Xếp lương nhà giáo cao nhất: Băn khoăn về tính khả thi, Bộ GD&ĐT nói gì?

Nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của đề xuất thực hiện xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

"Nhà giáo có thể có quyền được hy vọng không hay lại mừng hụt như lần trước”?

Một trong những nội dung được quan tâm tại tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo (diễn ra ngày 17/5) là tính khả thi của đề xuất thực hiện xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Một phóng viên băn khoăn, năm 2019 khi xây dựng Luật Giáo dục sửa đổi, vấn đề xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương từng được đề cập, tuy nhiên điều này đã không thể thực thi bởi lý do không có nguồn lực để thực hiện.

Bởi vậy, với quyết tâm thực hiện chủ trương xếp lương giáo viên cao nhất lần này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính khả thi của đề xuất lại được đặt ra, và liệu “nhà giáo có thể có quyền được hy vọng không hay lại mừng hụt như lần trước”?

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên cũng lo lắng về việc thu nhập có thể sẽ bị giảm vì không còn phụ cấp thâm niên, theo đề án cải cách tiền lương dự kiến áp dụng từ 1/7/2024 sắp tới.

Tiến sĩ Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục. Ảnh: Trần Hiệp

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, hiện nay cả nước đang thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết 104/2023/QH15 nhằm thực hiện việc cải cách tiền lương.

Trong đó, theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW, thiết kế cơ cấu tiền lương mới bao gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Theo đó từ ngày 01/7/2024 khi thực hiện cải cách tiền lương, đối với ngành giáo dục, ngoài tiền lương các thầy cô được hưởng thêm phụ cấp ưu đãi theo nghề, chiếm khoảng 30% tổng tiền lương. Và theo ông Đức, mức phụ cấp theo nghề của nhà giáo là cao nhất trong số các ngành nghề được hưởng mức phụ cấp này.

Bên cạnh đó, một nguyên tắc trong thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, đó là “tiền lương mới không thấp hơn mức tiền lương cũ”. Trường hợp sắp xếp tiền lương mới mà thấp hơn tiền lương các thầy cô đang được hưởng thì các thầy cô được quyền bảo lưu tiền lương cũ. Do vậy ông Đức nhắn nhủ đội ngũ nhà giáo yên tâm về việc cải cách tiền lương sắp tới.

"Các thầy cô yên tâm là tiền lương mới từ 1/7 chắc chắn cao hơn tiền lương cũ", lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nhấn mạnh.

Về vấn đề có đủ hay không nguồn lực để thực hiện chủ trương xếp lương nhà giáo cao nhất, Tiến sĩ Vũ Minh Đức thừa nhận, “việc này Ban soạn thảo hay Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không thể trả lời được, bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo không nắm con số về ngân sách nhà nước”. Dù vậy, lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cũng cho rằng khi chủ trương này được đưa ra tại Nghị quyết 27-NQ/TW thì Đảng chắc chắn đã có tính toán chi tiết, và bày tỏ hy vọng sẽ sớm thực hiện được việc cải thiện tiền lương cho đội ngũ nhà giáo.

Chứng chỉ hành nghề: Cơ quan nào cấp thì cơ quan đó có quyền thu hồi

Ảnh minh họa: Ngân Chi

Liên quan đến chứng chỉ hành nghề, nhiều ý kiến tại tọa đàm bày tỏ băn khoăn về đối tượng tham gia kỳ đánh giá sát hạch, cấp có thẩm quyền thu hồi chứng chỉ,...

Trao đổi thêm về nội dung này, Tiến sĩ Vũ Minh Đức cho biết, hiện nay để trở thành giáo viên có hai nguồn, gồm: Sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm (cao đẳng sư phạm và trường đại học sư phạm, trường đại học có đào tạo giáo viên) và người tốt nghiệp ngành khác, đạt trình độ đào tạo theo quy định và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Tất cả những đối tượng này đều phải thực hiện việc thực tập trong thời gian 1 năm, sau đó sẽ được đánh giá hoàn thành, và được cơ quan tuyển dụng cho tuyển dụng.

Trong đó, người muốn trở thành nhà giáo cần đảm bảo 3 yếu tố: kiến thức chuyên môn đối với môn học sẽ giảng dạy, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng giảng dạy. Đây là 3 yếu tố hình thành chứng chỉ hành nghề, nội dung cốt lõi

“Có những người đủ bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nhưng kỹ năng giảng dạy không có. Vì vậy, đây là ba yếu tố cần có để hình thành chứng chỉ hành nghề”, Cục trưởng Vũ Minh Đức cho hay.

Theo đó, ông Đức nhấn mạnh, kể cả người tốt nghiệp sư phạm hoặc người không tốt nghiệp sư phạm, trước khi hành nghề giảng dạy cũng cần phải có quá trình đào tạo, tạm gọi là quá trình đào tạo nghề.

