13 người bị chó dại cào cắn, Đồng Nai dự kiến lập 30 đội bắt chó thả rông

Từ đầu năm tới nay, Đồng Nai phát hiện 7 ổ dịch dại ở 6 huyện, 13 người bị chó dại cào, cắn. Do đó, việc địa phương lần đầu tiên ra mắt đội bắt chó thả rông nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người dân.

XEM VIDEO:

Theo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 7 ổ dịch dại ở 6 huyện, 13 người bị chó dại cào, cắn.

Hiện nay, tình hình dịch dại trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, nguy cơ phát sinh và lây lan cao.

Lực lượng bắt chó thả rông ở Đồng Nai đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Hoàng Anh

Liên quan đến vấn đề trên, UBND TP Biên Hòa đã thí điểm việc bắt chó thả rông đầu tiên của tỉnh tại phường Trảng Dài vào ngày 4/4. Nhiều người dân sinh sống trên địa bàn chia sẻ rằng họ rất ủng hộ đội bắt chó thả rông này và mong muốn mô hình nhân rộng ở các địa phương khác.

Đội bắt chó thả rông phường Trảng Dài đuổi bắt một con chó tháo chạy. Ảnh: Hoàng Anh

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có gần 140.000 con chó được nuôi trong dân, trong đó 2/3 tổng số con chó được nuôi ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, mới có khoảng 50% số chó nuôi được tiêm phòng bệnh dại.

Trong năm 2023, toàn tỉnh Đồng Nai phát hiện 18 ổ dịch dại, đã tiêu hủy 24 con chó xác định mang mầm dại.

Các con chó thả rông sau khi bị bắt được nhốt lại các lồng riêng biệt. Ảnh: Hoàng Anh

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch TP Biên Hòa cho biết địa phương đã lên kế hoạch thành lập đội bắt chó thả rông tại 30 phường, xã. Việc thành lập các đội trong toàn thành phố là cần thiết, giúp kiểm soát chó thả rông và hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh dại.

Đồng thời, việc này sẽ giúp chấn chỉnh lại hoạt động nuôi, đảm bảo an toàn cho cộng đồng, mỹ quan đô thị và tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ thú cưng của mình.

Trong quá trình PV VietNamNet tác nghiệp ngày 4/4, bà Liễu (ngụ tại tổ 14, KP5, phường Trảng Dài) có phản ánh với cơ quan chức năng về một hộ gia đình có nuôi nhốt ít nhất 5 con chó.

Theo bà Liễu, tại khung giờ đội bắt chó thả rông làm việc (8h30 -11h và 15h30 -17h) thì hộ gia đình này giữ chó trong nhà. Họ thường thả chó ra ngoài để đi vệ sinh vào giờ trưa hoặc tối. Bà Liễu mong muốn cơ quan chức năng cần có đường dây nóng để phản ánh tình trạng thả rông đi vệ sinh bừa bãi, gây mất vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn cho người tham gia lưu thông.

Sau khi đọc bài viết "Theo chân đội bắt chó thả rông đầu tiên tại Đồng Nai", nhiều độc giả cũng đã gửi ý kiến về VietNamNet.

“Rất mong các địa phương trên cả nước đều thành lập đội bắt chó thả rông nhằm giảm những trường hợp bị chó cắn vô cớ, thậm chí là chó dại cắn, và không còn những vụ tai nạn giao thông đau lòng chết oan uổng do chó thả rông gây ra” - độc giả Phạm Toàn chia sẻ.

Đồng quan điểm, độc giả Phạm Hưng cho rằng khi mùa hè đã đến, bệnh dại bắt đầu phát triển ở nhiều tỉnh, công tác này cần được triển khai rộng để đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là người già, trẻ nhỏ.

“Cần nhân rộng mô hình này trên tất cả địa bàn thành phố, thị trấn. Phải ra quân vào lúc 5h sáng, vì thời gian này các hộ dân thường cho chó đi đại tiện ngoài đường...” - độc giả Doãn Ngọc bình luận.

Còn độc giả Ngọc Loan bày tỏ "Nhìn những chú chó tội quá. Mong rằng những ai nuôi chó thì hãy tuân thủ các quy định bảo vệ động vật của mình để tránh gây tai họa cho người khác".

Hoàng Anh- ĐN

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/13-nguoi-bi-cho-dai-cao-can-dong-nai-du-kien-lap-30-doi-bat-cho-tha-rong-2267445.html