20 năm tham gia công ước UNESCO về Bảo vệ di sản: Thách thức từ cộng đồng

20 năm tham gia Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong công tác bảo tồn di sản văn hóa. Đó là khẳng định của các nhà khoa học, chuyên gia trong hội thảo 'Hai mươi năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng' vừa diễn ra tại Hà Nội.

Hành trình khó khăn và thách thức

Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua năm 2003 (Công ước 2003). Ngày 5/9/2005, Việt Nam chính thức tham gia và trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước quốc tế quan trọng này.

Ca trù được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Việt Nam là một trong những quốc gia sớm đưa nội dung về di sản văn hóa phi vật thể vào Luật Di sản văn hóa (2001, 2009). Điều này đã góp phần quan trọng vào thành quả bảo vệ di sản văn hóa nói chung trong suốt hơn 20 năm qua, được quốc tế đánh giá cao, góp phần bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tạo bức tranh chung, đa dạng văn hóa của nhân loại.

Một trong những sự kiện nổi bật đánh giá về công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Việt Namlà tháng 12/2017, Hát Xoan Phú Thọ trở thành di sản đầu tiên được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và sau đó ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với kết quả nêu trên, Việt Nam đã đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, việc triển khai thực hiện Công ước bảo vệ di sản của UNESCO tại Việt Nam là một quá trình đầy khó khăn, thách thức. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (2009) có định nghĩa mới, trong đó nêu cao vai trò của cộng đồng. Từ những quy định trong Luật, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định Quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Sau 3 đợt phong tặng vào các năm 2015, 2019, 2022, có 1.881 nghệ nhân trên các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lý, nếu chỉ căn cứ vào luật trong việc phong tặng danh hiệu một cách hành chính và cứng nhắc sẽ làm mất đi sự sáng tạo, khuyến khích những chủ thể của di sản phát triển. Ngoài ra, hiện nay chúng ta chưa có hình thức khen thưởng khác cho những người có thành tích lớn bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể như nhà tài trợ, nhà nghiên cứu, nhà thiết kế, sáng tạo...

Bà đề xuất: “Nghị định quy định về việc xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cần thêm điều khoản để xét các trường hợp đặc biệt dành cho các nghệ nhân trẻ tuổi có tài năng xuất sắc. Đối tượng này cần khuyến khích bởi vì họ có năng lực sáng tạo, truyền dạy và góp phần tích cực vào phát triển bền vững. Ngoài ra, đối với các nghệ nhân thuộc lĩnh vực "nghề thủ công truyền thống" và "tri thức dân gian" (chữa bệnh) cần có quy định cụ thể để không chồng chéo với việc xét tặng của Bộ Công thương và Bộ Y tế. Đồng thời, cần có thêm điều khoản về việc hủy hoặc rút lại các danh hiệu trong trường hợp các cá nhân vi phạm các luật khác và Luật Di sản văn hóa.

Theo GS. TS Nguyễn Thị Hiền (Đại học Quốc gia Hà Nội), Luật Di sản văn hóa cần làm rõ hơn về mục đích ghi danh di sản, về quan điểm Di sản văn hóa phi vật thể từ cách tiếp cận từ dưới lên, từ cộng đồng.

"Mặc dù thực thi Công ước 2003 nhưng Luật Di sản văn hóa và quy trình ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể vẫn còn có một số điều bất cập. Vậy nên, cần có những điều khoản cụ thể về mục đích của ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể, tránh sự hiểu lầm và làm sai lệch sự ghi danh di sản hướng tới việc bảo vệ di sản tốt hơn. Ngoài ra, cần có thêm những thông tư, nghị định quy định rõ ràng hơn các tiêu chí ghi danh, sửa đổi mẫu hồ sơ/lý lịch khoa học, hướng dẫn cụ thể làm hồ sơ ghi danh trong danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa và đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, và những vấn đề về đạo đức trong thực hành và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể" - GS.TS Nguyễn Thị Hiền nói.

Phải tiếp cận di sản từ cộng đồng

Đây là một hướng đi đúng được khẳng định sau hành trình 20 năm Việt Nam gia nhập Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản. Tại Hà Nội, nhận thức trong việc cần phải có hành động cụ thể trong bảo tồn di sản được bắt đầu từ công tác kiểm kê. Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết: Từ năm 2013, Hà Nội bắt đầu đẩy mạnh công tác lập danh mục, tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Kết quả đã kiểm kê, Hà Nội có 1.793 di sản, trong đó, di sản về lễ hội chiếm nhiều nhất (1.200); đến nay, Hà Nội có 32 di sản được ghi danh là di sản văn hóa của thế giới và quốc gia. Từ việc kiểm kê, rà soát, chúng ta mới có cách tiếp cận để cùng với cộng đồng bảo vệ di sản.

Hát Xoan Phú Thọ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đều nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản, để di sản thực sự sống. Bởi họ là chủ thể của di sản, mọi sự mô hình hóa, sân khấu hóa, hay diễn xướng hóa đều sẽ đánh mất giá trị thực sự của di sản. Tôn vinh di sản, trước hết cần tôn vinh cộng đồng đang nắm giữ di sản đó.

GS.TS Nguyễn Thị Hiền nhận định: “Việc gia nhập Công ước và sau đó nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh đã tạo động lực to lớn để các địa phương thực hiện bảo tồn, phát huy di sản hiệu quả. Đến nay, một số di sản các địa phương thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản như: Quan họ Bắc Ninh, hát Xoan Phú Thọ, ca trù Hà Nội...”. Bà cũng khẳng định cộng đồng là chủ thể của di sản, vì thế cần có cách tiếp cận tốt từ cộng đồng, có những chính sách đãi ngộ và khuyến khích họ để di sản được bảo vệ và phát triển. “Di sản văn hóa phi vật thể hay "di sản sống" có ý nghĩa quan trọng trong đời sống. Di sản tạo cơ hội cho cộng đồng và cá nhân ý thức về bản sắc và sự kế tục; thể thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người; kết nối cộng đồng”. GS.TS Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý cũng nhấn mạnh vai trò của chủ thể, cộng đồng trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Bà cho biết, dựa trên điều 15 của Công ước về Sự tham gia của các cộng đồng, nhóm người và cá nhân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định Quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Chính sách này đối với nghệ nhân là điểm mới, quan trọng và cần thiết.

Bà Lý đưa ra một ví dụ sinh động về hiệu ứng của việc tham gia Công ước UNESCO 2023: “Khuyến khích các quốc gia thành viên cùng đệ trình hồ sơ đề cử đa quốc gia vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khi di sản được phát hiện trên lãnh thổ của hơn một quốc gia thành viên. Năm 2015, Việt Nam có di sản kéo co của một số cộng đồng thuộc 4 tỉnh, thành phố là Bắc Ninh, Hà Nội, Lào Cai và Vĩnh Phúc đã được ghi danh ở hạng mục hồ sơ đa quốc gia cùng với Cambodia, Hàn Quốc và Phillipines”.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, việc thực hiện đúng các cam kết trong Công ước UNESCO 2003 đã đem đến cho Việt Nam nhiều cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm quốc tế; bổ sung nhiều nội dung quan trọng vào hệ thống văn bản pháp luật... Vậy hành trình tiếp theo là chúng ta tiếp tục bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản như thế nào khi di sản được coi là một nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam?

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/20-nam-tham-gia-cong-uoc-unesco-ve-bao-ve-di-san-thach-thuc-tu-cong-dong-i719151/