1.000 nghệ nhân trình diễn tại Festival khèn Mông Yên Bái

Điểm nhấn của lễ khai mạc Festival trình diễn khèn Mông Yên Bái năm 2023 là màn đồng diễn nghệ thuật của 1.000 nghệ nhân, diễn viên.

Lễ công bố Quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật khèn Mông; nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn và Festival trình diễn khèn Mông, Lễ hội hoa tớ dày năm 2023 sẽ được tổ chức vào ngày 23/12 tới tại sân vận động trung tâm huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Điểm nhấn trong đêm khai mạc là chương trình "Tinh hoa nghệ thuật khèn Mông" với điểm nhấn là màn đồng diễn nghệ thuật khèn có sự tham gia của trên 1.000 nghệ nhân, diễn viên của huyện Mù Cang Chải.

Nghệ thuật khèn của người Mông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: TL

Ngoài hoạt động chính trong lễ khai mạc, huyện Mù Cang Chải sẽ tổ chức các sự kiện đồng hành như: Diễu hành đường phố; giao lưu trình diễn di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc H’Mông; hội thi múa Khèn; hoạt động bay dù lượn tại đèo Khau Phạ.

Đến với Mù Cang Chải trong dịp này, du khách còn được hòa mình trong không gian văn hóa dân tộc Mông, không gian chợ phiên để cảm nhận được nét đẹp văn hóa riêng biệt cùng những phong tục, tập quán của người dân địa phương; chiêm ngưỡng sự khéo léo của các nghệ nhân, người dân trong chế tác khèn Mông, vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải…

Hoa tớ dày là thứ "đặc sản" riêng của núi rừng Tây Bắc và Mù Cang Chải. Ảnh: TTXVN

Du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ sắc hồng của hoa tớ dày. Đây loài cây thân gỗ, thuộc họ hoa đào, chỉ mọc và nở ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Với đặc thù thời tiết càng lạnh hoa nở càng đẹp, loại hoa rừng này được người Mông gọi là “pằng tớ dày” (hoa đào rừng). Hoa thường nở vào gần cuối tháng 12, trước hoa đào khoảng 1 tháng.

Nghệ thuật khèn của đồng bào Mông được xếp vào loại hình: Tập quán xã hội và tín ngưỡng - Nghệ thuật trình diễn dân gian. Khèn (tiếng Mông gọi là "Kềnh" hay "Khềnh") là nhạc cụ độc đáo, gắn liền với hình ảnh những chàng trai dân tộc Mông rắn rỏi, tài hoa hiên ngang giữa đại ngàn gió núi. Cây khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, đồng thời là nhạc khí linh thiêng kết nối giữa trần gian và thế giới tâm linh, cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, phản ánh sâu sắc những sắc thái tình cảm, tâm tư cuộc sống của dân tộc Mông.

Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông được xếp vào loại hình: Tri thức dân gian. Đây là sản phẩm của lao động thủ công, đồng thời mang giá trị tinh thần đầy tính biểu tượng, gắn với nhân sinh quan, vũ trụ quan của tộc người, là kết tinh của một hệ thống tri thức dân gian, phản ánh quá trình lịch sử, những cái nhìn sinh động về thế giới quan, về môi trường sống qua lăng kính của người Mông.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/1000-nghe-nhan-trinh-dien-tai-festival-khen-mong-yen-bai-post277061.html