10 món ăn phương Tây được ưa chuộng trong đêm giao thừa chào đón năm mới

(SGTT) – Với những quốc gia ăn mừng năm mới theo Dương lịch, họ rất chú trọng đến các món ăn mà mình sẽ thưởng thức trong đêm giao thừa.

Theo đó, tạp chí CNN (Mỹ) vừa công bố danh sách 10 món ăn được xem là may mắn nếu thưởng thức trong đêm giao thừa (như năm nay là ngày 31-12-2021). Về quan niệm, như sợi mì dài có quốc gia cho là cuộc sống sẽ lâu dài hơn, đậu rồng thì quan niệm là đồng tiền, thịt heo đại diện cho sự may mắn hay cá trích đại diện cho sự dồi dào. Tựu chung lại, các thực phẩm hay món ăn đều được quan niệm sẽ giúp người thưởng thức có một năm mới thật sự an khang và thịnh vượng.

Hoppin ‘John – Nam Mỹ

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Đây là món ăn truyền thống để chào mừng năm mới ở một số thành phố thuộc miền Nam nước Mỹ. Về nguồn gốc, có người cho rằng nó bắt nguồn từ văn hóa ẩm thực châu Phi và Tây Ấn Độ. Đặc biệt một công thức của món ăn này từng xuất hiện trong The Carolina Housewife của Sarah Rutledge và được các đầu bếp chuyên nghiệp dựa theo đó để nấu.

Thông thường, một số nguyên liệu để chế biến nên Hoppin ‘John gồm các loại đậu, cơm, thịt heo với các sắc màu tượng trưng cho sự may mắn. Ở tiểu bang Nam Carolina, món ăn này còn có tên gọi khác là Charleston.

12 trái nho – Tây Ban Nha

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Đây không hẳn là một món ăn mà nó chính là văn hóa chung của người dân Tây Ban Nha khi chào đón năm mới. Thông thường, họ sẽ có nhiều sự lựa chọn đón năm mới như ở quảng trường hay ở nhà xem qua ti-vi. Dù là hình thức nào thì nghi thức 12 trái nho cũng luôn có.

Theo truyền thống, vào lúc nửa đêm, họ ăn một quả nho cho mỗi lần chuông đồng hồ điểm, cứ thế, cho đến khi đủ 12 quả. Có người còn gọt vỏ, gieo hạt để cầu thêm sự may mắn. Về nguồn gốc, phong tục này bắt đầu từ đầu thế kỷ 20 tại các nơi sản xuất nho ở miền Nam Tây Ban Nha. Rồi cứ thế, nó lan rộng đến nhiều quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.

Tamales – Mexico

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Khá tương đồng với món bánh chuối được gói trong lá của các tỉnh, thành miền tây Việt Nam, Tamales là loại bánh gồm bột ngô nhồi thịt, pho mát cùng một số nguyên liệu đặc trưng được gói trong lá chuối hoặc vỏ bắp. Đây là món ăn truyền thống thường thấy trong các kỳ nghỉ lễ tại quốc gia mexico.

Khác với các món bánh công nghiệp khác, Tamales được gói bởi bàn tay khéo léo của các nhóm phụ nữ Mexico. Thông thường họ quây quần bên nhau, chia các đầu việc ra cho từng thành viên để cùng cho ra những mẻ bánh Tamales hấp dẫn.

Ngày đầu năm mới, món bánh này thường dùng chung với món súp ba chỉ để cầu mong may mắn và hạnh phúc. Nếu bạn không sinh sống ở Mexico thì có thể tìm đến các nhà hàng của người Mexico tại quốc gia của mình để thưởng thức Tamales.

Oliebollen – Hà Lan

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Tại Hà Lan, có một món ăn vặt rất được ưa chuộng trong đêm giao thừa hay ngày đầu năm mới. Oliebollen hay còn gọi là bánh trái bóng chiên được bán trên các xe hàng rong ở khắp nẻo đường Hà Lan, phổ biến nhất là tại thành phố Amsterdam, thủ đô Hà Lan.

Về ngoại hình, chúng giống những quả bóng tròn, được làm từ hỗn hợp bột trộn với nho hoặc nho khô rồi đem chiên trong chảo ngập dầu. Sau đó, chúng được phủ thêm lớp đường bột để thêm phần đậm đà.

Glücksschwein – Áo và Đức

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Ở hai quốc gia láng giềng của nhau (Áo – Đức), món bánh hạnh nhân có tạo hình chú heo xinh xắn thường được xem là món bánh mang lại may mắn khi dùng trong đêm giao thừa hay ngày đầu năm mới.

