3,2 tỷ USD cho loại thuốc 'thổi bay' đại dịch Covid-19

Khoản đầu tư 3,2 tỷ USD thể hiện tham vọng của chính phủ Mỹ tạo ra loại thuốc giúp chấm dứt đại dịch Covid-19 và đối phó với mọi mối đe dọa dịch bệnh trong tương lai.

Cover

Trước khi đại dịch Covid-19 chấm dứt, nước Mỹ đã bắt tay chuẩn bị cho cuộc chiến với đại dịch kế tiếp, theo Washington Post.

Áp dụng theo mô hình phát triển thuốc điều trị HIV, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 17/6 công bố kế hoạch trị giá 3,2 tỷ USD để phát triển các loại thuốc giúp nước Mỹ sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa của virus trong tương lai.

Kế hoạch của Washington là đầu tư dài hạn vào các giai đoạn từ nghiên cứu khoa học cơ bản tới phát triển các loại thuốc mới, cũng như kiểm tra tiềm năng của những loại thuốc đã có hiện nay.

Ưu tiên ban đầu của chương trình là virus corona. Tuy nhiên, ngân sách sau đó sẽ được rót vào các chương trình hợp tác phát triển thuốc, tập trung vào các loại virus có nguy cơ gây ra đại dịch toàn cầu.

"Mục tiêu của chương trình là xúc tiến phát triển các loại thuốc mới chống Covid-19, nhưng đồng thời cũng tạo ra cấu trúc bền vững chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại bất cứ đại dịch nào khác trong tương lai", bác sĩ Anthony Fauci cho biết.

Bài học từ SARS và MERS bị bỏ qua

Trong nhiều tháng, giới khoa học nghiên cứu các liệu pháp điều trị virus đã tranh luận liệu đại dịch Covid-19 có phải là tiếng chuông cảnh tỉnh, giúp khởi động một làn sóng đầu tư bền vững vào thuốc kháng virus - lĩnh vực từ lâu đã bị bỏ quên bởi các công ty dược phẩm tìm kiếm những hạng mục khác lợi nhuận cao hơn.

Nhiều người hoài nghi về khả năng thực tiễn hiện nay có thể thay đổi lớn, và rằng nhiều nhất cũng chỉ có một đợt đầu tư ngắn hạn vào các loại thuốc chống virus corona.

Chính phủ Mỹ đã công bố gói đầu tư 3,2 tỷ USD để phát triển thuốc kháng virus. Ảnh: AP.

"Giới đầu tư hoàn toàn không đoái hoài tới thuốc kháng virus. Ngay cả nếu có thể chứng minh sẽ kiếm được vài tỷ USD, cũng không ai quan tâm. Điều họ thực sự quan tâm là phương thuốc điều trị các loại bệnh mạn tính", Ann Kwong, chuyên gia virus tại Vertex Pharmaceuticals, cho biết.

Các nhà nghiên cứu virus corona hàng đầu từng trải qua, và họ hiểu sự chú ý dành cho thuốc kháng virus có thể sẽ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn.

Sau đại dịch SARS năm 2003 và MERS năm 2012, các nhà khoa học nghiên cứu về virus tin rằng một đại dịch khác do virus gây ra sẽ sớm bùng phát, vấn đề chỉ là thời gian. Dù vậy, họ vấp phải nhiều khó khăn khi tìm cách thuyết phục các nhà tài trợ.

"Thật đáng buồn là chúng ta thiếu các loại thuốc kháng virus khi SARS-CoV-2 xuất hiện", Matthew Frieman, chuyên gia về virus corona tại Đại học Y Maryland, cho biết.

Sau khi MERS bùng phát, ông Frieman đã thử nghiệm biến đổi các loại thuốc hiện hành để đối phó với virus corona. Nhưng vấn đề nhóm của ông gặp phải là thiếu tài trợ.

