Vụ ngộ độc lớn nhất ở Đồng Nai, trách nhiệm chủ cơ sở bánh mì thế nào?

Ngộ độc bánh mì tại Đồng Nai làm 545 người phải nhập viên là vụ ngộ độc thực phẩm gây rúng động địa phương này. Đây là hồi chuông cảnh báo khẩn về đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là thức ăn đường phố. Báo SK&ĐS đã phỏng vấn BSCKII Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai về vấn đề này.

BSCKII Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai

BSCKII Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai

- Thưa ông, vụ ngộ độc thực phẩm bánh mì tại Đồng Nai vừa qua có số bệnh nhân phải nhập viện là 545 người là ca ngộ độc thực phẩm lớn nhất tại địa phương chưa? Trách nhiệm của chủ cửa hàng bánh mì sẽ được làm rõ như thế nào?

BSCKII Lê Quang Trung: Tính đến thời điểm hiện nay, qua rà soát theo số liệu thống kê, vụ ngộ độc thực phẩm bánh mì tại Đồng Nai vừa qua có số bệnh nhân cần nhập viện lên đến hơn 500 người là vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất tại địa phương.

Qua quá trình điều tra, thu thập thông tin từ các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm và xử lý số liệu điều tra dịch tễ để xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chúng tôi xác định và làm rõ chủ cửa hàng bánh mì phải có trách nhiệm trong vụ ngộ độc thực phẩm, họ có thể chịu trách nhiệm bị xử lý hình sự hoặc hành chính tùy thuộc vào mức độ vi phạm.

- Đồng Nai là địa phương có nhiều khu công nghiệp, công nhân, người lao động đông, thức ăn đường phố nhiều…qua vụ ngộ độc thực phẩm tại Cửa hàng bánh mì Băng, TP Long Khánh, ngành Y tế Đồng Nai cần phải làm gì để quản lý thức ăn đường phố?

BSCKII Lê Quang Trung: Để quản lý thức ăn đường phố và đảm bảo an toàn thực phẩm sau vụ ngộ độc tại Cửa hàng bánh mì Băng, TP Long Khánh, ngành Y tế Đồng Nai tiếp tục thực hiện các biện pháp sau: Tăng cường các hoạt động kiểm tra và giám sát đối với các cửa hàng, quầy bánh mì và các điểm kinh doanh thức ăn đường phố khác. Điều này có thể bao gồm kiểm tra vệ sinh, quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu, cách bảo quản thực phẩm và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khác.

Các cơ quan chức năng sẽ cung cấp hướng dẫn về lựa chọn thực phẩm an toàn, quy trình bảo quản, và cách phát hiện các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm. Điều này giúp nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm và khuyến khích họ lựa chọn các nguồn thực phẩm tin cậy.

Xử lý nghiêm và công khai các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành để thực hiện kiểm tra và giám sát hiệu quả hơn đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và tập huấn văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố.

Theo báo cáo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai, hiện nay tất cả các tuyến đều có hồ sơ quản lý các loại hình cơ sở thực phẩm theo phân cấp quản lý. Tổng số cơ sở thực phẩm trên địa bàn là 11.785 cơ sở, trong đó số cơ sở tuyến huyện quản lý là 2.630 cơ sở, số cơ sở tuyến xã đang quản lý là 8.099. Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai quản lý 1.056 cơ sở.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, ngành Y tế Đồng Nai đã thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất hơn 4.100 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh.

- Thời tiết tiếp tục nắng nóng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố còn diễn biến phức tạp, người dân cần làm gì tránh ngộ độc? Quản lý bếp ăn tập thể ở các công ty, nhà máy, trường học…qua vụ việc ngộ độc vừa qua, sẽ được Đồng Nai siết chặt như thế nào?

BSCKII Lê Quang Trung: Để tránh ngộ độc thực phẩm trong thời tiết nắng nóng, người dân nên tuân thủ những biện pháp sau:

Mua thực phẩm từ các cơ sở có nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, xuất xứ rõ ràng và đáng tin cậy, hạn chế mua thức ăn từ các quầy hàng đường phố không rõ nguồn gốc hoặc không đảm bảo vệ sinh.

Đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ, luôn rửa tay bằng xà phòng sạch hoặc dung dịch rửa tay sát khuẩn trước khi ăn.

Kiểm tra hạn sử dụng và chất lượng thực phẩm trước khi mua và trước khi sử dụng. Tránh sử dụng thực phẩm bị hỏng, mốc, bị thối, có mùi lạ hoặc không đảm bảo vệ sinh.

Luôn đảm bảo thức ăn được chế biến chín kỹ, tránh ăn thức ăn sống, chưa chín hoặc không rõ nguồn gốc.

Bảo quản thực phẩm đúng cách, để thực phẩm trong điều kiện bảo quản thích hợp, tránh để thức ăn trong nhiệt độ môi trường quá cao trong thời tiết nắng nóng. Sử dụng ngay hoặc bảo quản trong tủ lạnh để tránh vi khuẩn phát triển.

Đối với việc quản lý bếp ăn tập thể ở các công ty, nhà máy, trường học và vụ việc ngộ độc vừa qua, cơ quan quản lý cần thực hiện một số biện pháp sau:

Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở bếp ăn tập thể, hướng dẫn về an toàn thực phẩm đối với chủ cơ sở và nhân viên tham gia chế biến thực phẩm tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm từ nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm ban đầu đến quá trình sơ chế biến thực phẩm.

Xử lý nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm các điều kiện về an toàn thực phẩm.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia chế biến thực phẩm từ đó phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, chịu trách nhiệm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể.

- Trân trọng cảm ơn ông

A.T

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vu-ngo-doc-lon-nhat-o-dong-nai-trach-nhiem-chu-co-so-banh-mi-the-nao-169240514085956395.htm