Xây dựng lực lượng không quân nhân dân Việt Nam 'tinh, gọn, mạnh', góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc

Không quân nhân dân (KQND) Việt Nam ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt. Năm 1954, miền bắc hoàn toàn giải phóng và bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Các phi công Trung đoàn không quân 921 (Quân chủng Phòng không - Không quân) trao đổi kinh nghiệm sau ban bay huấn luyện.

Các phi công Trung đoàn không quân 921 (Quân chủng Phòng không - Không quân) trao đổi kinh nghiệm sau ban bay huấn luyện.

Khi đó, nền kinh tế nước ta chưa phát triển, trình độ khoa học kỹ thuật còn thấp, việc đào tạo cán bộ chỉ huy, kỹ thuật, phi công, việc trang bị máy bay và phần lớn các phương tiện kỹ thuật không quân đều phụ thuộc nước ngoài. Trong điều kiện đó, để từng bước thực hiện chủ trương xây dựng quân đội chính quy, tương đối hiện đại, ngày 3-3-1955, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân (QÐND) Việt Nam đã ký Quyết định số 15 thành lập "Ban nghiên cứu sân bay", khởi nguồn cho quá trình phát triển của KQND Việt Nam. Ngày 3-3-1955 trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội không quân.

Đầu năm 1964, đế quốc Mỹ ráo riết tiến hành chiến tranh chống phá miền bắc. Ðể tăng cường lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ngày 3-2-1964, Trung đoàn 921- Ðơn vị Không quân chiến đấu đầu tiên của QÐND Việt Nam được thành lập. Và sau một thời gian tích cực làm công tác chuẩn bị, ngày 3-4-1965, Biên đội MIG-17 (do Phạm Ngọc Lan, Hồ Văn Quỳ, Phan Văn Túc, Trần Minh Phương điều khiển), đã xuất kích bắn rơi hai máy bay F-8U của hải quân Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hóa), thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Mở mặt trận trên không thắng lợi. Ngày 3-4-1965 đã trở thành Ngày truyền thống ra quân đánh thắng trận đầu vẻ vang của KQND Việt Nam Anh hùng.

Tiếp nối truyền thống ra quân đánh thắng trận đầu, bằng lối đánh vô cùng độc đáo, sáng tạo, bộ đội không quân đã biết lấy mặt đất, lòng dân làm căn cứ, vận dụng linh hoạt đường lối và nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân, mưu trí, dũng cảm, thực hiện thắng lợi phương châm "lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông", "tiêu diệt địch, bảo vệ mục tiêu và gìn giữ, phát triển lực lượng", "đoàn kết hiệp đồng lập công tập thể"… Nhiều trận không quân ta bất thần xuất kích làm tiêu tan huyền thoại không quân Mỹ không có đối thủ trên chiến trường, góp phần đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền bắc, mà đỉnh cao là đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền bắc, buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định hòa bình Pa-ri ngày 27-1-1973, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam, đẩy nhanh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn năm 1975.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, bộ đội không quân đã sử dụng hiệu quả hàng trăm máy bay chiến lợi phẩm, xuất kích hàng nghìn lần, đánh hàng trăm trận, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng vũ trang nước bạn Cam-pu-chia giải phóng khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt.

65 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ KQND Việt Nam luôn luôn giữ vững và phát huy phẩm chất cao quý "Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới; Người chiến sĩ "Phòng không -Không quân ưu tú". Và viết nên truyền thống: "Trung thành vô hạn -Tấn công kiên quyết - Ðoàn kết hiệp đồng - Lập công tập thể". Ghi nhận những thành tích và chiến công đặc biệt xuất sắc, ngày 3-6-1976, KQND Việt Nam đã vinh dự được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN; quán triệt đường lối quân sự, quốc phòng của Ðảng, nhất là Nghị quyết T.Ư 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, thời gian tới, Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ, toàn diện các chủ trương, biện pháp xây dựng Quân chủng PK-KQ nói chung và lực lượng không quân nói riêng "Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", "tinh, gọn, mạnh", đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó tập trung quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng. Tập trung xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; gắn xây dựng tổ chức đảng với xây dựng tổ chức chỉ huy và các tổ chức quần chúng; xây dựng tổ chức đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ"; đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng sôi nổi, rộng khắp, tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, "mẫu mực tiêu biểu".

Giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức và trách nhiệm chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, đội ngũ phi công, thợ máy..., xây dựng lực lượng không quân tiến thẳng lên hiện đại. Làm cho các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị và mọi cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ; thấy được bên cạnh yếu tố hiện đại hóa về vũ khí trang bị thì phải "hiện đại hóa" yếu tố con người. Quan tâm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là khâu đột phá trong nghị quyết lãnh đạo nhiệm kỳ cũng như hằng năm của các cấp ủy đảng; bằng nhiều biện pháp: Tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chỉ huy tham mưu, tác chiến, đội ngũ phi công, cán bộ, nhân viên kỹ thuật các chuyên ngành tại các học viện, nhà trường; đào tạo tại chức, đồng thời lựa chọn một số phi công, cán bộ chỉ huy, nhân viên kỹ thuật hàng không có phẩm chất, năng lực, trình độ tốt gửi đi đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài làm nòng cốt trong tiếp nhận tri thức công nghệ mới, hiện đại.

Tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị mới, cải tiến, trọng tâm huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay và an toàn trong mọi hoạt động. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy T.Ư về "Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo"; Nghị quyết 227-NQ/ÐU của Ðảng ủy Quân chủng về "Tăng cường lãnh đạo công tác huấn luyện, bảo đảm an toàn bay và đấu tranh phòng ngừa tai nạn bay, uy hiếp an toàn bay"; các quy định, quy trình trong hoạt động bay, bảo đảm an toàn bay. Quán triệt nghiêm phương châm, tư tưởng chỉ đạo huấn luyện; thực hiện tốt: "3 khâu", "4 bảo đảm", "5 thực hiện" trong các nội dung, các bước của quy trình bay. Trọng tâm huấn luyện sát thực tế chiến đấu, sát đối tượng tác chiến của cách mạng Việt Nam và cách đánh của bộ đội không quân. Huấn luyện sử dụng thành thạo các trang thiết bị, vũ khí hiện có; ưu tiên huấn luyện phi công trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu, chuyển loại phi công, tổ bay, giáo viên bay và phi công mới tốt nghiệp..., bảo đảm cho phi công sẵn sàng chiến đấu trong mọi điều kiện khí hậu, thời tiết phức tạp ban ngày cũng như ban đêm, nhất là trên hướng biển, đảo.

Cùng với đó, Quân chủng PK-KQ chủ động đề xuất với Bộ Quốc phòng điều chỉnh, sắp xếp, bố trí tổ chức lực lượng trên các vùng, miền cả nước bảo đảm tinh, gọn, thống nhất từ trên xuống dưới, phù hợp yêu cầu xây dựng Quân chủng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại" và thế trận phòng thủ của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Với tinh thần tích cực, chủ động, Bộ đội không quân đã nhanh chóng làm chủ các loại máy bay, vũ khí trang bị kỹ thuật mới, sử dụng thành thạo máy bay trong biên chế; thường xuyên bảo đảm hệ số kỹ thuật đạt và vượt chỉ tiêu; có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị, từng bước ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, số hóa thay thế cho các thiết bị cũ lạc hậu, rút ngắn thời gian bảo đảm độ chính xác tuyệt đối; phối hợp các cơ quan, đơn vị sản xuất thành công lốp máy bay không săm, thiết bị phân biệt địch, ta, tiếp thu làm chủ và sử dụng thành thạo vũ khí kỹ thuật mới như: Máy bay Su-27, Su-30MK2, Casa-212i, Casa-295 và trực thăng Mi-171...

Thực hiện tốt công tác kỹ thuật, hậu cần cho các nhiệm vụ cả thường xuyên và đột xuất. Theo đó, cấp ủy đảng các cấp cần tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả Nghị quyết 382/NQ-ÐUQSTW, ngày 29-11-2007 của Quân ủy T.Ư về "Lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới" và Nghị quyết 623-NQ/QUTW ngày 29-10-2012 của Quân ủy T.Ư về "Công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo"; tập trung triển khai đồng bộ, dứt điểm các chương trình, mục tiêu trọng điểm về bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm hậu cần cho các nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ huấn luyện bay, quản lý bảo đảm an toàn bay, quản lý điều hành bay... Cùng với các nhiệm vụ, toàn quân chủng không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng, chính trị nội bộ, quan tâm chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần, chính sách đặc thù cho đội ngũ phi công quân sự; động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm gắn bó với nghề bay, biết vượt qua khó khăn và sự nguy hiểm, đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể.

Xây dựng lực lượng không quân, Quân chủng PK-KQ hiện đại, "tinh, gọn, mạnh" là chủ trương lớn của Ðảng, Quân ủy T.Ư - Bộ Quốc phòng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nhận thức rõ điều đó, Bộ đội không quân, Quân chủng PK-KQ luôn đề cao trách nhiệm chính trị, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không, cùng với toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa.

Trung tướng LÂM QUANG ÐẠI

Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43450002-xay-dung-luc-luong-khong-quan-nhan-dan-viet-nam-tinh-gon-manh-gop-phan-bao-ve-vung-chac-bau-troi-to-quoc.html