20 năm thực hiện Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO

Ngày 29-11, tại Nhà Văn hóa 3-2 tỉnh (thành phố Nam Định), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) phối hợp với Cục Di sản văn hóa (Bộ VH, TT và DL) tổ chức Hội nghị Thực hành di sản kỷ niệm 20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003-2023); đánh giá hiệu quả thực hiện Công ước đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị

Dự hội nghị, về phía tỉnh Nam Định có đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU; Thường trực HĐND, UBND tinh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chào mừng hội nghị, hội thảo

Về phía Bộ VH, TT và DL có đồng chí Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa; PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; đại diện Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia; các nhà khoa học lĩnh vực di sản văn hóa. Dự hội thảo còn có đại diện Sở VH, TT và DL, các nghệ nhân tiêu biểu trong thực hành tín ngưỡng của 22 tỉnh, thành phố có di sản: Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Thái Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc...

Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng Ban tổ chức hội nghị lẵng hoa tươi thắm

Phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài nhấn mạnh: Nằm ở vị trí trung tâm khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, trong tiến trình lịch sử của dân tộc, vùng đất Nam Định chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của người Việt; trong đó có tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Thánh Cha) và Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Thánh Mẹ) - 2 tín ngưỡng bản địa với những giá trị nhân văn sâu sắc, in đậm trong tâm thức của người dân cả nước với câu ngạn ngữ “Tháng Tám giỗ Cha, Tháng Ba giỗ Mẹ”. Tỉnh Nam Định được coi là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu với các di tích tiêu biểu như: Quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản), di tích Phủ Quảng Cung - Phủ Nấp (Ý Yên),… và nhiều địa điểm thờ Thánh Mẫu khác. “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định những giá trị to lớn mang tính toàn cầu của di sản, đóng góp vào sự phong phú, đa dạng văn hóa của nhân loại, phản ánh sự chủ động, hội nhập tích cực của đất nước với quốc tế.

Tiết mục trống hội chào mừng hội nghị

Năm 2023 là tròn 20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Văn hóa, Giáo dục, Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua. Công ước nhằm gìn giữ, bảo tồn, truyền bá và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống nhân loại. Tăng cường nhận thức và sự tham gia của cộng đồng các địa phương, quốc gia; qua đó thúc đẩy sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực này. Công ước mang giá trị toàn cầu đã có những thành quả lớn khi thế giới nhấn mạnh đến tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể. Tính đến nay, Việt Nam có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; trong đó có di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Hội nghị được tổ chức là dịp nhằm đánh giá tổng thể hiệu quả việc thực hiện Công ước tại Việt Nam; kết quả công tác quản lý Nhà nước trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và thực hiện Chương trình hành động quốc gia giai đoạn 2017-2022 về bảo vệ và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Các nghệ nhân trình diễn hát văn

Các tham luận tại hội nghị đã tập trung làm rõ những kết quả thực hiện Công ước của UNESCO, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại Nam Định và các địa phương trên cả nước; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng thờ Mẫu; vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong gìn giữ giá trị trong sáng của “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”; các hoạt động của cộng đồng trong bảo tồn giá trị và truyền dạy thực hành di sản từ khi được UNESCO vinh danh… Từ đó, đề ra các giải pháp, xác định phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” theo cam kết tại hồ sơ đề cử với UNESCO giai đoạn 2023-2028.

Chương trình văn nghệ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh

Chương trình văn nghệ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.

Tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tặng lẵng hoa tươi thắm chúc mừng Ban tổ chức. Các nhóm nghệ nhân thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của các tỉnh, thành phố đã trình diễn các tiết mục chầu văn tiêu biểu.

Trong khuôn khổ sự kiện, từ ngày 29 đến 30-11, tại các điểm di tích Phủ Vân Cát, Phủ Tiên Hương, Phủ Quảng Cung, Phủ Bóng (Nguyệt Du cung) sẽ diễn ra các hoạt động thực hành tín ngưỡng sôi động thu hút sự tham gia đông đảo của các nghệ nhân và du khách thập phương./.

Theo Báo Nam Định

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/van-hoa/211064/20-nam-thuc-hien-cong-uoc-bao-ve-di-san-van-hoa-phi-vat-the-cua-unesco