160 năm Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một không gian công cộng và cảnh quan đô thị thân thiện với môi trường và con người. Nó để lại dấu ấn đặc biệt đối với du khách và ký ức bền chặt của cư dân thành phố. Đây là một di sản đô thị mang nhiều giá trị, thể hiện bản sắc văn hóa và văn minh của thành phố.

1.

Theo một nghị định ký ngày 23.3.1864, khu đất rộng 12 ha nằm ở phía đông bắc rạch Thị Nghè được Đô đốc de La Grandiere giao cho bác sĩ Louis Adolphe Germain tạm thiết kế, quy hoạch một khu vườn thực vật - động vật. Lúc đầu được gọi là vườn Bách Thảo.

Ngày 23.3.1865 ông Jean Baptiste Louis Pierre - người đang phụ trách vườn Bách Thảo Calcutta (Ấn Độ) được chính quyền mời về làm giám đốc khu vườn Bách Thảo và Bách Thú (Jardin botanique et zoologique de Saigon). Ông đảm trách chức vụ này đến ngày 10.10.1877. Ông Jean Baptiste Louis Pierre “đã tổ chức vườn ươm một cách rất đáng khâm phục và đã giao cho thành phố hàng ngàn cây xanh để trồng trong các công viên và trên các đại lộ”.

Tượng Giám đốc Jean Baptiste Louis Pierre trên lối vào Thảo Cầm Viên. Ảnh: Lê Quân

Khi vườn Bách Thảo mới được thành lập, trên báo Courrier de Saigon đã đăng lời kêu gọi mọi người, kể cả người dân lẫn du khách và binh lính thuộc mọi miền trên xứ Nam kỳ đóng góp các loại thực vật và động vật, nhờ đó đã tập hợp được nhiều giống lạ. Đến năm 1878 nơi này đã tập hợp được hầu hết các loại động vật ở Nam kỳ.

Từ năm 1956 vườn Bách Thảo được tu sửa và đổi tên là Thảo Cầm Viên cho đến nay. Đến năm 1990, nhiều chuồng thú được cải tạo và mở rộng cho phù hợp. Chương trình trao đổi động vật với các vườn thú đã làm cho bộ sưu tập động vật của Thảo Cầm Viên Sài Gòn càng thêm phong phú. Đây là vườn thú lâu đời đứng thứ tám trên thế giới, là khu vườn có bộ sưu tập thảo mộc và muông thú phong phú nhất ở vùng Viễn Đông. Năm 1990 Thảo Cầm Viên là thành viên chính thức của Hiệp hội Các vườn Đông Nam Á.

Trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn có hai công trình kiến trúc khá tiêu biểu của giai đoạn lịch sử nửa đầu thế kỷ XX: Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và Đền thờ Hùng Vương. Hiện nay Thảo Cầm Viên hàng ngày đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan.

2.

Ở nước ta, trong các làng xã hay đô thị cổ xưa, không gian công cộng thường là sân đình hay khuôn viên chùa, nhà thờ hoặc khu vực chợ làng... Nơi đó cộng đồng có những sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo chung, có giao tiếp - trao đổi hàng hóa. Đồng thời với những sinh hoạt đó là giao lưu văn hóa, tình cảm của cộng đồng. Những khoảng thời gian cộng đồng có sinh hoạt chung như vậy không nhiều, năm đôi ba lần lễ hội vào dịp nông nhàn hay Tết Nguyên đán... Tuy nhiên, nhu cầu “không gian công cộng” luôn tồn tại trong mọi cộng đồng, mọi thời đại vì đó chính là nhu cầu thể hiện bản sắc, đặc trưng văn hóa của cộng đồng, của địa phương.

Sang thời kỳ đô thị được xây dựng theo kiểu phương Tây, không gian công cộng nhiều hơn và đa dạng hơn.“Nguồn gốc của không gian công cộng, theo cách nhìn của phương Tây, liên quan đến khái niệm “quyền” tiếp cận và loại trừ tới các không gian đó. Trong các mô hình xã hội dân chủ, nhà nước cần thiết lập những không gian mà ở đó tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận bất luận địa vị xã hội hay điều kiện kinh tế, và quyền này được bảo vệ bởi hiến pháp và pháp luật... Công viên cũng được xem là một không gian công cộng chính thống để đảm bảo quyền được nghỉ ngơi thư giãn, tiếp cận thiên nhiên của các đối tượng xã hội” (*).

Đền kỷ niệm nay là Đền thờ Hùng Vương (Ảnh tư liệu, chụp năm 1967).

Không gian công cộng ở đô thị có nhiều giá trị cơ bản: Tác động tích cực đến sức khỏe và tinh thần dân cư; gắn kết cộng đồng, góp phần định hình bản sắc một khu vực, một cộng đồng; giá trị phát triển kinh tế từ không gian công cộng còn là một nguồn vốn xã hội gần như vô tận, lợi nhuận được thu về từ các hoạt động kinh tế, giá trị văn hóa tích lũy ngày càng cao; giúp tăng cường đa dạng sinh học, tạo ra những hệ sinh thái tự nhiên trong lòng đô thị.

Từ nửa sau thế kỷ XIX tại Sài Gòn chỉ có một vài công viên như vườn Ông Thượng (nay là công viên Tao Đàn). Một công viên khác là vườn cây sao - công viên phía trước dinh Độc Lập. Khu vực này còn có nhà thờ Đức Bà và quảng trường Công xã Paris, Bưu điện Thành phố... nối liền với đường Đồng Khởi đi xuống bến Bạch Đằng, đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, chợ Bến Thành. Tuy nhiên công viên lớn nhất vẫn là Thảo Cầm Viên nằm đối diện Dinh Độc Lập, với trục đường Lê Duẩn nối liền một thiết chế chính trị quan trọng nhất với một thiết chế văn hóa mang tính công cộng cao nhất. Đây là điểm nổi bật trong quy hoạch đô thị Sài Gòn. Toàn bộ khu vực trung tâm được coi là “vùng di sản” của Sài Gòn.

