nhất để báo chí tiếp cận nhiều hơn, gần hơn với người dân, hướng tới mục tiêu trải nghiệm nội dung tốt hơn, từ đó truyền thông chính sách hiệu quả hơn.

Tại một hội thảo về CĐS mới đây, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - nhấn mạnh CĐS không đơn giản là đầu tư thiết bị công nghệ, phần mềm mà phải thay đổi tư duy. Những thay đổi nhanh chóng về công nghệ là thách thức nhưng cũng là cơ hội để báo chí triển khai những cách làm mới, phù hợp xu thế.

Ông TRẦN TRỌNG DŨNG, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam:

Yếu tố con người đóng vai trò đặc biệt

Kết quả CĐS của Báo Người Lao Động đến từ sự nỗ lực của Ban Biên tập qua các thời kỳ cùng toàn thể viên chức - lao động... Yếu tố con người đóng vai trò đặc biệt trong CĐS chứ không phải vấn đề về công nghệ, hạ tầng.

Thời gian qua, Báo Người Lao Động nói riêng và các cơ quan báo chí TP HCM đã có sự chuyển động rõ nét trong CĐS. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19, CĐS giúp bảo đảm luồng thông tin báo chí đến đông đảo bạn đọc. Đặc biệt, Báo Người Lao Động nằm trong số ít cơ quan báo chí triển khai thu phí đọc báo với chuyên mục Dành cho bạn đọc VIP. Đây là xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu đọc nâng cao, thậm chí cá nhân hóa của độc giả và để đáp ứng nhu cầu này, chỉ CĐS mới làm được.

Ông LÂM ĐÌNH THẮNG, Giám đốc Sở TT-TT TP HCM:

Tạo cảm hứng cho các báo, đài khác

Báo Người Lao Động đáp ứng 42 tiêu chí trong Bộ Chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành CĐS báo chí do Bộ TT-TT ban hành và lọt top 10 cơ quan xuất sắc là kết quả rất đáng hoan nghênh.

Với sự chuẩn bị khá sớm, bài bản, hợp lý, từ giữa năm 2021, Báo Người Lao Động đã triển khai chiến lược CĐS của riêng mình. Trong giai đoạn đầu nhiều khó khăn, chưa có những mô hình kiểu mẫu thành công để tham khảo, học hỏi và nguồn lực tài chính còn khiêm tốn, Báo Người Lao Động đã quyết tâm thực hiện CĐS với cách làm sáng tạo. Bên cạnh yếu tố nền tảng thì sự kiên định của Ban Biên tập, sự đồng lòng của tập thể và sự năng động sáng tạo của các nhóm công tác CĐS đóng vai trò then chốt, quyết định. Sự nỗ lực và thành quả CĐS bước đầu của Báo Người Lao Động có thể tạo cảm hứng, khích lệ các báo, đài khác.

Bà LÊ THỊ BẢO NGỌC, Trưởng Ban Hợp tác sản xuất và Phát hành Nội dung số Công ty CP Phát triển truyền thông quảng cáo MAC Việt Nam (MCV Group):

Tận dụng nền tảng mạng xã hội

Cơ quan báo chí khi mở kênh trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok... gặp khó khăn vì phải cạnh tranh gay gắt với rất nhiều kênh của tổ chức, cá nhân khác. Việc đưa tin của cơ quan báo chí vừa phải tuân thủ nhiều quy định vừa phải nhanh, chính xác, hấp dẫn. Ngoài ra, các vấn đề bản quyền, kỹ thuật, việc nắm bắt tiêu chuẩn cộng đồng của từng nền tảng... cũng là thách thức.

Báo Người Lao Động là một trong những đối tác thuộc hệ thống hơn 550 đối tác phát triển nội dung số gồm báo chí, truyền hình, KOL, KOC... của MCV Group. Sự phát triển nhanh chóng của Báo Người Lao Động thể hiện qua lượng view, kết quả doanh thu nổi bật trong cụm đối tác cơ quan báo chí của chúng tôi.

N.Ánh - P.Anh ghi

MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/366-co-quan-bao-chi-chuyen-doi-so-xuat-sac-196231221214609031.htm