Ngay cả khi có tài trợ, việc phát triển các loại thuốc kháng virus cũng không hề dễ dàng, khi mà virus mục tiêu đã biến mất hoặc chưa xuất hiện.

Norbert Bischofberger, một trong các tác giả của thuốc điều trị cúm Tamiflu, cho biết đã chú ý tới các loại virus corona trong nhiều năm.

"Chúng tôi biết về corona, chúng tôi nghĩ về corona, chỉ là không có cách nào tiến hành nghiên cứu lâm sàng. Giả sử có một loại thuốc, ta sẽ muốn nghiên cứu lâm sàng để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả", ông Bischofberger cho biết.

Trong khi mức độ an toàn của thuốc thì dễ xử lý, tính hiệu quả của thuốc lại khó để kiểm chứng, bởi cần người nhiễm virus corona.

Nhiều nhà nghiên cứu phát triển thuốc kháng virus cho biết, trước đại dịch, mức độ quan tâm tới loại thuốc này đã giảm mạnh, một phần bởi không có lộ trình thương mại rõ ràng.

Với việc Washington tung ra dự án 3,2 tỷ USD, nếu thu được thành công tương tự thuốc điều trị HIV, tiến trình phát triển các loại thuốc kháng virus sẽ có hy vọng.

Hy vọng chấm dứt đại dịch Covid-19

Tới nay, đa phần các nỗ lực sử dụng thuốc kháng virus điều trị người mắc Covid-19, loại bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, đã thất bại.

Thuốc điều trị sốt rét hydroxychloroquine, thuốc điều trị HIV lopinavir và ritonavir, và thuốc chống ký sinh trùng ivermectin, đều cho thấy hứa hẹn ở một số giai đoạn của dịch bệnh. Dù vậy, không loại thuốc nào được chính thức khuyến nghị sử dụng để điều trị Covid-19.

Ngay cả remdesivir, loại thuốc duy nhất được Cơ quan Quản lý dược phẩm và Thực phẩm Mỹ khuyến nghị dùng trong điều trị Covid-19, cũng vẫn là đối tượng tranh cãi, với nhiều bằng chứng mâu thuẫn về công dụng của nó.

Ngoài đầu tư sản xuất thuốc kháng virus cho tương lai, chính phủ Mỹ cũng đánh cược vào các loại thuốc giúp chấm dứt đại dịch Covid-19. Lúc này, Washington đã đặt hàng các loại thuốc kháng virus SARS-CoV-2 còn chưa ra đời, tương tự như cách họ đã thành công với vaccine.

Vaccine được cho là chưa đủ để chấm dứt đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Tuần trước, chính phủ Mỹ cam kết chi 1,2 tỷ USD mua 1,7 triệu liều molnupiravir, một loại thuốc kháng virus do tập đoàn dược phẩm Merck and Ridgeback Biotherapeutics phát triển, nếu thuốc này được cấp phép sử dụng.

Molnupiravir hoạt động theo cơ chế can thiệp vào mã di truyền và tác động tới khả năng tự nhân bản của virus.

Daria Hazuda, phó chủ tịch của Merck, cho biết dữ liệu từ giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng của molnupiravir sẽ có vào nửa cuối năm nay.

Theo bà Hazuda, ngay cả khi vaccine đang phát huy hiệu quả, thuốc uống kháng virus vẫn đóng vai trò quan trọng giúp chấm dứt đại dịch. Nhiều quốc gia tới nay vẫn có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chưa kể vaccine không phát huy công hiệu với tất cả người được tiêm.

Ở Mỹ, một số loại thuốc được biết đến với cái tên "kháng thể đơn dòng" được cấp phép sử dụng, nhưng khó áp dụng rộng rãi, bởi nó yêu cầu truyền trực tiếp vào tĩnh mạch của những người bị bệnh ở giai đoạn đầu, khi họ thậm chí chưa có triệu chứng.

