Vùng đất khó 'chuyển mình'

Trà Cú trước đây là huyện nghèo, vùng sâu, có đông đồng bào Khmer nhất tỉnh Trà Vinh. Những năm qua, huyện luôn được ưu tiên nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh để nâng cao đời sống cho người dân. Nhờ vậy, vùng quê nghèo nay đã được 'thay da, đổi thịt'. Trở lại Trà Cú những ngày này, 'dư âm' lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vẫn còn hiện hữu ở những tuyến đường, phum sóc rực rỡ cờ hoa; nét hân hoan, phấn khởi của người dân khi địa phương về đích huyện nông thôn mới.

Trà Cú đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Trà Cú đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Hiện thực hóa ước mơ “an cư”

Ước mơ “an cư” của nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Trà Cú đã được hiện thực hóa trong những căn nhà đại đoàn kết ấm áp tình người. Trong 02 năm 2023 và 2024, từ nguồn Quỹ An sinh xã hội của tỉnh, hộ nghèo và cận nghèo khó khăn về nhà ở huyện được hỗ trợ xây dựng nhà mới, với mức từ 40 - 50 triệu đồng/căn (tùy từng trường hợp). Trong số trên 1.500 căn nhà Đại đoàn kết với tổng số tiền hỗ trợ gần 64 tỷ đồng toàn tỉnh, huyện Trà Cú là địa phương được hỗ trợ nhà nhiều nhất, với 621 căn.

Trong căn nhà Đại đoàn kết mới được xây dựng, chị Trần Thị Mỹ Duyên, thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú chia sẻ, gia đình chị trước đây là hộ nghèo, hai vợ chồng làm thuê để nuôi 02 con nhỏ nhưng bản thân chị hay đau ốm nên kinh tế gia đình phụ thuộc chủ yếu vào chồng. Đủ ăn còn khó huống chi là xây nhà, vì vậy nhiều năm liền, anh chị và các con phải sống trong căn nhà lá siêu vẹo, dột nát. Được chính quyền địa phương đưa vào danh sách hỗ trợ nhà Đại đoàn kết, anh chị rất vui mừng. “Có nơi an cư, gia đình tôi như được tiếp thêm động lực và sức khỏe để lao động sản xuất, có tiền trang trải cuộc sống, lo cho con cái ăn học. Niềm vui như được nhân đôi khi gia đình tôi cũng vừa thoát nghèo”, chị Duyên cho hay.

Cách đó không xa, cùng hoàn cảnh nghèo khó, được hỗ trợ tiền xây nhà mới, chị Trần Thị Út Phượng, thị trấn Trà Cú chia sẻ, gia đình chị được hỗ trợ 40 triệu đồng, được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội 50 triệu đồng trả góp trong vòng 15 năm để xây nhà mới thay cho căn nhà lá mà mùa mưa trong nhà cũng như ngoài sân trước đó. Trong căn nhà mới, chị Phượng chia sẻ “có nhà mới, vợ chồng tôi rất vui, hăng say lao động, thu nhập cũng ổn định hơn trước, và gia đình tôi cũng đã thoát nghèo”.

Huyện Trà Cú có gần 43.400 hộ dân với hơn 147.000 nhân khẩu; trong đó, hộ đồng bào Khmer chiếm gần 62%. Với xuất phát điểm thấp, cùng nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhưng thường xuyên bị ảnh hưởng biến đối khí hậu, nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ nghèo và cận nghèo phải sống trong những căn nhà lá tạm bợ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Trà Cú Lê Thanh Bình, việc triển khai đồng bộ, kịp thời các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo của Trung ương và địa phương đã giúp hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm đáng kể. Cùng với việc hỗ trợ nhà ở, đất ở của Nhà nước, địa phương còn tranh thủ các nguồn vận động từ các nhà hảo tâm xây dựng nhà đồng đội, nhà đại đoàn kết, nhà tình thương... để giúp hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện có được nhà ở kiên cố. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm đến gần 18%, với 7.267 hộ, nhà ở tạm bợ gần 4.400 căn, chiếm tỷ lệ 11,67% nhà ở thì hiện nay, huyện chỉ còn trên 1.000 hộ nghèo, hơn 95% nhà ở đạt chuẩn theo quy định của Bộ xây dựng. Đây là nguồn sẻ chia, động viên rất lớn, giúp hộ nghèo “an cư, lạc nghiệp”, vươn lên ổn định cuộc sống.