Cấu trúc mô-đun đào tạo nghề sẽ có những mô-đun đã được giảng dạy trong các trường đại học sư phạm. Vì vậy, với những sinh viên tốt nghiệp trường sư phạm khi tham gia các khóa đào tạo này sẽ không phải học những nội dung trùng lặp và được rút ngắn thời gian đào tạo nghề để sớm được cấp chứng chỉ hành nghề.

Như vậy, có sự phân biệt giữa sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm và không tốt nghiệp các trường sư phạm trong quá trình để cấp giấy chứng nhận hành nghề.

Đối với thẩm quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề, Tiến sĩ Vũ Minh Đức cho hay, cơ quan nào cấp thì cơ quan đó có quyền thu hồi.

Chẳng hạn, với cơ quan cấp Bộ gồm có Bộ Giáo dục và Đào tạo , Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp chứng chỉ hành nghề cho giảng viên các cơ sở giáo dục trực thuộc thì Bộ có quyền thu hồi. Tương tự, các sở Giáo dục và Đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên ở địa phương mình thì có thể thu hồi.

Với những đối tượng không công tác trong các cơ sở giáo dục nhưng vẫn hành nghề dạy học vậy có được điều chỉnh trong Luật này hay không cũng là vấn đề được nêu ra tại tọa đàm. Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, những đối tượng này nếu có nhu cầu và đủ điều kiện theo quy định vẫn được cấp giấy phép chứng chỉ hành nghề.

Tuy nhiên đối với việc quản lý đội ngũ này, ông cho biết trong quá trình soạn thảo, ban soạn thảo đã đề cập đến, nhưng những đối tượng này khá phức tạp và biến đổi rất nhanh, đặc biệt là những người đào tạo trực tuyến. Vì thế, ban soạn thảo sẽ có đề xuất thí điểm thực hiện quản lý một số đối tượng này, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung.

Nhiều yêu cầu cao, liệu Luật Nhà giáo có thành rào cản với người học sư phạm?

Toàn cảnh tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo (diễn ra chiều ngày 17/5). Ảnh: Trần Hiệp

Tại tọa đàm, cũng có ý kiến bày tỏ lo lắng liệu Luật Nhà giáo với nhiều yêu cầu cao như vậy có khiến “người học sư phạm cảm thấy nhụt chí” và ảnh hưởng tới bài toán tuyển dụng sau này. Trả lời vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Minh Đức khẳng định:

“Đảng và Nhà nước luôn luôn coi trọng vị trí của nhà giáo, chính vì sự quan tâm như vậy nên đã dành cho nhà giáo 1 bộ luật để điều chỉnh. Luật Nhà giáo là luật điều chỉnh về người, mà hiện nay có rất ít trong hệ thống pháp luật của chúng ta”, ông Đức bày tỏ, và cho rằng đây là sự đánh giá rất cao.

Bên cạnh đó, Luật Nhà giáo cũng thiết kế ưu đãi của nhà giáo cao hơn so với các ngành nghề khác, ví dụ lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp.

Cục trưởng Vũ Minh Đức chia sẻ, đặc thù nhà giáo là đào tạo ra sản phẩm nhân cách của người học, nên những yêu cầu được nêu ra trong Luật Nhà giáo là hoàn toàn phù hợp với sản phẩm đầu ra của giáo dục.

Trao đổi tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, như Nghị quyết 95 của Chính phủ nêu, việc xây dựng Luật Nhà giáo là cấp thiết, cần thiết và hết sức quan trọng.

“Đây là bộ Luật hết sức khó khăn vì đây là bộ Luật mới, lần đầu tiên được xây dựng chứ không phải sửa đổi. Bên cạnh đó, bộ Luật này khó vì chúng ta đã có hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhà giáo.

Luật này còn liên quan tới những bộ Luật khác như Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Lao động, Luật Bảo hiểm thì phải xác định việc xây dựng luật này để không chồng chéo, không mâu thuẫn với các luật khác như thế nào. Bên cạnh đó, đối tượng nhà giáo rất rộng ở các cấp học, ở các vùng miền, ở các loại hình khác nhau,...”, Thứ trưởng chia sẻ thêm về những điểm khó khăn khi xây dựng bộ Luật.

Trên cơ sở đó, để luật đi vào cuộc sống và đáp ứng kỳ vọng của hơn 1 triệu nhà giáo, Thứ trưởng mong mỏiphát huy trí tuệ của xã hội và nhân dân, của các tầng lớp để xây dựng hoàn thiện Luật Nhà giáo.

Liên quan đến dự thảo Luật Nhà giáo, Ban soạn thảo bộ Luật này đặt ra một số nội dung cần lấy ý kiến thêm, bao gồm chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo và việc nghiên cứu nhóm đối tượng nhân sự giáo dục khác hoạt động trong cơ sở giáo dục (nhân viên thiết bị thí nghiệm, thư viện, giáo vụ, tư vấn học sinh, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật...) có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà giáo không.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/xep-luong-nha-giao-cao-nhat-ban-khoan-ve-tinh-kha-thi-bo-gddt-noi-gi-post242832.gd