10 dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tích hợp, lồng ghép các nguồn lực thực hiện hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành Kế hoạch số 147/KH-UBND về thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Biểu diễn cồng chiêng là loại hình văn hóa phi vật thể cần được gìn giữ. Trong ảnh: Múa cồng chiêng trong lễ hội mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng Bù Đăng - Ảnh: TL

Theo kế hoạch, từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương thực hiện 10 dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Theo đó phấn đấu trong năm 2024: Giải quyết đất ở cho 10 hộ, nhà ở cho 124 hộ (xây dựng mới nhà ở cho 99 hộ và sửa chữa nhà ở cho 25 hộ); hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 91 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 57 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung 5 công trình. Tiếp tục đầu tư các dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và những nơi cần thiết; phấn đấu 100% thôn có đường giao thông đến trung tâm được cứng hóa; đầu tư hoàn chỉnh một số công trình cơ sở hạ tầng thuộc vùng đồng bào DTTS&MN. Hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được thực hiện trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh, trong đó ưu tiên nguồn lực của chương trình đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn (xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn), xã an toàn khu thuộc vùng đồng bào DTTS&MN.

Chương trình với mục tiêu trên 95% phụ nữ có thai được phổ biến kiến thức, khám thai định kỳ, hỗ trợ y tế, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào DTTS. Xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông bán trú vùng đồng bào DTTS&MN; đào tạo nghề cho khoảng 400 người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã đặc biệt khó khăn; bồi dưỡng kiến thức về chính sách dân tộc, công tác dân tộc cho khoảng 1.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ cơ sở, cộng đồng dân cư.

Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; xây dựng các mô hình văn hóa truyền thống; các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại thôn, ấp vùng DTTS&MN; hỗ trợ đội văn nghệ được thành lập tại nhà văn hóa - khu thể thao các thôn, ấp; hỗ trợ trang thiết bị cho nhà văn hóa - khu thể thao tại các thôn, ấp; hỗ trợ chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu vùng đồng bào DTTS&MN; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn, ấp vùng đồng bào DTTS&MN; hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, phục dựng lễ hội tiêu biểu thuộc vùng đồng bào DTTS&MN; thực hiện đầu tư bảo tồn thôn, ấp truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch…

Đồng thời, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người có uy tín trong cộng đồng làm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở trong vùng đồng bào DTTS&MN.

PV

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/156857/10-du-an-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui