'172 giờ trên Mặt Trăng': Tiểu thuyết nhắc nhở giá trị của cuộc sống bình yên

'172 giờ trên mặt trăng' là tiểu thuyết thuộc thể loại viễn tưởng pha kinh dị. Tác phẩm mang về giải Văn học danh giá nhất Norway cho tác giả Johan Harstad.

Spoiler nội dung tiểu thuyết “172 giờ trên Mặt Trăng”

Trái Đất năm 2018, NASA và các nhà khoa học thực hiện chiến dịch trở lại mặt trăng sau lần đổ bộ đầu tiên những năm cuối thập niên 1960 thế kỷ trước. Một nhóm thiếu niên độ tuổi từ 14 đến 18 trên toàn thế giới tham gia vào chuyến đi này.

Với kết cấu ba phần, Johan Harstad kể một câu chuyện tưởng tượng về năm 2018, khi các nhà khoa học khởi động chiến dịch trở lại Mặt Trăng sau lần đổ bộ thành công đầu tiên vào những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XX.

Đồng hành cùng các chuyên gia là ba thiếu niên (Antoine, Mia và Midori) được lựa chọn ngẫu nhiên trên thế giới. Một chuyến hành trình nguy hiểm, nhưng cũng đầy hứa hẹn: được nhìn ngắm sự bao la của vũ trụ và được trải nghiệm những cảm giác mới lạ.

Thế nhưng, chuyến hành trình đầy hy vọng bỗng trở thành một cơn ác mộng thực sự khi họ đổ bộ xuống Mặt Trăng. Mặt Trăng vẫn giữ lại nguyên vẹn những bí mật đã bị lớp bụi thời gian nhấn chìm ở Trái Đất. Sự háo hức trở thành nỗi sợ hãi kinh hoàng và dường như 172 giờ sẽ kéo dài mãi mãi…

“172 giờ trên Mặt Trăng”: Từ niềm hy vọng thành cơn ác mộng

Cuốn tiểu thuyết dày hơn 300 trang vừa là cái nhìn đầy háo hức của con người trước vũ trụ bao la, vừa là sự nghi ngờ và sợ hãi với sự vô tận ngoài tầm hiểu biết.

Cốt truyện được dàn dựng công phu với những cú lộn ngược dòng ngoạn mục, dàn nhân vật được khắc họa chân thực cùng những kiến thức khoa học được chọn lọc và thể hiện khéo léo. Tác phẩm cũng gửi thông điệp về sự quý trọng cuộc sống bình yên và các mối quan hệ với gia đình và người thân.

Điểm đặc sắc của “172 giờ trên Mặt Trăng” chính là sự pha trộn thể loại giữa truyện khoa học viễn tưởng và truyện kinh dị. Những chi tiết phiêu lưu nghẹt thở hòa trộn cùng những yếu tố rùng rợn nhằm thu hút độc giả.

Bên cạnh đó, tâm lý nhân vật (đặc biệt là tâm lý tuổi thiếu niên của các nhân vật chính) được miêu tả sắc nét với đầy đủ các cung bậc cảm xúc: nổi loạn, bất mãn với gia đình, nhà trường (Mia), đau khổ vì tình yêu đầu tiên (Antoine) hay niềm khao khát cuộc sống tự do trong tương lai (Midori).

Năm 2008, sau khi “trình làng” chưa đầy một năm, “172 giờ trên Mặt Trăng” đã được trao tặng giải thưởng Barge - một trong những giải thưởng văn học danh giá nhất Na Uy.

“Ảm đạm, rùng mình, câu chuyện của Harstad khuấy động cả không gian và chiều sâu tâm lý,” như tạp chí Publishers Weekly nhận xét về "172 giờ trên Mặt Trăng.".

Tạp chí School Library Journal bình luận về tác phẩm: "Độc đáo, sởn gai ốc, mãnh liệt... 172 giờ trên mặt trăng mở ra một trang mới của thể loại tiểu thuyết viễn tưởng, âm hưởng của nó sẽ còn đọng lại lâu dài sau cái kết đầy bất ngờ và xúc động".

Tác giả Johan Harstad (sinh năm 1979 tại Stavanger, Norway) được độc giả biết đến lần đầu tiên vào năm 2001 với tuyển tập văn xuôi Herfra blir du bare eldre (Từ đây bạn sẽ chỉ già đi). Năm tiếp theo anh xuất bản một tập truyện ngắn có tên gọi Ambulance (Xe cấp cứu).

Đến năm 2005, tác giả cho ra mắt Buzz Aldrin, hvor ble det av deg I alt mylderet? (Buzz Aldrin, điều gì đã xảy ra với ông trong một cơn lộn xộn?) sau đó được dịch tại 13 nước. Năm 2007, Harstad giới thiệu cuốn tiểu thuyết Hässelby - sách đem lại cho anh giải thưởng "Phê bình Văn học Trẻ Norway".

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/172-gio-tren-mat-trang-tieu-thuyet-nhac-nho-gia-tri-cua-cuoc-song-binh-yen-185496.html