2 món ăn khiến 29 học sinh nhập viện nghi do ngộ độc ở Khánh Hòa được chế biến từ những gì?

Các món cơm cuộn, cơm nắm được bà Lương chế biến từ rong biển, cơm, thanh cua, trứng gà chiên, tương ớt, xúc xích chiên, cà rốt xào, dưa leo, củ cải muối chua...

Chiều 10-4, UBND huyện Khánh Sơn có báo cáo gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thị trấn Tô Hạp.

Tất cả ca nghi ngộ độc đã xuất viện

Theo ông Cao Minh Vỹ, Phó chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, lúc 10 giờ 30 ngày 9-4, Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn tiếp nhận bốn ca bệnh nhập viện với các triệu chứng mệt, buồn nôn, nôn, đau bụng, cầu phân lỏng.

Đến 21 giờ cùng ngày, có tổng cộng 29 em học sinh đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn, trong đó có 22 ca nhập viện điều trị. Các em cùng chung triệu chứng nghi ngộ độc như bốn em đầu tiên.

Học sinh cấp cứu sau khi ăn thức ăn bán trước cổng trường ở huyện Khánh Sơn. Ảnh: TL

Theo ông Vỹ, đến 15 giờ ngày 10-4, tất cả 29 ca bệnh trên đều đã bình phục, được xuất viện về nhà.

“Qua điều tra, các em khai bị các triệu chứng trên sau khi ăn sáng các món cơm cuộn, cơm nắm mua ở hàng rong bán gần trường THCS thị trấn Tô Hạp của bà Bùi Thị Lương tự làm tại nhà rồi mang đi bán”, ông Vỹ thông tin.

Cũng theo ông Vỹ, đội điều tra ngộ độc thực phẩm huyện đã đến nhà bà Bùi Thị Lương để điều tra và lấy một số mẫu thực phẩm để phục vụ công tác điều tra.

Theo trình bày của bà Lương, sáng 9-4, bà chế biến sẵn 114 suất cơm nắm, gồm rong biển, cơm, thanh cua, trứng gà chiên, tương ớt...và 28 suất cơm cuộn, gồm rong biển, cơm, thanh cua, trứng gà chiên, xúc xích chiên, cà rốt xào, dưa leo bào sợi, củ cải muối chua cắt sợi cùng nước chấm được pha từ tương ớt, tương cà... Sau đó bà Lương đưa đến gần trường THCS Tô Hạp bán.

Khai với cơ quan chức năng, bà Lương cho biết cùng chồng cùng tham gia chế biến thức ăn hàng ngày.

Tuy nhiên, từ lúc bắt đầu hoạt động chế biến thức ăn và bán thực phẩm hàng rong đến nay bà Lương và chồng chưa bao giờ khám sức khỏe, chưa tham gia các lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm mà chủ động tự tìm hiểu kiến thức về an toàn thực phẩm qua mạng internet.

“Đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm đã tiến hành lấy 21 mẫu để gửi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm, gồm mẫu phân, chất nôn, mẫu bàn tay, xúc xích, thanh cua, rong biển…”, ông Vỹ thông tin thêm.

Những tác nhân nào có thể gây ngộ thời gian qua tại Nha Trang?

Như PLO đã phản ánh, từ giữa tháng 3-2024 đến nay tại TP Nha Trang liên tục xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm người nhập viện. Trong đó, rất nhiều người ngộ thực phẩm nghi do liên quan đến các món ăn từ gà.

Nguyên nhân ngộ độc ở quán Trâm Anh vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Ảnh: XUÂN HOÁT

Thông tin tại cuộc họp của UBND tỉnh Khánh Hòa ngày chiều 6-4, Thượng tá Nguyễn Thị Minh Thảo, Phó phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết bằng biện pháp nghiệp vụ, cảnh sát xác định một số kho đông lạnh trên địa bàn TP Nha Trang có chứa thịt gà chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là nguồn cung cấp thịt gà không đảm bảo, giá rẻ ra thị trường.

“Đối chiếu với hóa đơn, chứng từ sổ sách hoặc trích xuất sổ kế toán thì thấy các thực phẩm đông lạnh này giá rất rẻ, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Những thức ăn này được bán tại các vỉa hè, quán bia hơi giá rẻ khiến nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao”, Thượng tá Thảo nói.

Cũng theo Thượng tá Thảo, qua thực tế điều tra các vụ ngộ độc tại TP Nha Trang ngoài thực phẩm là nguồn gây ngộ độc còn có yếu tố nguồn nước.

Thượng tá Thảo dẫn chứng vụ ngộ độc khiến 600 học sinh, giáo viên trường Ischool Nha Trang bị ngộ độc năm 2022. Qua điều tra phát hiện chỉ số Coli (độ tinh khiết) của nguồn nước vượt quy chuẩn. Khi sử dụng nguồn nước này sơ chế thực phẩm có thể dẫn đến ngộ độc.

Còn vụ ngộ độc tại quán cơm gà Trâm Anh, theo Thượng tá Thảo cơ quan chức năng cũng phát hiện cơ sở này dùng nước bơm từ giếng khoan để dùng song song với nước máy.

Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang về mẫu nước máy lấy tại vòi khu vực chế biến của quán Trâm Anh cho kết quả có các vi khuẩn Escherichia coli và Coliform. Mẫu nước giếng lấy tại thùng chứa nước giếng rửa dụng cụ, cũng ở quán này, có vi khuẩn Escherichia coli, Coliform và Pseudomonas aeruginosa.

"Thực tế vì giá nước sinh hoạt khá cao mà nhiều cơ sở kinh doanh đã tận dụng nước từ giếng bơm trong quá trình chế biến thức ăn để tiết kiệm chi phí"- Thượng tá Thảo nhận định.

Hiện, nguyên nhân vụ ngộ độc khiến 369 người nhập viện sau khi ăn tại quán Trâm Anh vẫn chưa được công bố.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu cơ quan chức năng sớm điều tra nguyên nhân các vụ ngộ độc, đồng thời xử lý nghiêm minh các cơ sở vi phạm.

Xuân Hoát

Nguồn PLO: https://plo.vn/2-mon-an-khien-29-hoc-sinh-nhap-vien-nghi-do-ngo-doc-o-khanh-hoa-duoc-che-bien-tu-nhung-gi-post784861.html