Bên cạnh đó, các biến chủng virus cũng có thể qua mặt một số loại kháng thể đơn dòng. Hai tháng qua, 9 bang của Mỹ đã dừng mua kháng thể đơn dòng do Eli Lilly phát triển bởi chúng không còn phát huy hiệu quả với biến chủng đang hoành hành.

Ngược lại, thuốc kháng virus có thể đối phó với nhiều loại biến chủng, hay thậm chí toàn bộ các chủng của virus SARS-CoV-2.

"Như đã thấy, virus có thể biến đổi, với việc các biến chủng đã thay đổi nhiều, hiệu quả của vaccine với các biến chủng tương lai, theo tôi, là một câu hỏi mở", bà Hazuda cho biết.

Bế tắc khoa học, khó khăn thương mại

Phát triển thuốc kháng virus, đặc biệt để điều trị nhiễm virus cấp tính, có nhiều thử thách, các nhà khoa học thừa nhận.

Thời gian "vàng" để can thiệp bằng thuốc ngắn, bởi người bệnh hầu như không nhận ra họ đã mắc virus cho tới khi đã diễn biến nặng. Đây là lúc tình trạng được quyết định phần nhiều bởi cách cơ thể phản ứng với virus, do đó, công dụng của thuốc kháng virus sẽ bị hạn chế.

Bác sĩ Bischofberger cho biết một trong những công dụng lớn nhất của Tamiflu là phòng ngừa. Khi cúm xuất hiện, người dân có thể uống thuốc mỗi ngày để dự phòng.

Thuốc kháng virus Remdesivir là loại thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên được Cục Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ phê duyệt. Ảnh: Reuters.

Dù vậy, bà Hazuda cho rằng Covid-19 không giống cúm. Chiều hướng phát triển của bệnh, và triệu chứng khác biệt trên mỗi người của Covid-19, là điều các nhà khoa học chưa hiểu rõ, điều này tạo ra một thách thức khác.

Bởi virus sử dụng chính cơ thể người làm cỗ máy để nó tự nhân bản, một cách điều trị tiềm năng là phát triển thuốc tập trung vào vật chủ, thay vì virus. Đây có thể là cách tạo ra loại thuốc có công dụng chống lại nhiều loại virus. Nhưng cách làm này cũng tạo ra nguy cơ về tác dụng phụ.

Cuối cùng, khả năng thương mại có thể là vấn đề cơ bản nhất trong phát triển thuốc kháng virus cho các căn bệnh cấp tính vốn người mắc có thể tự hồi phục, theo bà Kara Carter, chủ tịch Mạng lưới quốc tế Nghiên cứu thuốc kháng virus, phó chủ tịch tập đoàn công nghệ sinh học Dewpoint Therapeutics.

Những loại nhiễm trùng mạn tính có thể có tiềm năng thương mại tương tự thuốc điều trị tiểu đường hoặc viêm khớp dạng cấp. Nhưng nhiễm virus cấp tính thì không, do đó, việc phát triển thuốc vừa gặp khó khăn về khoa học, vừa bế tắc về thương mại.

"Sẽ có nguồn tiền hỗ trợ phát triển thuốc miễn là vẫn còn người chết và ký ức đau thương tiếp tục hiện hữu. Tôi hy vọng là mình sai, nhưng ngay khi Covid-19 không còn là mối lo ngại y tế toàn cầu, điều mà chắc chắn sẽ xảy ra, mọi thứ sẽ chấm dứt. Chúng tôi đã rơi vào tình cảnh đó", bà Carter cho biết.

Hàng loạt thi thể trên bờ cát có thể bị trôi xuống sông Hằng Sông Hằng đã bị ô nhiễm ở mức độ đáng báo động trong nhiều năm qua. Làn sóng Covid-19 thứ 2 tại Ấn Độ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/3-2-ty-usd-cho-loai-thuoc-thoi-bay-dai-dich-covid-19-post1228600.html