Voọc đầu trắng ôm con trên đảo Cát Bà: Loài nguy cấp trong Sách Đỏ

Mới đây, hình ảnh 2 'vợ chồng' voọc đầu trắng trưởng thành trên đảo Cát Bà đang con ôm đàn con mới sinh vào lòng một cách âu yếm, gây sự chú ý của cộng đồng mạng.

Lãnh đạo Vườn Quốc gia Cát Bà xác nhận thông tin và hình ảnh của đàn voọc đầu trắng trên, và cho biết những cá thể voọc con mới được sinh ra trong tháng 4. Việc voọc sinh trưởng tại đảo Cát Bà được xem là điều bình thường và không có gì đặc biệt.

Tồn tại duy nhất trên quần đảo Cát Bà (Huyện Cát Hải, TP Hải Phòng), đàn voọc đầu trắng có khoảng 70 con, là loài linh trưởng quý hiếm, nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và cũng nằm trong danh sách 25 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Voọc đầu trắng hay Voọc Cát Bà còn được biết đến với tên gọi voọc đầu vàng (tên khoa học là trachypithecus poliocephalus policephalus, tên tiếng Anh – Cat Ba langur hay Golden headed langur).

Chúng cũng là một trong 4 loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Khác với tất cả các loài voọc trên thế giới, voọc Cát Bà khi sinh ra có lông màu vàng, trưởng thành sẽ chuyển thành màu đen, chỉ có chỏm lông trên đầu vẫn giữ nguyên màu vàng.

Phải mất từ 2 năm rưỡi đến 3 năm, voọc mới sinh sản 1 lần. Tuy nhiên, không phải con non nào sinh ra cũng có thể tồn tại. Voọc non có thời kỳ thơ ấu dài, được các cá thể trưởng thành trong đàn chăm sóc và truyền dạy các kỹ năng sinh tồn.

Voọc Cát Bà trưởng thành có chiều dài cơ thể khoảng từ 47 đến 53cm. Đặc biệt, đuôi của chúng dài hơn cơ thể rất nhiều, khoảng từ 85 đến 90cm và có tác dụng giúp chúng giữ thăng bằng cơ thể trong khi di chuyển trên những dãy núi đá vôi cheo leo, hiểm trở.

Tuổi thọ của Voọc Cát Bà khoảng từ 25 đến 30 tuổi. Những khu rừng trên những dãy núi đá vôi cheo leo trên quần đảo Cát Bà là môi trường sống duy nhất của Voọc Cát Bà.

Ban ngày, chúng hoạt động trên các tầng cây cao, kiếm ăn và nghỉ ngơi trên đó. Ban đêm chúng ngủ trong các hang hoặc những vách đá, rìa đá trên những dãy núi đá đó để tránh thời tiết khắc nghiệt.

Voọc Cát Bà có tập tính sinh sống theo đàn như những đơn vị gia đình, với một con đực làm chủ gia đình, có vai trò dẫn dắt đàn đi kiếm ăn, cảnh báo về những mối đe dọa có thể xảy đến với gia đình và tìm nơi ngủ.

Khi cảm thấy có nguy hiểm, con đầu đàn sẽ đứng trên 1 mỏm núi cao ra tín hiệu cảnh báo cho cả đàn. Thức ăn của chúng là lá cây, một số ít khác là hoa, quả cây rừng: các loại quả Đa, Phật dụ núi…, đặc biệt, do cấu tạo của dạ dày và có lá gan lớn, Voọc Cát Bà có thể ăn những loài lá quả cây độc như: lá ngón, quả mã tiền.

Quần thể Voọc Cát Bà đã bị suy giảm mạnh từ những năm 1960. Theo ước tính, trong vòng 40 năm từ 1960 – 1990, Voọc Cát Bà đã mất đi khoảng 98% quy mô quần thể.

Phần lớn quần thể Voọc còn lại phân bố ở các khu vực sinh sống ở nơi khó khăn nhất mới có cơ hội sống sót khỏi nạn săn bắn trong quá khứ. Việc mất đi môi trường sống cộng với tỷ lệ sinh sản thấp cũng là những đe dọa đối với Voọc Cát Bà.

Quá trình chọn lọc tự nhiên cũng dẫn đến suy giảm hao hụt quần thể như xung đột chiếm đàn dẫn đến tử vong những cá thể bị thương nặng, sau tranh đàn cắn chết con non làm giảm lớp kế cận sinh sản tương lai, tỷ lệ già hóa hết dẫn đến khả năng sinh sản, tình trạng cận huyết làm suy thoái giống nòi.

Mời quý độc giả xem thêm video: Cận cảnh vòi rồng khổng lồ xuất hiện ở khu vực đảo Cát Bà.

Thiên Trang (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/vooc-dau-trang-om-con-tren-dao-cat-ba-loai-nguy-cap-trong-sach-do-1987147.html