04 nguyên tắc thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 (*)

Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 cần thực hiện theo 4 nguyên tắc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đã định hướng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Trong đó, đề ra các chỉ tiêu kinh tế - tài chính cơ bản như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5-7,0%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD. Tỷ lệ huy động nguồn ngân sách giai đoạn 2021-2025 đạt 15-16% GDP; nợ công giảm dần, đến năm 2025 khoảng 47,5% GDP, nợ Chính phủ đến năm 2025 khoảng 43,8% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, Kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính của Nhà nước và xã hội phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công đảm bảo an toàn, bền vững góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh...

Để đáp ứng được định hướng trên, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 cần thực hiện theo 4 nguyên tắc sau:

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch tài chính - NSNN tích cực nhưng thận trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia; chủ động hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước; đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh nền tài chính quốc gia.

Thứ hai, quán triệt định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Thứ ba, tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thu, chi NSNN, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, sức chống chịu của nền tài chính quốc gia trong quản lý, điều tiết nền kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập khu vực và thế giới trong tình hình mới.

Thứ tư, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính-ngân sách; công khai, minh bạch; đẩy mạnh trách nhiệm giải trình; tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính-NSNN.

Trên cơ sở các mục tiêu, yêu cầu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng VIII, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và các báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương xây dựng, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Kế hoạch tài chính - NSNN 5 năm 2021-2025 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

(*) Lược trích từ bài "Kết quả thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch giai đoạn 2021-2025" - Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2021.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chuyen-dong-tai-chinh/04-nguyen-tac-thuc-hien-ke-hoach-tai-chinh-5-nam-quoc-gia-giai-doan-20212025-335061.html