Vùng đất khó “chuyển mình”

Trà Cú những ngày tháng 5, diện mạo vùng đất khó hôm nào như khoác trên mình chiếc áo mới. Đường nông thôn được nhựa hóa, bê-tông hóa vào tận phum sóc; các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư khang trang; nhiều ngôi nhà mới kiên cố “mọc” lên…

Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa đảm bảo ô-tô đi lại thuận tiện; trên 97% đường trục ấp, liên ấp được nhựa hóa, bê-tông hóa đảm bảo ô-tô đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận tiện cả trong mùa mưa. Hệ thống thủy lợi được hoàn thiện, khép kín vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất vừa đảm bảo lưu thông và giao thương hàng hóa cho người dân.

Chị Trần Thị Mỹ Duyên (thị trấn Trà Cú) vừa thoát nghèo năm 2023 nhờ được tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Chị Trần Thị Mỹ Duyên (thị trấn Trà Cú) vừa thoát nghèo năm 2023 nhờ được tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Chủ tịch UBND huyện Trà Cú Lê Thanh Bình cho hay, những năm qua, địa phương luôn xác định việc hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Sau 13 năm triển khai Chương trình, bộ mặt nông thôn đã thay đổi tích cực, hệ thống hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa được đầu tư, cải tạo, xây mới ngày một khang trang, sạch đẹp. Đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao đáng kể.

Từ năm 2011 đến nay, huyện Trà Cú đã huy động tổng nguồn lực gần 4.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó, ngân sách Trung ương trên 185 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 833 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 270 tỷ đồng; số tiền còn lại nguồn ngân sách xã, vốn lồng ghép các chương trình, dự án, vốn tín dụng, doanh nghiệp, nguồn vốn huy động…

Đặc biệt Chương trình nhận được đồng thuận rất cao của người dân, minh chứng bà con đã đóng góp hiện vật, diện tích đất trồng hoa trái, cây màu… cùng ngày công lao động để thực hiện Chương trình với tổng giá trị 302 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 62,83 triệu đồng/người/năm, tăng gần 36 triệu đồng so năm 2016; giá trị sản xuất bình quân trên 01ha đất nông nghiệp 148 triệu đồng/năm, riêng đất nông nghiệp - thủy sản đạt 266,46 triệu đồng/năm, tăng trên 166 triệu đồng so với năm 2016.

Theo ông Lê Thanh Bình, lĩnh vực nông nghiệp thủy sản giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của huyện, vì vậy việc phát triển nông nghiệp luôn được huyện quan tâm đầu tư, bố trí nguồn lực để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững. Căn cứ vào tiềm năng, lợi thế và đặc thù của từng địa phương, huyện Trà Cú chia thành 04 tiểu vùng sản xuất. Tương ứng với mỗi tiểu vùng sản xuất, huyện xác định cây trồng, vật nuôi và thủy sản chủ lực để tập trung các giải pháp chỉ đạo phát triển phù hợp.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú Huỳnh Văn Thảo cho biết, Trà Cú được mệnh danh là “vùng đất khó” của tỉnh Trà Vinh. Với nền kinh tế chủ lực là sản xuất nông nghiệp, nhưng địa phương bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nhất tỉnh. Hạn, mặn thường xuyên xâm nhập nội đồng vào mùa khô khiến nhiều diện tích sản xuất bị thiếu nước tưới. Do vậy, huyện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng biến đổi khí hậu; nhất là chuyển đổi những diện tích trồng lúa, mía kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, trồng màu có giá trị kinh tế cao. Cùng với việc vận động chuyển đổi, ngành nông nghiệp huyện cũng tích cực hỗ trợ người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao…

Kết quả, hầu hết các mô hình chuyển đổi cho lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với trồng lúa, mía trên cùng diện tích; một số mô hình nuôi thủy sản cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 10 lần so với trồng lúa và các cây trồng khác.

Vùng đất khó của tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới đã giúp đường về đích tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025 gần kề. Hiện 09/09 đơn vị cấp huyện của tỉnh đã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ và chính quyền tỉnh Trà Vinh quyết tâm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, hướng tới xây dựng hình ảnh nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.

Bài, ảnh: THANH HÒA

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/vung-dat-kho-chuyen-minh-36994.html