Đặc biệt, quan niệm về heo chúc may mắn đối với họ rất quan trọng nên trên bàn tiệc không chỉ có bánh hạnh nhân tạo hình heo mà còn có cả thịt heo sữa rồi dùng chung với ly rượu vang đỏ kèm ít quế và gia vị riêng biệt. Dù là Áo hay Đức thì nó vẫn thường được gọi là bánh Glücksschwein hay Marzipanschwein.

Mì soba – Nhật Bản

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Với người dân Nhật Bản, họ tin rằng trong đêm giao thừa hay ngày đầu năm mới Dương lịch mà thưởng thức một tô mì soba sẽ mang lại sự trường tồn và thịnh vượng. Theo đó có hai món mì soba phổ biến là mì soba kiều mạch hay toshikoshi soba. Đây là truyền thống có từ thế kỷ 17 và đến nay vẫn được người dân xứ Phù Tang duy trì.

Trong một phong tục cầu may mắn khác, món bánh mochitsuki được làm từ gạo nếp vo sạch, ngâm mềm, hấp chính và giã thành khối mịn cũng là món tráng miệng mà người Nhật Bản thường làm trước một ngày năm mới.

King Cake – toàn cầu

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Một chiếc bánh cho ngày đầu năm mới là truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới. Với người Hy Lạp có món bánh Vasilopita; người Pháp có bánh gateau hoặc galette des rois; người Mexico có Rosca de Reyes hay người Bulgari thường thưởng thức banitsa.

Đặc biệt, một số món bánh còn có hình hay đồng xu vàng ẩn trong bánh. Khi cắt bánh, nếu thấy biểu tượng này thì người cắt bánh sẽ có một năm thịnh vượng và nhiều may mắn.

Cotechino con lenticchie – Ý

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Đối với người dân đất nước hình chiếc ủng, họ thường đón giao thừa với bữa tiệc có tên gọi là La Festa di San Silvestro. Thông thường, món đầu tiên sẽ là cotechino con lenticchie truyền thống, tiếp đến là xúc xích, món hầm đậu lăng và kết thúc là món chiacchiere – những viên bột chiên được cuộn trong mật ong và đường bột hoặc thêm một chút bánh mì que.

Theo người Ý quan niệm, đậu lăng là tượng trưng cho tiền bạc và sự may mắn. Được biết, món ăn có nguồn gốc từ Modena, thành phố ở phía Nam của thung lũng Po, thuộc tỉnh Modena vùng Emilia-Romagna nước Ý và đến nay vẫn được duy trì trên khắp nước Ý.

Cá trích ngâm – Ba Lan và Scandinavia

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Do cá trích sinh sống rất nhiều ở Ba Lan và ở Scandinavia, tiểu vùng ở khu vực Bắc Âu nên người dân thường dùng chúng để chế biến thành nhiều món ăn. Do có vảy cá lấp lánh bạc nên người dân ở những nơi trên cho rằng thưởng thức cá trích ngâm vào lúc nửa đêm sẽ mang lại sự thịnh vượng và tiền bạc.

Theo đó, một cách ngâm cá trích phổ biến của người Ba Lan có tên gọi là cá trích ngâm chua – Sledzie Marynowane, được làm bằng cách ngâm toàn bộ cá trích muối trong nước trong khoảng một ngày. Rồi sau đó xếp chúng vào lọ cùng với hành tây, bột ngọt, đường và giấm trắng.

Trong khi đó, người Scandinavi thường bao gồm cá trích trong một bữa tiệc lớn hơn vào lúc nửa đêm với cá hun khói, muối, pate và thịt viên.

Kransekage – Đan Mạch và Nauy

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Kransekage hay còn gọi là bánh vòng hoa, là một tháp bánh bao gồm nhiều vòng bánh đồng tâm xếp chồng lên nhau. Thông thường, chúng được làm cho đêm giao thừa và các dịp đặc biệt khác ở Đan Mạch và Na Uy.

Nguyên liệu để làm bánh chủ yếu là bánh hạnh nhân, ở giữa bánh có thể trang trí thêm một chai rượu vang hay aquavit, cùng ít nguyên liệu trang trí khác như cờ tạo hình hay bánh quy giòn.

Phúc An

Theo CNN

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/10-mon-an-phuong-tay-duoc-ua-chuong-trong-dem-giao-thua-chao-don-nam-moi/