Hình ảnh tư liệu về khu chuồng khỉ ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Ảnh được chụp năm 1970 bởi Carl Nielsen.

Hồi ký của Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1897 - 1902) miêu tả khu vực này như sau: “Sài Gòn là một thành phố nhiệt đới xinh đẹp, thành phố duyên dáng nhất vùng Viễn Đông. Một số công trình nghệ thuật ở Sài Gòn rất đẹp; tất cả đều có kích thước lớn; nhà cửa nói chung khá xinh xắn, đường phố rợp bóng cây, tất cả như chìm ngập trong một đại dương xanh.

Nhìn từ trên cao xuống, từ chòi quan sát trên nóc một con tàu hoặc từ các tháp của nhà thờ, Sài Gòn hiện ra như một công viên rộng lớn, trong đó một vài tòa nhà quá đồ sộ hoặc quá cao vượt lên khỏi những tán cây. Này là Dinh Toàn quyền, các trại lính, bệnh viện, Sở Bưu điện, Dinh Thống đốc, Nhà Đoan (Sở Thuế quan)... các công thự đó không chịu thua những tán cây muốn chiếm lĩnh trời xanh, luôn luôn vươn lên và trải rộng nhờ nhựa sống của thiên nhiên hào phóng”.

Cho đến cuối thế kỷ XX có thể nhận thấy vai trò của Thảo Cầm Viên so với các “không gian công cộng” khác là mang tính cộng đồng cao hơn. Đây là nơi mọi tầng lớp xã hội đều có thể tham gia để đáp ứng nhu cầu giải trí (hiếu kỳ, nghỉ ngơi, vui chơi...). Không chỉ vậy, với hai công trình văn hóa là Viện Bảo tàng và Đền thờ Hùng Vương, Thảo Cầm Viên còn là nơi người dân được tiếp nhận nhiều tri thức lịch sử - văn hóa, được “về nguồn” bằng các sinh hoạt tâm linh ngày thường cũng như dịp lễ, Tết...

Cây cổ thụ trong Thảo Cầm Viên. Ảnh: Trung Dũng

Từ sau 1954, nhất là từ sau 1975, chức năng của các không gian công cộng ở khu vực trung tâm thành phố được chia sẻ cho nhau: “Phố đi bộ” từ đường Đồng Khởi nay có thêm đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi; các cơ sở dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, nhà sách, rạp phim...) không chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu mà trở nên quen thuộc với các tầng lớp khác. Tuy có thêm nhiều công viên lớn nhỏ khắp thành phố nhưng Thảo Cầm Viên vẫn giữ vị thế “đặc biệt” do tính chất và chức năng quan trọng trong nhiều lĩnh vực.

3.

Là một công viên với hàng ngàn cây xanh nhiều chủng loại, được trồng và chăm sóc khoa học, tạo cảnh quan đẹp, Thảo Cầm Viên mang lại tác dụng tốt cho sức khỏe cư dân đô thị. Số lượng mảng xanh, không gian chung ở Việt Nam đang dần bị thu hẹp, nhường chỗ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và đô thị mới. Chính vì vậy mảng xanh của Thảo Cầm Viên ngày càng trở nên quan trọng đối với TP.HCM đang trong quá trình đô thị hóa - hiện đại hóa mạnh mẽ.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn cần được bảo tồn và phát triển như một di sản đô thị. Ảnh: Quỳnh Trần

Giá trị khoa học và cung cấp tri thức cho cộng đồng của Thảo Cầm Viên là không thể phủ nhận và ngày càng trở nên quan trọng trong thời kỳ biến đổi khí hậu toàn cầu. Công cuộc bảo tồn các giống loài động, thực vật không chỉ nhằm lưu giữ một phần lịch sử tự nhiên mà còn cho biết thái độ, ứng xử của con người đối với thiên nhiên và môi trường sống. Thảo Cầm Viên còn là nơi các nhà khoa học trồng thí nghiệm các giống loài thực vật phục vụ nhu cầu của đô thị. Không biết chức năng này đến nay còn hữu dụng không, khi mà việc trồng cây xanh ở thành phố không có sự nhất quán và lâu dài trong khi nhiều cây cổ thụ, nhiều mảng xanh bị chặt hạ để xây dựng hạ tầng giao thông?

Không gian công cộng như Thảo Cầm Viên không chỉ có giá trị “phi vật thể” như trên mà lợi ích kinh tế cũng rất cụ thể. Ở nhiều quốc gia những “không gian xanh” của rừng, công viên... đều được coi là “vốn xã hội”. TP.HCM đang hướng tới xây dựng “Thành phố xanh”. Cho dù “mảng xanh” chỉ là một trong nhiều yếu tố của “thành phố xanh” nhưng đây là yếu tố tự nhiên, bền vững, thân thiện và dễ thực hiện việc tăng cường và bảo vệ.

Với chức năng “không gian công cộng đặc biệt” và nhiều lợi ích quan trọng, Thảo Cầm Viên Sài Gòn cần được bảo tồn và phát triển như một di sản đô thị, đồng thời là một “chỉ số xanh” của TP.HCM.

Nguyễn Thị Hậu

_____________

(*) Theo PGS-TS-KTS. Phạm Thúy Loan. Nguồn: http://kientrucvietnam.org.vn/khong-gian-cong-cong-trong-do-thi-tu-ly-luan-den-thiet-ke

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html