Xu hướng phát triển của thị trường nguyên liệu thô thế giới

Giá của kim loại đồng đang ngày càng leo cao, hiện đã vượt qua mức hơn 10.000 USD/tấn và con số này có thể sẽ tiến lên chạm ngưỡng 15.000 USD/tấn vào cuối thập kỷ này.

Giá kim loại đồng tăng vọt vượt qua mức 10.000 USD/tấn. Ảnh minh họa: REUTERS/TTXVN

Phát biểu với nhật báo Les Echos của Pháp, Giáo sư Philippe Chalmin, chuyên gia lịch sử kinh tế của Đại học Paris-Dauphine, Chủ tịch sáng lập cơ quan nghiên cứu Cyclope nhận định, trên thị trường nguyên liệu thô, xu hướng phát triển đang có lợi cho kim loại đồng và tăng trưởng bên ngoài.

Theo Giáo sư Philippe Chalmin, trong một thời gian dài, trên bản đồ khoáng sản thế giới, các công ty khai thác mỏ hàng đầu thế giới ở Nam Mỹ thường thuộc về các đế quốc thuộc địa Anh, Bỉ, Hà Lan và Mỹ. Làn sóng quốc hữu hóa lớn vào những năm 1970 của thế kỷ trước đã xóa bỏ phần lớn thế hệ khai thác mỏ “đa quốc gia” đầu tiên này. Sau đó, hoạt động khai khoáng tập trung ở các quốc gia an toàn hơn: Ngoài Canada, nơi có truyền thống khai thác mỏ rất lâu đời, còn có Australia và Brazil.

Tiếp theo, những gã khổng lồ khai thác mỏ mới ra đời, hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực khai thác kim loại màu, than và quặng sắt, trong đó nổi bật là hai tập đoàn của Australia là BHP và Rio Tinto, công ty Brazil Vale, tập đoàn của Nam Phi Anglo American và Glencore của Thụy Sỹ. Cả năm tập đoàn này đều mạnh ngang nhau và cùng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng, với quy mô cũng như sức mạnh tài chính không gì so sánh được. Cách đây mười năm, cũng đã lan truyền tin đồn về việc sáp nhập giữa công ty này với công ty kia, nhưng không thành hiện thực. Các đối tác Trung Quốc cũng rất quan tâm đến các tập đoàn này.
Trên thị trường nguyên liệu, các nhà sản xuất sắt và than đã gặp nhiều may mắn, với hoạt động kinh doanh thuận buồm xuôi gió. Nhu cầu gia tăng của Trung Quốc không chỉ làm cho BHP và Rio Tinto của Australia vui mừng, mà cả Vale và Glencore của Brazil cũng kiếm lời nhờ xuất khẩu than. Tuy nhiên, các nhà sản xuất kim loại màu đã và vẫn đang trải qua giai đoạn khó khăn đối với niken.
Tất cả những điều này đã mang lại “sự thèm khát mới” cho các công ty khai thác lớn đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan kinh điển: tăng trưởng nội địa hay tăng trưởng bên ngoài ? Hơn bao giờ hết, việc triển khai các dự án khai thác mới gần như chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, do nhu cầu tăng, đặc biệt đối với mặt hàng kim loại đồng.
Nhưng thế giới cần ít nhất 10 tỷ USD và tối thiểu 10 năm để triển khai mỏ mới nếu không vấp phải tất cả các vấn đề và tranh chấp phát sinh từ quan hệ với chính quyền địa phương và từ các phong trào môi trường. Vào cuối năm 2023, chính quyền Panama đã quyết định đóng cửa Cobre Panama, một trong những mỏ đồng lộ thiên lớn nhất thế giới, thuộc sở hữu của First Quantum của Canada, trước đó vẫn hoạt động tốt trong suốt 20 năm. Điều này giải thích rõ ràng sự thiếu hứng thú đầu tư vào khai thác mỏ hiện nay.
Với túi tiền dồi dào, việc "tăng trưởng bên ngoài" đang được ưa chuộng và trong số “năm ông lớn”, Anglo American chắc chắn là mắt xích yếu nhất. Trên thực tế, Anglo chiếm 40% hoạt động ngành này tại Nam Phi nơi tất cả các vấn đề hàng ngày, chẳng hạn như sự thiếu hụt của mạng lưới điện, đang ảnh hưởng đến hoạt động khai thác.
Ở Nam Phi, Anglo sản xuất chủ yếu bạch kim và kim cương, hai khoáng sản ít chịu ảnh hưởng nhất bởi nền kinh tế đang suy thoái. Hơn nữa, 850.000 tấn đồng được sản xuất ở Chile và Peru. Bản thân BHP cũng là một nhà sản xuất đồng lớn, đã không phản đối khi đưa ra lời đề nghị mua lại Anglo và đề xuất rõ ràng việc loại bỏ cổ phiếu của Nam Phi. Anglo đang chống đỡ, nhưng câu chuyện chỉ mới bắt đầu với việc một vài kẻ săn mồi khác, rất có thể là Glencore, đang "mài dao" chờ sẵn.
Cũng cần phải nhớ là giá của kim loại đỏ này đang ngày càng cao, đã ở mức hơn 10.000 USD/tấn, và con số này có thể sẽ vượt quá 15.000 USD/tấn vào cuối thập kỷ này, do khoảng cách ngày càng lớn giữa nguồn cung, vốn đang bị ngưng trệ và nhu cầu đang không ngừng gia tăng.
BHP và Anglo sẽ đại diện cho 10% thị trường toàn cầu và do đó sẽ đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Khoản đầu tư này ít tốn kém hơn cả so với việc đầu tư vào khai thác mỏ mới vốn không chắc chắn. Trong thế giới khai thác mỏ và kim loại, lịch sử không thiếu các câu chuyện các hãng thôn tính lẫn nhau. Sẽ chẳng ai còn nhớ Pechiney được Alcan mua lại, rồi sau đó bị Rio Tinto nuốt chửng.

Thu Hà (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xu-huong-phat-trien-cua-thi-truong-nguyen-lieu-tho-the-gioi/332988.html