10 dự án điện gió triển khai cầm chừng, chậm tiến độ

Sở Công thương vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh về việc rà soát tổng thể tiến độ các dự án điện gió trên địa bàn. Theo đó, ngoài 2 dự án đã ký kết hợp đồng mua sắm thiết bị và triển khai thi công hoàn thành công tác xây lắp thì các dự án còn lại đều chậm tiến độ đề ra.

 Trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện có nhiều dự án điện gió đã vận hành thương mại - Ảnh: L.T

Trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện có nhiều dự án điện gió đã vận hành thương mại - Ảnh: L.T

Cụ thể, hiện trên địa bàn tỉnh có 12 dự án điện gió đang triển khai với tổng công suất 454 MW. Tuy nhiên, chỉ có 2 dự án là Nhà máy Điện gió Hướng Linh 3 với công suất 30 MW và Nhà máy Điện gió Hướng Linh 4 công suất 30 MW đã hoàn thành công tác xây lắp, đang chờ khung giá phát điện của cấp có thẩm quyền để triển khai đấu nối lên lưới điện quốc gia, thí nghiệm, hiệu chỉnh và chuẩn bị đưa vào vận hành; 10 dự án còn lại gồm các nhà máy điện gió: Tân Hợp, Hải Anh, Hướng Phùng 1, Hướng Hóa 1, Quảng Trị 1, TNC Quảng Trị 1, LIG Hướng Hóa 2, Hướng Linh 5, Hướng Hiệp 2 và Hướng Hiệp 3 đều chậm tiến độ đề ra.

Theo báo cáo của Sở Công thương, bên cạnh ảnh hưởng từ các yếu tố bất lợi về thời tiết, COVID-19 và giải phóng mặt bằng, nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án điện gió còn do không có cơ chế chuyển tiếp khuyến khích phát triển các dự án điện gió sau ngày 31/10/2021. Từ đó, các nhà đầu tư không ký kết được hợp đồng tín dụng để mua sắm thiết bị; triển khai dự án cầm chừng do chưa có chính sách phát triển các dự án điện gió, cơ chế giá mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Cũng theo báo cáo, Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022 quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Theo đó, các chủ đầu tư nhà máy điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện có trách nhiệm cung cấp báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc thiết kế kỹ thuật cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm xây dựng khung giá phát điện và gửi Cục Điều tiết điện lực thẩm định; Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt. Đây là pháp lý quan trọng để chủ đầu tư các dự án điện gió có cơ sở triển khai đầu tư. Sau khi có cơ chế chuyển tiếp nêu trên, nếu vẫn có trường hợp các dự án chậm tiến độ thì sẽ xem xét, xử lý theo quy định.

Lê Trường

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=172180&title=10-du-an-dien-gio-trien-khai-cam-chung-cham-tien-do-