1 án lệ nhân văn về giao nhà đất cho người cao tuổi

Trước khi quyết định giao cho người cao tuổi nhà đất bằng hiện vật, cần kiểm tra khả năng thi hành án của người cao tuổi đối với việc thanh toán cho đồng sở hữu còn lại.

TAND Tối cao vừa công bố bảy án lệ mới. Trong đó, Án lệ 67/2023/AL (về người được nhận hiện vật khi chia tài sản chung) dựa trên Quyết định giám đốc thẩm 40/2021/DS-GĐT ngày 23-6-2021 của TAND Cấp cao tại Hà Nội về vụ án tranh chấp chia tài sản chung.

Bà nội được nhận nhà vì tuổi cao, khó tạo lập chỗ ở khác

Nội dung vụ án: Năm 2012, vợ chồng cụ Đ lập di chúc cho cháu nội (anh H) tài sản chung của họ là thửa đất, trên đất có ngôi nhà hai tầng. Sau khi chồng chết, cụ Đ và người cháu đã lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế: Anh H được hưởng toàn bộ di sản của ông nội; cụ Đ và anh H là đồng sở hữu, sử dụng diện tích nhà đất. Cụ Đ và anh H đã được cấp giấy chứng nhận.

Sau đó, cụ Đ khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung giữa cụ Đ với anh H, đề nghị được sử dụng nhà đất và thanh toán giá trị tài sản cho anh H.

Xử sơ thẩm hồi tháng 7-2020, TAND huyện Thanh Trì, TP Hà Nội giao cụ Đ sở hữu, sử dụng toàn bộ nhà đất; phải thanh toán cho anh H 1/2 giá trị tài sản chung (hơn 1,3 tỉ đồng).

Xử phúc thẩm, TAND TP Hà Nội chấp nhận kháng cáo của anh H, sửa án sơ thẩm theo hướng anh H được sở hữu, sử dụng toàn bộ nhà đất và thanh toán cho cụ Đ 1/2 giá trị tài sản chung (hơn 1,3 tỉ đồng).

Xử giám đốc thẩm, TAND Tối cao giữ phán quyết của tòa sơ thẩm với nhận định: Nhà đất có nguồn gốc là của vợ chồng cụ Đ tạo lập. Hai cụ sinh sống trên đất từ năm 1980. Sau khi chồng qua đời, cụ Đ vẫn quản lý, sử dụng và thờ cúng. Năm 2016, anh H mới chuyển đến sinh sống cùng cụ Đ. Anh H không tạo lập được tài sản nào trên đất.

Cụ Đ đã tuổi cao, sức yếu, có hạn chế trong việc thay đổi, tạo lập chỗ ở khác nên quyết định của tòa sơ thẩm là phù hợp với nguồn gốc và quá trình hình thành khối tài sản chung. Anh H được hưởng giá trị 1/2 tài sản chung nói trên đủ để tạo lập chỗ ở mới.

Ủng hộ vì tính nhân văn

Luật sư (LS) Trần Trọng Hiếu (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng án lệ này đã đưa ra được căn cứ để giải quyết đối với các vụ án chia tài sản chung là quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với nhà đất không thể chia bằng hiện vật được. Điều đặc biệt của án lệ này là người được ưu tiên trong việc được nhận nhà đất là người tuổi cao, sức yếu, có hạn chế trong việc thay đổi, tạo lập chỗ ở mới và họ chính là người cùng tạo lập tài sản chung với người để lại di sản.

“Tài sản là hiện vật, là nơi mà người cao tuổi gắn bó, là chỗ dựa tinh thần của họ khi về già. Bên cạnh đó, hiện vật đó còn là nơi thờ cúng người để lại di sản. Do vậy, việc giao cho người cao tuổi hiện vật thể hiện tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với pháp luật” - LS Hiếu đánh giá.

Bình luận thêm về án lệ này, GS-TS Đỗ Văn Đại (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết đây là án lệ đã gây băn khoăn trong quá trình xây dựng, đặc biệt giữa các thành viên của Hội đồng tư vấn án lệ. Tuy nhiên, sau đó án lệ này đã được thông qua.

Theo GS-TS Đại, trong quá trình xây dựng án lệ này, ông ủng hộ hướng của án lệ vì tính nhân văn mà việc áp dụng án lệ có thể mang lại. Ở đây, nhà đất là do người cao tuổi tạo lập trước đó và hiện đang sống ổn định. Do đó, việc giao cho người cao tuổi như nội dung án lệ sẽ giúp người cao tuổi không bị xáo trộn cuộc sống.

Cạnh đó, án lệ này vẫn bảo đảm quyền lợi cho đồng sở hữu còn lại. Họ không được nhận nhà đất nhưng vẫn được nhận giá trị phần của mình trong khối tài sản chung bằng tiền.

Những lưu ý khi áp dụng án lệ

Khi áp dụng án lệ này, cần xem xét hai vấn đề. Thứ nhất, trong quyết định gốc không rõ tài sản chung có thể chia bằng hiện vật hay không nhưng trên cơ sở đề xuất của tôi trong quá trình xây dựng án lệ, phần khái quát nội dung án lệ đã cụ thể hóa nội dung này với khẳng định “Nhà đất không thể chia bằng hiện vật”. Do đó, án lệ này không được áp dụng khi nhà đất là tài sản chung có thể chia bằng hiện vật (lúc đó mỗi đồng sở hữu đều được nhận bằng hiện vật).

Thứ hai, nếu người cao tuổi không có điều kiện thanh toán bằng tiền cho đồng sở hữu còn lại đối với phần của đồng sở hữu, án lệ cũng không được áp dụng. Thực tế, nếu người cao tuổi không có khả năng thanh toán phần của đồng sở hữu mà vẫn giao nhà đất cho người cao tuổi thì khó thi hành án và nhiều khả năng tài sản chung lại phải bán đấu giá nên mục đích bảo vệ người cao tuổi không đạt được.

Vì vậy, trước khi quyết định giao cho người cao tuổi nhà đất bằng hiện vật, cần kiểm tra khả năng thi hành án của người cao tuổi đối với việc thanh toán cho đồng sở hữu còn lại.

GS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI, Trường ĐH Luật TP.HCM

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/1-an-le-nhan-van-ve-giao-nha-dat-cho-nguoi-cao-tuoi-post755231.html